Multimedia Đọc Báo in

Biên giới là quê hương (Kỳ 2)

14:21, 03/03/2019

Kỳ 2: Điểm tựa vùng biên

Đối với nhân dân như tình thân ruột thịt, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã sát cánh, thực hiện nhiều công trình, việc làm ý nghĩa giúp bà con. Nơi vùng biên gian khó, sự hiện diện của người lính quân hàm xanh như tiếp thêm nguồn lực, động viên bà con vượt khó vươn lên xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh.   

Niềm tin ngày mới

Đi qua những con đường hun hút bụi đất là một vườn cây ăn trái bạt ngàn xanh. Chủ vườn Đặng Hoàng Long (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) không giấu được xúc động: “Thành quả sau 12 năm lập nghiệp trên quê hương mới của gia đình chúng tôi đều in dấu sự giúp sức chân thành của Bộ đội Biên phòng”.

Năm 2007, gia đình ông Đặng Hoàng Long rời quê hương Bến Tre để đến huyện Ea Súp lập nghiệp. Dù chăm chỉ làm lụng, nhưng vợ chồng ông vẫn chật vật mưu sinh dưới vùng đất khắc nghiệt, cằn cỗi. Chơi vơi giữa khó khăn, ông nhận được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Ea H’leo với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, loại cây hoàn toàn mới mẻ trên vùng đất này. Nghiên cứu kỹ giống cây trồng, thổ nhưỡng, các anh động viên gia đình ông Long trồng thử nghiệm trên diện tích đất 8 sào. Dưới bàn tay cần mẫn chăm bón của mọi người, cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt. Tiếp tục được bộ đội động viên, gia đình ông mở rộng diện tích trồng lên 500 trụ, đồng thời xen canh thêm một số loại cây ăn trái khác.

Không chỉ chịu hạn tốt, đặc sản thanh long ruột đỏ còn cho trái to, căng mọng, ngọt lịm, có giá bán tại chỗ từ 15 – 20 nghìn đồng/kg. Thành quả này đã mang về cho gia đình ông thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Ông xúc động chia sẻ: "Cho đến nay, các chú ấy vẫn đồng hành, thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình. Nhờ các chú mà gia đình mới phát triển kinh tế ổn định, cuộc sống vơi bớt nhọc nhằn…".

Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H’leo đến thăm, động viên gia đình ông Đặng Hoàng Long (xã Ia Lốp,  huyện Ea Súp) phát triển kinh tế.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H’leo đến thăm, động viên gia đình ông Đặng Hoàng Long (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) phát triển kinh tế.

Tâm sự của ông Long cũng là tiếng nói từ trái tim của người dân vùng biên. Trên tuyến biên giới chỉ với “đặc sản” đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt thì sự có mặt của người chiến sĩ Biên phòng như một điểm tựa không thể thiếu với họ. Để giúp bà con phát triển kinh tế, các anh không chỉ hỗ trợ con, cây giống, ngày công lao động, mà còn sẵn sàng cho mượn đất trồng trọt.

Anh Lý Văn Quảng (xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) không thể quên được sự chân thành của bộ đội Hoàng Văn Thọ (Đồn Biên phòng Ia R’vê). Đang nản chí vì nỗ lực mãi vẫn nghèo khó, anh được Đồn Biên phòng Ia R’vê động viên trồng sả lấy tinh dầu. Đặc biệt hơn, Thượng úy Hoàng Văn Thọ không chỉ giúp cho gia đình mượn 5 sào đất, mà còn cùng đồng đội cần mẫn giúp sức, hỗ trợ kỹ thuật để gia đình sản xuất đạt hiệu quả, có thu nhập bình quân hằng tháng 6 triệu đồng…

Còn rất nhiều mô hình kinh tế được Bộ đội Biên phòng phối hợp hỗ trợ triển khai, giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân nghèo. Đáng kể như mô hình nuôi bò, dê, heo lai; trồng ổi Đài Loan… đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Các anh luôn mong mỏi, hy vọng sẽ mang đến một cuộc sống mới cho người dân trên miền biên ải còn nhiều gian khó này.

Giữ ngọn lửa ấm vùng biên

Đã gần một năm trôi qua, nhưng nghĩa cử cao đẹp của người chiến sĩ Biên phòng vẫn in dấu trong trái tim người dân vùng biên Ea Bung. Đó là ngày 13-4-2018, trận lốc xoáy kinh hoàng trên địa bàn đã gây thiệt hại hết sức nặng nề cho nhân dân. Như hàng trăm trường hợp khác, căn nhà của Đội công tác địa bàn (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê) bị tốc mái hoàn toàn, chỉ còn trơ khung gỗ ọp ẹp. Nhận thiệt thòi về phần mình, các anh tập trung nhân lực, nhanh chóng xuống các khu dân cư để giúp dân khắc phục hậu quả. Nhiều ngày sau, khi công tác khắc phục đã cơ bản hoàn thành, các anh mới bắt đầu tu sửa nơi ở của mình…

Mỗi ngày, bước chân thầm lặng của người chiến sĩ Biên phòng lại in dấu trên từng cung đường gian khó để tiếp thêm niềm vui cho mọi người, mọi nhà. Nhờ có những việc làm chân thành, giản dị của các anh mà ngọn lửa ấm vùng biên luôn cháy mãi!

Luôn có mặt kịp thời khi dân cần, năm 2018, khi hai đợt lốc xoáy liên tiếp xảy ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, sẵn sàng dầm mưa, đội nắng để sửa chữa, làm mới hàng trăm căn nhà dân bị hư hỏng nặng.  

Đồng hành cùng học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 42 học sinh với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Cùng với đó, các anh còn vận động, hỗ trợ hơn 100 xe đạp, hàng nghìn dụng cụ học tập, sách vở tặng các em. Càng trân trọng hơn khi toàn bộ kinh phí đỡ đầu đều do cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đóng góp. Số tiền chưa phải là nhiều nhưng có ý nghĩa to lớn khi đã góp phần thắp sáng ước mơ chinh phục tri thức cho biết bao học sinh nghèo vùng biên.

Cán bộ, chiến sĩ  Bộ đội  Biên phòng tỉnh giúp người dân khắc phục hậu quả  lốc xoáy.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp người dân khắc phục hậu quả lốc xoáy.

Góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giới thiệu 4 cán bộ xuống tăng cường cho các xã biên giới và 51 đảng viên các đội công tác địa bàn về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn. Các anh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với phương châm “3 bám 4 cùng”, chiến sĩ quân hàm xanh luôn có mặt, đồng hành cùng nhân dân trên mọi mặt trận. Từ công tác khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đến nâng cao trình độ dân trí. Từ năm 2009 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã vận động 381 học sinh bỏ học trở lại trường; phối hợp mở 5 lớp xóa mù chữ cho 161 người dân; giúp dân trên 11.900 ngày công lao động; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 14.300 người. Đặc biệt, các anh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ xây dựng 18 công trình dân sinh, trên 200 căn nhà tặng gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã biên giới…

Box: Mỗi ngày, bước chân thầm lặng của người chiến sĩ Biên phòng lại in dấu trên từng cung đường gian khó để tiếp thêm niềm vui cho mọi người, mọi nhà. Nhờ có những việc làm chân thành, giản dị của các anh, mà ngọn lửa ấm vùng biên luôn cháy mãi!

                                                                             (Còn nữa)

 Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.