Multimedia Đọc Báo in

Những "người bạn đặc biệt" của lính đảo

09:14, 31/03/2019

Điều gây ấn tượng đối với bất kỳ ai khi đặt chân lên các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) là ngoài sự đón tiếp nồng hậu, ân tình của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân còn có sự quấn quýt, mừng rỡ khi khách đến và sự bịn rịn, lưu luyến khi chia tay của những chú chó trên đảo.

Trong chuyến công tác ra Trường Sa vừa qua, điểm Đoàn công tác số 2 chúng tôi đặt chân đến là điểm đảo Đá Lớn A. Cùng các cán bộ, chiến sĩ ra cầu cảng đón đoàn công tác còn có rất nhiều chú chó dễ thương. Cánh phóng viên chúng tôi thực sự thích thú với những chú chó đảo thân thiện, mến khách và đáng yêu, mới gặp người lạ chúng có vẻ dè chừng nhưng phát hiện ra đang đi cùng với lính đảo liền tỏ ra vui mừng, quấn quýt. Đi một vòng đảo, ở đâu chúng tôi cũng có thể bắt gặp những chú chó đang nô đùa, bơi lội dưới biển hoặc nằm dài phơi nắng.

Những chú chó là
Những chú chó là "người bạn đặc biệt" của các chiến sĩ trên điểm đảo Đá Lớn A.

Đại úy Đinh Văn Thành - Phó Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn A vừa dẫn chúng tôi đi thăm đảo vừa vui vẻ nói: “Đừng sợ, chó trên đảo không cắn ai đâu, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận, vì nó cũng như con người mong được đón khách đến thăm”. Theo anh Thành, chó trên đảo chủ yếu là chó nhà được lính hải quân mang từ đất liền ra nuôi, là những giống chó thuần chủng, tuy nhỏ bé nhưng rất khôn ngoan, lanh lợi. Có rất nhiều chú chó sinh ra ở đảo, chưa bao giờ biết đất liền, nhưng cũng như người lính hải quân, luôn coi "Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Sống ở đảo, quen với biển cả bao la, nhiều chú còn có tài bơi lội và bắt cá rất giỏi ở vùng nước cạn quanh đảo. Để tránh trùng huyết thống, hằng năm khi có đoàn công tác đi qua,  các đảo lại gửi theo các chú chó để trao đổi với nhau.

Mỗi lần đoàn công tác chia tay để tiếp tục hành trình đến những đảo khác, mọi người lại lưu luyến vẫy tay chào nhau và những lúc đó, bao giờ cũng có hình ảnh những chú chó lặng lẽ nối đuôi nhau chạy ra tận cầu cảng, đăm đắm nhìn theo khi xuồng rời đi. Một trong những người lính đã có rất nhiều kỷ niệm với những chú chó đảo là Trung sĩ Lê Quốc Cường (SN 1994, quê TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Quốc Cường là con trai đầu trong gia đình có hai anh em, nhập ngũ tháng 2-2017 và đến tháng 2-2018 được tăng cường ra đảo Đá Lớn A nhận nhiệm vụ. Đến đầu năm 2019, Quốc Cường chia tay đồng đội để trở về đất liền và ra quân trong tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Em vui vì đã hoàn thành xong nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc, được trở về đất liền, về với gia đình; buồn vì phải chia tay nơi đã gắn bó với đồng chí, đồng đội trong thời gian tuy ngắn ngủi nhưng để lại rất nhiều kỷ niệm. Đó là những buổi luyện tập, canh gác, những đêm cùng nhau thức trắng vì biển động, cùng nhau quây quần chỉ để đọc một bức thư từ đất liền gửi ra dù biết không phải gửi cho mình và đặc biệt là kỷ niệm thân thiết với những chú chó nơi đây. Ngày Cường rời đảo lên tàu trở về đất liền, những chú chó cũng chạy ra đến tận cầu cảng, ngắm nhìn "người bạn" mỗi lúc một xa. Lúc đầu, chúng nghĩ chủ nhân đi đánh cá như thường ngày nên khi thấy những cánh tay đưa lên vẫy chào, một số chú chó tưởng là gọi bơi ra cùng đánh cá liền bơi theo. Khi chứng kiến sự quyến luyến của những chú chó và lính đảo trong ngày chia tay, rất nhiều người trong đoàn công tác đã rơi nước mắt, cảm xúc dâng trào.

Người lính hải quân điểm đảo Đá Lớn A nô đùa cùng với những chú chó ở đảo.
Người lính hải quân điểm đảo Đá Lớn A nô đùa cùng với những chú chó ở đảo.

Những chú chó trên các đảo, điểm đảo ở Trường Sa thuộc nhiều giống, màu lông và năm tuổi cũng khác nhau nhưng chúng đều thích nghi rất tốt với điều kiện khắc nghiệt của môi trường, khí hậu nơi đây. Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều yêu quý các chú chó, sẵn sàng nhường suất ăn của mình nếu như chúng bị ốm đau, bệnh tật. Và ngược lại, các chú chó cũng rất thân thiện, vui đùa, đi đánh bắt cá cùng và khi màn đêm buông xuống còn là trợ thủ đắc lực của lính đảo trong những phiên tuần tra, canh gác. Theo chia sẻ của lính đảo, thính giác của những chú chó đảo cực nhạy, chỉ cần có tiếng động khác thường hay mục tiêu lạ xuất hiện là lập tức sủa inh ỏi. Vì vậy, mỗi ca trực, có thêm những “người bạn” này, người lính hải quân vui hơn, an tâm hơn và cảm thấy được chia sẻ rất nhiều.

Những chú chó luôn là hình ảnh quen thuộc và là bầu bạn không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo. Và có lẽ, các chú chó ở đảo cũng "học tập" được phần nào tính kỷ luật, nền nếp của người lính nên dù có đông đảo nhưng chúng biết nhường nhịn nhau, cùng nhau nô đùa và đặc biệt không bao giờ tranh giành nhau mỗi khi ăn uống.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.