Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền (Kỳ 2)

09:11, 11/03/2019

Kỳ 2: Những cột mốc chủ quyền đặc biệt

Trên cơ sở thống nhất sau đàm phán, khảo sát thực địa, Đội PGCM hai quốc gia sẽ tiến hành cắm mốc phân định chủ quyền. Đây được xem là nhiệm vụ rất quan trọng và đầy gian lao, vất vả.

Cột mốc đầu tiên trên biên giới Đắk Lắk

Ngày 6-6-2007, mốc đôi 45 được cắm trên đoạn biên giới hai xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) và xã Sô Rê Hui (huyện Cô Nhéc, tỉnh Mundulkiri).

Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Đây được xác định là vị trí mở màn thuận lợi, tạo tiền đề cho việc thực hiện những cột mốc tiếp theo trên biên giới hai tỉnh. Đặc biệt, khu vực biên giới phía Việt Nam (do Đồn Biên phòng Sêrêpốk quản lý, bảo vệ) cũng từng là nơi mà 71 liệt sỹ của Sư đoàn 470 (Đoàn 559) và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ngã xuống khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng…

Những tưởng khởi đầu sẽ suôn sẻ, nhưng lại hết sức gian nan. Thời điểm hai đoàn công tác vừa vượt sông Sêrêpốk để qua đất bạn Campuchia cắm cột mốc 45 (1) đã có tình huống bất ngờ xảy ra. Khi các thành viên đang chăm chú bàn bạc, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị cắm mốc thì một tổ ong khoái từ ngọn cây cao xuất hiện, hung hãn tấn công tất cả mọi người.

Nhớ lại giây phút ấy, Thiếu tá QNCN Đỗ Văn Nhương (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk) từng là nhân viên tuyên truyền (Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh) không khỏi rùng mình. Anh kể lại: Dù có nhiều năm bám rừng, nhưng chưa khi nào thấy tổ ong lớn đến thế. Cả đàn ong hợp lực, to như cái mặt bàn, vù vù tấn công khiến ai cũng bị đốt, sưng vù tay chân, mặt mũi. Có người bị nhiễm độc nặng đã ngất xỉu ngay tại bờ sông, người thì bị sốt cao li bì, buộc phải đưa xuống trạm xá gần nhất cấp cứu, tránh trường hợp bị nhiễm trùng máu…

Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia bên cột mốc biên giới hai nước.
Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia bên cột mốc biên giới hai nước.

Khó khăn, trở ngại còn tiếp tục "thử" sự kiên trì, sức bền, nhưng hai bên đã nỗ lực vượt qua tất cả. Cuối năm 2007, cột mốc chủ quyền đầu tiên trên biên giới Đắk Lắk – Mundulriki được xây dựng bằng đá hoa cương nguyên khối trong niềm tự hào khôn xiết của các chiến sĩ quân hàm xanh.

Trên ngã ba suối Ốp Phlây – Đắk Đam

Ngày 11-6-2007, Đội PGCM hai nước thực hiện việc thực địa, cắm mốc ba 46, nơi có hai con suối Ốp Phlây và Đắk Đam giao nhau, tạo thành ngã ba rộng lớn với dòng chảy hung hãn. Ba vị trí mốc được xác định ban đầu, gồm: 46 (1) nằm trên lãnh thổ Việt Nam, 46 (2) nằm ở giữa cồn hai suối và 46 (3) nằm trên lãnh thổ nước bạn Campuchia. Để cắm 3 vị trí mốc, bằng mọi cách, các lực lượng phải tìm được điểm trung tuyến, nằm giữa hợp lưu hai dòng chảy.

 

“Đắk Lắk là một trong những tỉnh đã hoàn chỉnh lộ trình xác định và cắm xong 7/7 vị trí mốc quốc giới trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia từ năm 2017”.

 
 
Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh

Thời điểm ấy đang là mùa mưa, khiến dòng chảy của hai con suối hợp thành càng trở nên đục ngầu, hung hãn. Cùng với đó, mực nước sâu hoắm, lòng suối toàn đá bàn nên việc cắm cọc ở điểm trung tuyến hết sức khó khăn. Có những thời điểm các thành viên Đội PGCM hai nước rét run người, phải chia nhau lương khô dự trữ để ăn tại chỗ, lấy sức tiếp tục công việc.

Để bảo đảm an toàn cho đơn vị bạn, Đội PGCM số 3 nhường hết áo phao. Khi phương án đầu tiên được đưa ra, hai "kình ngư" của Đồn Biên phòng Bo Heng là Trần Văn Đức và Trần Công Dương, dù không nằm trong đội PGCM nhưng đã xung phong băng mình dưới dòng nước lớn để giữ cọc tre làm tiêu cho lực lượng kỹ thuật đo đạc. Sức người không thể chế ngự được dòng nước đang xiết chảy, các anh dù đã cố gắng nhưng không thể cố định được thân tre.

Hơn một tuần liền với nhiều phương án đưa ra, nhưng các lực lượng vẫn không thể xác định được điểm trung tuyến. Chỉ đến khi hai đội sử dụng bè lớn, vừa đo dây vừa thả ròng rọc xuống lòng suối mới xong nhiệm vụ bước đầu…

Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đến thăm cột mốc 46.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đến thăm cột mốc 46.

Cả cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tá Phạm Quang Hùng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác PGCM. Ông trải lòng: Ròng rã nhiều năm liền không quản gian nan, thử thách, Đội PGCM hai quốc gia đã xác định và cắm xong 7/7 vị trí mốc quốc giới (từ mốc 41 đến mốc 47) với tổng số 11 cột mốc; đã cắm được 42 vị trí mốc phụ; phân giới được 38,935 km đường biên giới trên sông, suối. Đồng thời đã tiến hành quy thuộc được 43 cồn bãi, trong đó có 16 cồn bãi quy thuộc về phía Việt Nam, 27 cồn bãi quy thuộc về phía Campuchia.

Với những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia PGCM thì mỗi vị trí mốc được cắm trên đường biên đều có những khó khăn nhất định. Việc xác định và cắm xong 7/7 vị trí mốc quốc giới là một quá trình nỗ lực bền bỉ của hai quốc gia, trong đó có những đóng góp thầm lặng của các Đội PGCM. Rất khó để tìm được tiếng nói chung, nhưng hai bên luôn thống nhất quan điểm xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, tạo niềm tin vững chắc giữa Đắk Lắk – Mundulkiri nói riêng, Việt Nam – Campuchia nói chung.     

(Còn nữa)

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.