Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền (Kỳ cuối)

08:58, 12/03/2019

Kỳ cuối: Chung lòng bảo vệ biên cương

Trên dải đất biên cương của Tổ quốc, cột mốc không chỉ khẳng định chủ quyền, mà còn là nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi, là "địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ thấm thía hơn những giá trị lịch sử mà lớp lớp cha anh đã bền bỉ xây dựng.  

Chào cột mốc biên cương

Giữa cái nắng hanh hao của mùa khô, Đội tuần tra của Thiếu úy Y Thân Niê (Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê) lên đường thực hiện nhiệm vụ. Đội tuần tra hướng về phía nơi xác định chủ quyền, thực hiện nghi thức chào cột mốc số 42 rồi mới tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới.

Triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu nơi mốc thiêng, Y Thân Niê và một đồng đội khác cẩn thận kiểm tra tính nguyên vẹn của công trình cột mốc. Khi nhận thấy mốc giới không có dấu hiệu xâm hại nào, người Đội trưởng đã tập hợp các chiến sĩ mới để giới thiệu rõ hơn về cột mốc chủ quyền.

Đội tuần tra Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê nghiêm trang chào cột mốc.
Đội tuần tra Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê nghiêm trang chào cột mốc.

Cột mốc số 42 được Đội PGCM hai nước Việt Nam - Campuchia tiến hành khảo sát song phương nhiều lần tại thực địa để xác định vị trí cắm mốc năm 2014. Sau 3 tháng thi công, tháng 5-2015 cột mốc đã hoàn thành, được bàn giao cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê quản lý, bảo vệ. Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách…

Sau lời giới thiệu, trong không khí trang nghiêm, cả đội kính cẩn chào cột mốc chủ quyền rồi tiếp tục băng rừng, thực hiện nhiệm vụ được giao phó…

Thiếu úy Y Thân Niê tốt nghiệp Học viện Biên phòng, vừa về nhận công tác tại Đồn hồi tháng 8-2018. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng chàng trai người dân tộc Êđê được đồng đội trân quý bởi bản tính chân thành, trách nhiệm và chịu khó. Y Thân Niê yêu biên giới như chính ngôi nhà thứ hai của mình. Chàng trai trẻ bộc bạch: Ngay từ khi tham gia nghĩa vụ quân sự, anh đã muốn được đóng góp tuổi trẻ của mình cho việc bảo vệ biên cương. Quãng thời gian học tập trên giảng đường cũng như về công tác tại đơn vị đã giúp anh hiểu rõ hơn chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc. 

Theo Thiếu tá Lưu Minh Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê, để cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ truyền thống, lịch sử, Đồn thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ học tập, giáo dục lý luận chính trị, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa, đặc biệt là Phòng Hồ Chí Minh. Với những cán bộ, chiến sĩ mới, đơn vị tổ chức đi thực tế đường biên, thăm cột mốc để rõ hơn lịch sử và nhiệm vụ người chiến sĩ quân hàm xanh nơi tuyến đầu. 

Hướng về biên cương

Cùng với việc duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác tuần tra song phương với nước bạn Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn tích cực phối hợp tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn về biên giới quốc gia.

Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng chia sẻ: Hằng năm, đặc biệt là dịp lễ, Tết, các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh đều phối hợp tổ chức cho các đối tượng lên thăm biên giới. Nhờ những chuyến vượt nắng gió lên với vùng biên mà đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi, đặc biệt là các chức sắc tôn giáo lên biên giới cảm nhận rõ hơn về phên dậu Tổ quốc.

 
“Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nhưng bà con vùng biên luôn ý thức cao việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Chính vì niềm tự hào thường trực ấy mà hầu như ai cũng muốn một lần được đến, chạm tay vào cột mốc chủ quyền”.
 
Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê (huyện Ea Súp)

Năm 2017, Đoàn báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đã có một chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa để tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Đây cũng là chuyến lên biên giới đầu tiên của nhiều thành viên trong đoàn nên cảm xúc của họ khi đến thăm Đồn Biên phòng Ia R’vê, Cửa khẩu Đắk Ruê, tham quan cột mốc, dâng hương tại Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ… cũng rất đặc biệt. Anh Võ Thành Trung, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhớ mãi giây phút khi cả đoàn nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền. Anh Trung tâm tình: “Cảm giác rất khó tả, vừa tự hào, vừa xúc động. Giây phút ấy bỗng chốc khiến mình quên hết những sân si cùng nhịp sống hối hả đời thường để dành trọn trái tim cho người lính nơi biên thùy, cho những cột mốc chủ quyền mà lớp lớp cha anh đã dày công xây dựng…".

Ngoài đẩy mạnh hoạt động giáo dục, tuyên truyền, các đồn Biên phòng còn phối hợp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Nhờ đó trên tuyến biên giới tỉnh đã xây dựng được 51 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn với 312 thành viên; có 23 tập thể và 412 hộ gia đình, 1.433 cá nhân đăng ký tự nguyện tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội trên địa bàn các xã biên giới.

Thiếu úy Y Thân Niê giới thiệu cho chiến sĩ mới về lịch sử hình thành cột mốc chủ quyền số 42.
Thiếu úy Y Thân Niê giới thiệu cho chiến sĩ mới về lịch sử hình thành cột mốc chủ quyền số 42.

Chính từ các phong trào, hoạt động tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới mà quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng hàng trăm nguồn tin có giá trị, phục vụ kịp thời công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm khu vực biên giới. 

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.