Multimedia Đọc Báo in

Tưởng niệm giữa trùng khơi...

09:08, 09/03/2019

Trong chuyến hải trình đến thăm các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi đặc biệt xúc động khi tham dự buổi lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì biển, đảo của Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm được tổ chức trên boong tàu HQ 561 khi tàu đến khu vực thuộc cụm 3 đảo: Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma -  nơi cách đây hơn 30 năm đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 - Đoàn Trường Sa anh hùng. Buổi lễ tưởng niệm bắt đầu lúc 11 giờ 30 phút, nhưng chưa đến 11 giờ, khoảng không gian rộng trên boong tàu đã chật kín. Trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ với quân phục chỉnh tề còn có rất nhiều phóng viên báo chí tháp tùng đoàn công tác với trang phục áo đỏ in hình ngôi sao vàng 5 cánh. Giữa bốn bề trời nước mênh mông xanh ngắt, những chiếc áo đỏ sao vàng như càng khẳng định đây chính là vùng biển, vùng trời thiêng liêng, không thể tách rời của đất nước Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ hải quân thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ.
Cán bộ, chiến sĩ hải quân thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ.

Diễn văn do Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân), Trưởng đoàn công tác đọc tại buổi lễ như làm sống dậy trận chiến bi hùng cách đây hơn 30 năm. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ ngàn đời là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam trên Biển Đông, nhưng từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, đối phương đã đưa lực lượng lớn tàu quân sự xuống Trường Sa, ngang nhiên dùng vũ lực chiếm giữ trái phép một số bãi đá ngầm của ta. Khoảng 6 giờ ngày 14-3-1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội của ta đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì bất ngờ bị lực lượng vũ trang của đối phương tấn công. Họ đã dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất. Dù trận chiến diễn ra trong điều kiện không cân sức nhưng cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam trên các tàu đã chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên cường bảo vệ đảo, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Trong cuộc chiến đấu ấy, 64 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh; trong đó có nhiều người là những tấm gương tiêu biểu sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên biển. Có thể kể đến như: Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 605; Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma... Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho sự trường tồn của quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Câu nói của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương: “Không được lùi bước trước quân thù, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” đã trở thành sức mạnh, như một lời kêu gọi hành động cho cán bộ, chiến sĩ bất chấp mọi hiểm nguy, đoàn kết một lòng, bám trụ kiên cường, sẵn sàng chiến đấu, anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Những người lính hải quân và phóng viên nhà báo thả vòng hoa trên biển tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ.
Những người lính hải quân và phóng viên nhà báo thả vòng hoa trên biển tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ.
 

“Bao nhiêu năm đã trôi qua, hài cốt các liệt sỹ vẫn còn nằm lại ở đâu đó dưới lòng đại dương. Ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chính sự hy sinh của các anh đã đem lại niềm hạnh phúc cho dân tộc, các anh chết cho Tổ quốc sống mãi!”.

 
 
Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân)

“Hôm nay đoàn công tác đi qua nơi các đồng chí đã anh dũng hy sinh, trong niềm xúc động sâu sắc và nhớ thương vô hạn, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các anh, các đồng chí thân yêu, mong hương hồn các Anh hùng liệt sỹ hãy yên giấc ngàn thu giữa lòng đại dương Trường Sa của đất mẹ Việt Nam. Chúng tôi những người đang tiếp bước các đồng chí, nguyện đoàn kết, gắn bó một lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, ngày đêm cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu...” - lời diễn văn kết thúc trong niềm xúc động dâng tràn. Sau phút mặc niệm trang nghiêm, mọi người thành kính dâng lên các Anh hùng liệt sỹ những nén hương thơm, rồi cùng nhau thả vòng hoa tưởng niệm xuống biển, thầm nguyện ước các anh thanh thản mãi mãi ở lại với biển cả, với đảo để cùng canh giữ Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Nhà báo Nguyễn Việt Thanh - phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Trị vừa thả nhẹ nhánh hoa cúc vàng xuống mặt biển, vừa xúc động nói: “Tôi rất vinh dự và may mắn được tham gia chuyến công tác này và đặc biệt hơn còn được tham gia lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Trước đây, tôi chỉ biết đến sự kiện ngày 14-3-1988 qua các phương tiện truyền thông. Hôm nay, được trực tiếp đến quần đảo Trường Sa và được tham gia buổi lễ đầy cảm xúc, tôi càng thấm thía hơn sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời và là hành trang quý trong nghề. Mang những tình cảm, những dấu ấn tốt đẹp này về đất liền, tôi và các đồng nghiệp cùng đi sẽ có những bài viết tuyên truyền sâu đậm hơn, giúp mọi người hiểu hơn và tiếp tục có những chia sẻ với những khó khăn, hiểm nguy mà hằng ngày, hằng giờ những cán bộ, chiến sĩ tại các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn đối mặt”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.