Multimedia Đọc Báo in

Vượt núi dẫn nước về buôn

15:59, 14/04/2019

Mặc dù tình trạng nắng nóng, khô hạn đang diễn ra gay gắt, nhưng ở buôn Blúk (xã Nam Ka, huyện Lắk) nguồn nước mát vẫn đều đặn chảy. Thành quả này thấm đẫm công sức, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ Cụm dân vận số 2 (Bộ CHQS tỉnh).

Buôn Blúk như một ốc đảo thu nhỏ, nằm nép mình giữa mênh mông đại ngàn. Buôn có 18 hộ dân với khoảng 76 nhân khẩu sống rải rác, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn. Nhiều năm qua, việc ăn uống, sinh hoạt của bà con rất đáng lo ngại do nguồn nước không bảo đảm. Theo ông Đào Quang Long, Chủ tịch UBND xã Nam Ka thì trước đây, bà con vẫn thường dự trữ nước mưa, hoặc lên các con suối trên rừng lấy nước về sử dụng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân do không có điều kiện nên phải dùng nước giếng nhiễm phèn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk kiểm tra lại đường ống dẫn nước về buôn Blúk.
Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk kiểm tra lại đường ống dẫn nước về buôn Blúk.
 

Trước đây, Ban CHQS huyện Lắk cũng đã từng xây dựng một đường ống lớn để người dân thị trấn Liên Sơn sử dụng nước miễn phí trong nhiều ngày liền. Đó là thời điểm năm 2016, giữa cao điểm mùa khô, đơn vị đã dùng nguồn nước giếng khoan, kéo ống ra tận trục đường chính, bơm với công suất lớn để giúp hàng chục hộ dân trên địa bàn thiếu nước sạch. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng việc làm kịp thời ấy vẫn luôn được người dân nhắc nhớ. “Nam Ka là xã đặc biệt khó khăn, thời gian qua, người dân trên địa bàn thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị Cụm dân vận số 2. Nhờ sự sâu sát, nhiệt tình của các anh mà cuộc sống người dân đã được cải thiện khá nhiều” - 

 
 
Ông Đào Quang Long, Chủ tịch UBND xã Nam Ka

Được giao địa bàn làm công tác dân vận ở xã đặc biệt khó khăn Nam Ka, các đơn vị thuộc Cụm dân vận số 2 (gồm: Ban Chỉ huy Quân sự các huyện Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ và Trung đoàn 584) đã tìm hiểu tình hình thực tế và phối hợp chính quyền địa phương tạo nguồn nước cho bà con dùng. Các đơn vị đã họp bàn, thống nhất huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp tài chính và ngày công để thực hiện công trình dẫn nước về buôn. Sau khi vượt núi cao, khảo sát chất lượng nguồn nước suối, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật liệu: ống dẫn nước, xi măng, cát đá… để xây dựng công trình. Những ngày bám buôn, bộ đội, dân quân tích cực đào rãnh dọc sườn núi, đường làng để đặt ống nước, kéo đường ống dài khoảng 3 km về tới tận các hộ gia đình. Thấy tình cảm của bộ đội với dân làng nên mọi người cũng tự nguyện tham gia. Sau 3 ngày cật lực làm việc, nguồn nước mát từ ngọn núi cao đã về với mọi nhà trong niềm vui sướng của bà con buôn làng.

Tận tình giúp dân, các đơn vị cũng không quên nhắc nhở bà con quý trọng nguồn nước, bảo quản đường ống nước hợp lý để sử dụng được lâu dài, hiệu quả. Cẩn thận hơn, Cụm dân vận số 2 còn mua thêm các loại vật tư phục vụ cho việc sửa chữa hỏng hóc đường ống gửi tại nhà trưởng buôn để  khi cần bà con cần có thể sử dụng miễn phí.

Nguồn nước mát đã về với gia đình nhiều tháng qua, nhưng niềm vui vẫn còn đọng lại trên nụ cười của Ama Đam. Do tuổi cao, sức yếu, lại bị còng lưng nên trước đây, việc vận chuyển nước sạch với ông rất khó nhọc. Ông tâm tình: "Bộ đội hiểu và gần gũi bà con lắm. Nhờ bộ đội kéo nước về tận nhà, nên rất tiện lợi cho tôi trong làm việc nhà, chăm sóc vợ ốm. Không chỉ đủ nước sinh hoạt mà còn đủ nước tưới thêm cà phê, cây trồng trong vườn, mà không phải lo nắng hạn". 

Người dân buôn Blúk có được nguồn nước sạch.
Người dân buôn Blúk có được nguồn nước sạch.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lắk, do công trình thiết thực với người dân nên được các đơn vị trong Cụm hưởng ứng nhiệt tình. Giờ nhìn thấy niềm vui của bà con đó cũng chính là nguồn động lực cho cán bộ, chiến sĩ vượt mọi khó khăn.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.