Tình quân dân nơi tuyến đầu
Đăng ký việc làm tốt, các chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực, góp phần giúp đỡ nhân dân vùng biên ngày càng cải thiện cuộc sống.
Mỗi cán bộ một việc làm tốt
Đóng quân trên địa bàn xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) còn nhiều khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk luôn trăn trở tìm giải pháp giúp bà con phát triển mọi mặt. Nhiều năm qua, Đồn đã phối hợp, triển khai nhiều chương trình, hoạt động, trong đó có hoạt động đăng ký thực hiện việc làm tốt của cán bộ công tác địa bàn.
Bà Phan Thị Tuyết vui mừng chia sẻ kết quả học tập của con cho các cán bộ Đồn Biên phòng Sêrêpốk. |
Theo đó, từ năm 2015, căn cứ vào kế hoạch công tác Biên phòng, tình hình thực tiễn nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ công tác địa bàn đã đăng ký một việc làm tốt. Đại úy Phan Văn Lâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk chia sẻ: Để việc triển khai đi vào thực chất và hiệu quả, các cán bộ sẽ phải lựa chọn kỹ càng việc làm tốt, phù hợp với điều kiện, khả năng, hoàn cảnh. Sau đó nộp bản đăng ký có ghi rõ nội dung, biện pháp, kết quả, phương hướng thực hiện để đơn vị theo dõi, đánh giá.
Đa dạng trong cách thức thực hiện, có người lựa chọn hỗ trợ dạy học và vật chất cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, người thì giúp ngày công lao động, hỗ trợ kỹ thuật, con giống để hộ nghèo phát triển kinh tế, hay có người lại đi vận động, động viên học sinh không bỏ học, tiếp tục đến trường…
Nhiều việc làm ý nghĩa
Mỗi lần có bộ đội Biên phòng đến thăm, bà Phan Thị Tuyết (buôn Ea Mar) đều không quên nhắc lại chuyện cũ với sự trân quý, biết ơn. Bà Tuyết thuộc diện gia đình chính sách, cuộc sống của người mẹ đã luống tuổi cùng đứa con đang còn nhỏ gặp không ít khó khăn, phải tần tảo mỗi ngày. Biết hoàn cảnh ấy, năm 2015, Đại úy Phan Văn Lâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã trích một phần lương, bàn bạc rồi hỗ trợ gia đình một cặp heo giống. Với tâm niệm “Tặng cần tặng cả cách câu”, anh Lâm thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp gia đình làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc.
Có sinh kế, bà Tuyết chăm sóc cẩn thận, nên cặp heo lớn khá nhanh, chẳng mấy chốc sinh sôi thành đàn. Bà Tuyết cho biết, đàn heo sinh sản khá dày, mỗi lứa được cả chục con, con nào cũng béo múp. Nhờ có chúng mà mẹ con bà đã vượt qua được những năm tháng cơ cực. Hơn hết, bà đã thực hiện ước vọng lớn nhất đời mình là lo cho con ăn học chu đáo, giúp con hoàn thành quãng đời sinh viên với tấm bằng loại Giỏi.
Đại úy Phan Văn Lâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk
|
Đến buôn Ea Rông, không khó để tìm nhà của bà H’Pốt Ksơr. Giữa cái nắng vùng biên như chảo rang, bà H’Pốt Ksơr vẫn không quên chăm sóc đàn heo rừng lai 50 con cẩn thận. Bà vui mừng chia sẻ, ban đầu gia đình chỉ nuôi vài con lấy thịt, nhưng thấy các chú bộ đội góp ý có lý, lại hỗ trợ thêm con giống nên gia đình đã quyết định nuôi heo đàn.
Chuyện là năm 2017, nhận thấy gia đình bà H’Pốt Ksơr có tiềm năng phát triển chăn nuôi, nên các cán bộ Đội Phòng chống tội phạm ma túy đã đóng góp kinh phí, hỗ trợ gia đình một cặp heo giống. Theo dõi thấy heo phát triển tốt, Đội tiếp tục hỗ trợ thêm 3 heo con để gia đình gây đàn. Nhằm động viên ông bà, các anh tranh thủ đóng góp ngày công quây lưới, mở rộng, cải tạo hệ thống chuồng trại. Có bộ đội đồng hành, vợ chồng bà H’Pốt như được tiếp thêm nguồn lực. Nhờ chăm sóc tốt, hiện đàn heo gia đình bà đã lên tới 50 con. Bà H’Pốt cho biết, gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng cung cấp con giống và bán lấy thịt. Với sự khởi đầu thuận tiện này, bà hy vọng mô hình sẽ là chỗ dựa kinh tế vững chắc cho gia đình.
Đàn heo lai của gia đình bà H’Pốt Ksơr. |
Còn với Trung tá QNCN Đỗ Văn Nhương, dù "không đao to búa lớn" nhưng việc làm của anh luôn nhận được sự yêu mến của trẻ em vùng biên. Mỗi tháng, anh vẫn thường phối hợp với trường học tổ chức cắt tóc miễn phí cho các em từ 2 – 3 buổi. Không chỉ "làm đẹp" mà anh còn gần gũi, động viên các em chăm ngoan, học giỏi, biết vâng lời cha mẹ, cô giáo... Nói về việc làm của mình, anh Nhương tâm tình: “Học sinh vùng biên thiếu thốn lắm, ít cháu có điều kiện cắt tóc thường xuyên. Sự quan tâm của chúng tôi dù nhỏ, nhưng khi được cắt tóc, các cháu thường tỏ ra rất hạnh phúc và chăm chỉ đến trường hơn”…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc