Multimedia Đọc Báo in

Ðiểm tựa giữa trùng khơi

11:03, 29/07/2019

Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ hải quân ở quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) còn tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, trở thành điểm tựa vững chắc của bà con ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản xa bờ.

Trong chuyến công tác đầu năm 2019, chúng tôi được đến tham quan Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật ở đảo Sinh Tồn. Với ngư dân có lẽ nơi đây không còn xa lạ gì bởi trong hành trình đánh bắt hải sản trên biển, không ít lần họ nhận được sự giúp đỡ, đón nhận từng lít nước ngọt, từng mớ rau xanh hay viên thuốc từ những người lính đảo.

Theo Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Bỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, từ tháng 11-2016, Hải đoàn 129 thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) đưa vào sử dụng 3 Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật, gồm 1 âu tàu tại đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le, Tốc Tan. Nhiệm vụ chủ yếu của 3 Trung tâm là cung ứng dịch vụ hậu cần, sửa chữa, thay thế vật liệu tàu cá, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản.

Cán bộ, chiến sĩ giúp ngư dân neo đậu tàu, thuyền vào âu tàu tại đảo Sinh Tồn tránh, trú bão và sửa chữa.
Cán bộ, chiến sĩ giúp ngư dân neo đậu tàu, thuyền vào âu tàu tại đảo Sinh Tồn tránh, trú bão và sửa chữa.

Âu tàu tại đảo Sinh Tồn có diện tích khoảng 3,6 ha, độ sâu gần 5 m, với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: đèn chiếu sáng, bờ kè dài vững chắc, có thể tiếp nhận khoảng 100 tàu, thuyền của ngư dân vào trú, tránh bão và sửa chữa. Nơi đây thường xuyên tiếp nhận, sửa chữa hỏng hóc cho tàu, thuyền của ngư dân và là nơi tránh, trú bão mỗi khi biển động.

Hôm chúng tôi có mặt trên đảo, thuyền đánh cá mang số hiệu QNG-TS 96.435 của thuyền trưởng Đinh Văn Lậc cùng nhiều thuyền viên quê Quảng Ngãi khi đang đánh bắt trên ngư trường Trường Sa (cách đảo Sinh Tồn khoảng 50 hải lý) bị trục trặc máy đã phải nhờ sự cứu trợ, giúp đỡ. Nhận được tin báo, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn nhanh chóng triển khai lực lượng tiến sát thuyền gặp nạn và thực hiện nhiệm vụ kéo thuyền về âu tàu để sửa chữa. Tại đây, toàn bộ ngư dân trên thuyền được tiếp tế lương thực, thuyền được sửa chữa miễn phí và được cung cấp thêm nước ngọt, thuốc men, gạo... để tiếp tục vươn khơi.

Anh Lậc chia sẻ, lúc thuyền gặp trục trặc, mọi người rất lo lắng vì thuyền mới khởi hành chưa được bao lâu nên nếu như phải quay về thì thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Vả lại đây là chuyến ra khơi khi thời gian Tết âm lịch cận kề, nếu không được khắc phục kịp thời, có khi các thành viên trên thuyền phải ăn Tết trên biển. May nhờ các chiến sĩ hải quân tận tình giúp đỡ nên tàu mới có thể quay lại ngư trường để tiếp tục đánh bắt hải sản. Sự giúp đỡ cùng tấm lòng chân tình của những người lính đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nguồn động lực để ngư dân sẵn sàng vươn khơi, bám biển cùng tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Một góc âu tàu ở đảo Sinh Tồn.
Một góc âu tàu ở đảo Sinh Tồn.

Thời gian qua, tuy cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn luôn xác định giúp đỡ ngư dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi người lính hải quân. Khi biển có giông bão, tất cả các tàu, thuyền của ngư dân đều vào âu tàu tránh bão hoặc nếu có bị hỏng hóc hay ốm đau, tai nạn lao động cũng có thể đến đây. Họ luôn được những người lính hải quân trên đảo sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ miễn phí, qua đó kết nối tình cảm quân - dân thêm sâu nặng, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.      

Trong năm 2018, âu tàu ở đảo Sinh Tồn đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm tàu thuyền đánh cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bình Định... vào tránh, trú bão an toàn; cung cấp miễn phí hàng nghìn lít nước ngọt; sửa chữa miễn phí hơn 20 tàu cá bị hư hỏng; cung cấp gần 200.000 lít nhiên liệu với giá bằng trên đất liền…

  Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.