Multimedia Đọc Báo in

Lính đặc công giúp người nghèo an cư

09:05, 09/10/2019

Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công) - đứng chân trên địa bàn xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ người dân nghèo nơi đơn vị đóng quân có nơi ăn ở ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Gia đình ông Bùi Văn Vương (SN 1958, ở thôn 3, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vừa được Lữ đoàn Đặc công 198 xây tặng căn nhà Đại đoàn kết. Ông Vương là người dân tộc Mường, quê gốc ở Hòa Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk. Hiện nay, cả hai vợ chồng đều tuổi cao sức yếu, bản thân ông bị bệnh sỏi thận chữa trị rất tốn kém, trong khi người con gái duy nhất đang trọ học xa nhà, gia đình ở trong căn nhà chật hẹp cũ nát.

Trước hoàn cảnh này, đầu năm 2019, Lữ đoàn Đặc công 198 đã hỗ trợ gia đình ông Vương 30 triệu đồng để xây mới căn nhà cấp 4 mái lợp tôn, nền láng xi măng, diện tích khoảng 70 m2, với tổng kinh phí khoảng 160 triệu đồng. Ông Vương chia sẻ: “Cùng với sự chung tay góp sức của người thân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 đã giúp đỡ gia đình tôi hàng trăm ngày công lao động để xây dựng và hoàn thành ngôi nhà khang trang, kiên cố. Khi gia đình về nhà mới, các chú bộ đội còn mua tặng tivi, bàn ghế và một số vật dụng cần thiết khác như quạt điện, nồi cơm, bóng đèn… Giờ đây, có ngôi nhà vững chãi để ở, gia đình tôi yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”.

Cán bộ Lữ đoàn Đặc công 198 kiểm tra căn nhà xây tặng gia đình ông Bùi Văn Vương.
Cán bộ Lữ đoàn Đặc công 198 kiểm tra căn nhà xây tặng gia đình ông Bùi Văn Vương.

Cách đây vài tháng, cả ba thành viên trong gia đình chị H’Niên Knul (SN 1994, buôn Nao B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) còn phải ở trong ngôi nhà gỗ xập xệ, dột nát nhưng nay đã có ngôi nhà mới khang trang. Gia đình chị H’Niên thuộc diện khó khăn, hai vợ chồng trẻ mới ra lập nghiệp nên gia tài chẳng có gì ngoài mảnh đất hơn 100 m2 do bố mẹ bên ngoại cho. Cả gia đình sống dựa vào tiền công phụ hồ bấp bênh do công việc không ổn định của người chồng nên cuộc sống rất khó khăn, căn nhà xập xệ, hễ mưa là dột nhưng không có tiền sửa chữa.

Ðầu năm 2019, Lữ đoàn Đặc công 198 hỗ trợ gia đình chị H'Niên số tiền 30 triệu đồng để xây dựng nhà Ðại đoàn kết rộng khoảng 55 m2, trị giá hơn 110 triệu đồng. Từ ngày có được căn nhà vững chãi, anh chị yên tâm hơn khi đi làm, không còn phải thấp thỏm mỗi khi trời mưa gió, nhờ đó cuộc sống ngày càng ổn định.

Ông Bùi Văn Vương trò chuyện cùng bộ đội Lữ đoàn Đặc công 198.
Ông Bùi Văn Vương trò chuyện cùng bộ đội Lữ đoàn Đặc công 198.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp được Lữ đoàn Đặc công 198 hỗ trợ vật chất và ngày công lao động để xây dựng nhà. Dù giá trị hỗ trợ mỗi ngôi nhà không lớn nhưng phần nào đã giúp cho các hộ nghèo có nơi ở ổn định, nhiều gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đại tá Nguyễn Minh Mạnh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 198 cho biết: “Đóng quân và làm nhiệm vụ ở địa bàn chiến lược khu vực Tây Nguyên - nơi cuộc sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên công tác dân vận luôn được đơn vị triển khai thường xuyên, bằng nhiều hình thức, việc làm phù hợp. Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bộ đội Lữ đoàn thường xuyên hành quân về các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hướng dẫn và giúp bà con lao động sản xuất, nâng cao thu nhập; đồng thời thực hành tiết kiệm, quyên góp lương thực hỗ trợ bà con vào thời điểm giáp hạt, dịp lễ, Tết; tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; vận động xây nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết...”.

Từ năm 2016 đến nay, Lữ đoàn đã huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau để xây dựng 11 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã xây tặng 3 nhà Đại đoàn kết, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.