"Bác sĩ" của xe thiết giáp
09:16, 03/11/2019
Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, yêu nghề, thời gian qua các cán bộ, nhân viên Tổ ô tô (Trạm sửa chữa tổng hợp, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng các loại ô tô, máy móc, tàu thuyền, gia công cơ khí… mà còn là những “bác sĩ” mát tay trong việc “khám và điều trị” cho những chiếc xe thiết giáp đã qua nhiều năm sử dụng.
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Xe máy (Phòng Kỹ thuật) cho biết, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn hiện nay, phần lớn các xe thiết giáp có trong biên chế của Bộ CHQS tỉnh đã được cải tiến, lắp động cơ diesel thay cho động cơ xăng, lắp ly hợp, hộp số mới; chuyển đổi hệ thống lái sang trợ lực thủy lực; lắp hệ thống tín hiệu, đèn, còi ưu tiên, gương chiếu hậu; nâng cấp hệ thống truyền lực, phanh, treo chạy, nóc xe; sửa chữa nâng cấp thân xe, gạt mưa, cứu hỏa, thông gió, thông tin, ghế đệm, bơm lốp; bảo dưỡng đồng bộ, thay dầu, mỡ các cụm.
Cùng là xe thiết giáp nhưng mỗi dòng lại có nguyên lý, động cơ, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện riêng, do đó để có thể “bắt đúng bệnh, cấp đúng thuốc, điều trị khỏi” cho những chiếc BTR - 152 hay BRDM - 2 nặng hàng chục tấn, có tuổi đời đã vài chục năm, các cán bộ, nhân viên Tổ ô tô phải nghiên cứu, tìm hiểu và cố gắng rất nhiều. Các cải tiến phải bảo đảm tính năng cơ động vượt trội (leo dốc, tăng tốc, chuyển hướng) so với xe nguyên mẫu, vừa tiết kiệm nhiên liệu, tăng cường khả năng di chuyển an toàn trong môi trường đô thị.
Thợ kỹ thuật quanh năm lấm lem dầu mỡ song ai cũng yêu và tận tụy với nghề. Do không được đào tạo bài bản về sửa chữa xe thiết giáp, anh em trong Tổ ô tô phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, người đi trước chỉ người đi sau để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nguồn tài liệu, hướng dẫn sửa chữa, bảo dưỡng các dòng xe đặc chủng này cũng rất khan hiếm.
Nhân viên Trạm sửa chữa tổng hợp kiểm tra, sửa chữa xe thiết giáp BRT-152. |
Trước đây, xe thiết giáp chủ yếu trang bị động cơ xăng nên qua nhiều năm sử dụng, hệ thống đánh lửa cao áp, cung cấp nhiên liệu bị xuống cấp, rất hay hỏng hóc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ đội. Trên cơ sở máy móc, vật tư của trên, Tổ ô tô đã tự nghiên cứu, gia công, thay mới thành công động cơ diesel thay cho động cơ xăng, được hội đồng chuyên môn nghiệm thu và đánh giá cao.
Việc động cơ diesel hóa cũng giúp phục hồi được nhiều đầu xe quân sự, tiết kiệm nhiều nhiên liệu và rất thuận lợi trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Để tăng tính cơ động, trên mỗi xe, ngoài hệ thống bơm cơ, các anh đều lắp thêm một bộ bơm điện để kíp xe có thể sử dụng đồng thời.
Hiện nay, do nhiều linh kiện, vật tư theo xe không có đồ thay thế nên quá trình sửa chữa, thợ kỹ thuật phải tự mày mò, cải tiến hoặc độ chế từ các phương tiện khác sang cho phù hợp. Đi nhiều, sửa nhiều nên chỉ cần nghe tiếng động cơ, các anh cũng có thể bắt bệnh tương đối chính xác cho xe. Với những lỗi nhỏ, hỏng hóc vặt, các anh sẽ hướng dẫn anh em kíp xe tự sửa chữa, khắc phục, qua đó nâng cao trình độ tay nghề.
Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, Đại đội phó kỹ thuật Đại đội Thiết giáp 74, người trực tiếp gắn bó, vận hành, chỉ huy những chiếc xe thiết giáp chia sẻ, xe thiết giáp có sức chở quân lớn, khả năng cơ động linh hoạt, trang bị hỏa lực mạnh, có thể chống được các loại đạn bộ binh nên phát huy ưu thế, hiệu quả rất tốt trong quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, làm nhiệm vụ A2, phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn.
Mỗi năm, các xe được luân phiên cơ động hàng nghìn cây số trên các loại địa hình khác nhau để huấn luyện, rèn luyện tay nghề đội ngũ lái xe và cả kíp xe, đồng thời kiểm tra, đánh giá chính xác tình trạng kỹ thuật của từng phương tiện. Cuối năm 2018, Đại đội 74 đã tổ chức lực lượng, phương tiện cơ động hơn 200 km tham gia huấn luyện dã ngoại, bắn đạn thật tại thao trường Krông Na, tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu ẩn hiện, mục tiêu cố định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với phương châm “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của bộ đội trong việc giữ gìn, bảo quản, khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện vật tư, duy trì nghiêm túc chế độ lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng, kịp thời phát hiện những trục trặc, hỏng hóc, đề xuất cấp trên kiểm tra, sửa chữa.
An Khang
Ý kiến bạn đọc