Multimedia Đọc Báo in

Những dấu ấn của tình hữu nghị

09:19, 08/11/2019

Tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) và tỉnh Mundulkiri (Campuchia) có chung đường biên giới dài 73 km. Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp chặt chẽ với Tiểu khu Quân sự Mundulkiri thực hiện có hiệu quả các chương trình hội đàm, giao lưu, trao đổi, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết giữa lực lượng vũ trang hai tỉnh.

Trước đây, Tiểu khu Quân sự tỉnh Mundulkiri gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất doanh trại bởi hệ thống nhà làm việc, sinh hoạt đã cũ kỹ, xuống cấp. Từ năm 2011 Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk tham mưu với UBND tỉnh Đắk Lắk bằng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí giúp đỡ Tiểu khu Quân sự Mundulkiri hơn 10 tỷ đồng, trao tặng nhiều trang thiết bị, xây dựng được 5 công trình như: nhà khách, nhà làm việc, tường rào, cổng, vọng gác. Đồng thời cũng cử hàng chục lượt cán bộ, chiế

n sĩ Đội K51 giúp đỡ bạn cải tạo cảnh quan, khuôn viên doanh trại, trồng, chăm sóc hàng trăm cây xanh. Trung tướng San Kim Uoen, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Mundulkiri cảm kích chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ kinh phí giúp xây dựng doanh trại khang trang, chính quy, có đầy đủ hệ thống khuôn viên, khu vực sinh hoạt, học tập và cảnh quan môi trường. Chúng tôi luôn trân trọng và mãi lưu giữ thật tốt những công trình mang đậm dấu ấn tình hữu nghị này”.

Lực lượng vũ trang hai tỉnh Đắk Lắk và Mundulkiri ký kết công tác phối hợp quân sự song phương.
Lực lượng vũ trang hai tỉnh Đắk Lắk và Mundulkiri ký kết công tác phối hợp quân sự song phương.

Bên cạnh đó, lực lượng quân sự, chính quyền các cấp hai tỉnh cũng đã phát huy tốt mối quan hệ hợp tác truyền thống trên tất cả các lĩnh vực theo đúng đường lối, chủ trương của hai nước. Hai bên đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong công tác phối hợp quân sự song phương; ký kết bản ghi nhớ về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; tổ chức các hoạt động thăm tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân.

Đặc biệt, hai bên đã tăng cường công tác nắm chắc tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tuyến biên giới; thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo tình hình, tổ chức tuần tra chung, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới; tiếp tục khảo sát, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý tiến hành phân giới cắm mốc, bảo vệ các cột mốc đã xây dựng; giúp đỡ nhau trong việc cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng, thiên tai lũ lụt, các dịch bệnh lây lan.

Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk khánh thành, bàn giao công trình hữu nghị cho Tiểu khu Quân sự Mundulkiri.
Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk khánh thành, bàn giao công trình hữu nghị cho Tiểu khu Quân sự Mundulkiri.

Sẻ chia với những khó khăn của nhân dân tỉnh Mundulkiri, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều đợt đến các vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn thuộc các huyện Betchanđa, Keosama, Cônhec, Ôrăng khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hơn 2.628 lượt người; tặng 500 suất quà, với tổng số tiền hơn 825 triệu đồng; hỗ trợ trên 150 triệu đồng cho người dân nghèo sửa chữa nhà cửa, giúp đỡ hàng nghìn ngày công lao động sản xuất, thu hoạch mùa màng.

Tiểu khu Quân sự tỉnh Mundulkiri đã quan tâm, tạo điều kiện về nơi ăn ở, địa bàn hoạt động và cử lực lượng bảo vệ Đội K51 thực hiện tốt nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước Campuchia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thông tin về mộ liệt sỹ Việt Nam.

Những hoạt động ý nghĩa trên đã góp phần thắt chặt hơn tình cảm đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Mundulkiri, hai nước Việt Nam - Campuchia.

Phan Diệm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.