Multimedia Đọc Báo in

Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động: Bảo đảm tốt nhất cho công tác huấn luyện năm 2020

08:41, 26/02/2020

Năm nay, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) được giao huấn luyện 190 chiến sĩ mới, trong đó có 120 chiến sĩ đến từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa. Với phương châm “Chuẩn bị tốt để huấn luyện giỏi”, Tiểu đoàn đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm huấn luyện đạt kết quả tốt nhất.

Những ngày cuối tháng 2, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động tất bật các công việc xây dựng đơn vị, tập điều lệnh đội ngũ để chuẩn bị ra quân huấn luyện năm 2020. Thiếu tá Trần Lợi, Tiểu đoàn trưởng cho biết, ngay từ đầu năm, Đảng ủy Tiểu đoàn đã ra Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về công tác huấn luyện, quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã quán triệt, triển khai nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ khung nắm chắc và hoàn thành bài giảng về chính trị, quân sự, điều lệnh đội ngũ, võ thuật, nghiệp vụ biên phòng; đồng thời làm mới mô hình học cụ, củng cố cơ sở vật chất doanh trại, thao thường, bãi tập, xây dựng giáo án, bài giảng…

Cán bộ huấn luyện hướng dẫn chiến sĩ mới gấp “chăn vuông chiếu thẳng”.
Cán bộ huấn luyện hướng dẫn chiến sĩ mới gấp “chăn vuông chiếu thẳng”.

Sau khi tiếp nhận chiến sĩ mới, trước khi chính thức triển khai những nội dung huấn luyện, đơn vị đã duy trì cho các tân binh làm quen các chế độ giờ giấc quy định trong quân đội, hướng dẫn nội vụ vệ sinh, lễ tiết, tác phong xưng hô, chào hỏi, tổ chức các hoạt động xây dựng cảnh quan đơn vị “sáng, xanh, sạch, đẹp”, tăng gia sản xuất, giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, ấm áp. Hệ thống loa đài, ti vi đều được kiểm tra để duy trì chế độ phát thanh nội bộ thường xuyên, đồng thời bảo đảm đầy đủ các loại báo, tạp chí nhằm phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, thấu hiểu tâm lý chiến sĩ mới nhập ngũ sẽ rụt rè, bỡ ngỡ và nhớ gia đình nên Ban Chỉ huy Tiểu đoàn luôn nhắc nhở các cán bộ trung đội, tiểu đội phải thường xuyên gần gũi, nắm bắt tình hình tư tưởng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để kịp thời động viên chiến sĩ mới an tâm tư tưởng, hoàn thành nhiệm vụ.

Chiến sĩ Lang Văn Lợi đến từ xã Ia J'lơi (huyện Ea Súp) tâm sự: “Khi nhập ngũ, em cảm thấy lo lắng, không biết môi trường trong quân ngũ như thế nào. Nhưng đặt chân đến đơn vị, nhận được  sự quan tâm, chỉ bảo, giúp đỡ của cán bộ trong đơn vị như những người anh trong gia đình, em thực sự yên tâm và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ khóa huấn luyện chiến sĩ mới”.

Nhằm bảo đảm công tác hậu cần cho bộ đội, Tiểu đoàn đã xuống giống 2.000 m2 các loại rau, củ, quả; gây đàn chăn nuôi heo, bò, hàng trăm con gia cầm. Đơn vị đã được đầu tư hệ thống nước giếng khoan và 5 bể chứa nước mưa dung tích 500 m3 cung cấp nước sạch sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Hiện nay, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã tăng mức ăn thêm 2.700 đồng/người/ngày trích từ nguồn tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

Tổ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh phun thuốc khử trùng tiêu độc tại các phòng nghỉ của chiến sĩ mới.
Tổ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh phun thuốc khử trùng tiêu độc tại các phòng nghỉ của chiến sĩ mới.

Đối với công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp do Covid-19, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã phối hợp với Tổ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn cho các chiến sĩ mới cách phòng chống dịch; kiểm tra đo thân nhiệt từng người trước khi biên chế về các trung đội, tiểu đội; tổ chức khám, phúc tra sức khỏe cho các tân binh; phun thuốc khử trùng tiêu độc 3 ngày/lần, vệ sinh doanh trại. Đơn vị cũng đã cách ly kịp thời 4 trường hợp có dấu hiệu ho, sổ mũi, đến nay các chiến sĩ đều đã khỏi bệnh. Đặc biệt, 120 chiến sĩ mới đến từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, đơn vị đã chủ động bố trí tổ chức ăn, ở tại khu tập trung cách ly riêng; hằng ngày đo thân nhiệt 2 lần cho toàn bộ chiến sĩ mới, đến nay chưa phát hiện ca nhiễm bệnh.

Nguyễn Dân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.