Multimedia Đọc Báo in

Dã quỳ nơi miền gió cát

09:27, 24/01/2021

Chúng tôi đến với những người lính Đoàn M46 Hải quân những ngày cuối đông. Đường vào bán đảo Cam Ranh hừng lên với cái ấm nắng hanh. Hoa cỏ, những chồi non đang vươn lên bật dậy hớn hở chào đón một mùa xuân tươi mới…

Phút nghỉ ngơi của những người lính thủy sau những giờ phút luyện tập, sau những ngày gồng mình cùng với người dân miền Trung chống chọi bão lũ hiểm nguy. Những gương mặt người lính sạm màu nắng gió có chút thấm mệt nhưng dường như với các anh mọi vất vả gian lao chỉ là phút chốc, tan biến tự lúc nào. Họ ôm đàn say sưa hát, đọc thơ và ngân câu vọng cổ, câu dân ca cất lên giữa đất trời mênh mang. Mọi người giục tôi đọc thơ về biển và tình yêu, chuyền tay những cuốn sổ nhờ tác giả ghi đôi dòng lưu niệm. Vốn là lính, tôi rất hiểu tâm trạng của họ. Giản dị thôi, mấy câu thơ, vài lời nhắn gửi... ghi vội cảm xúc sẻ chia với những chàng lính biển, tôi bỗng thấy mình trẻ lại, trong trẻo, vô tư như thời áo lính thuở đôi mươi.

Khoảnh khắc mùa Xuân. (Ảnh: Internet)
Khoảnh khắc mùa Xuân. (Ảnh: Internet)

Có một chàng trai dáng tầm thước lặng lẽ trao cho tôi cuốn sổ tay bọc gói cẩn thận. Lật từng trang, dòng chữ nắn nót thật hiền. Một cánh dã quỳ rực rỡ tinh khôi được ép trân trọng trên tờ giấy trắng. Cánh hoa từ miền nắng gió thanh tao hiền từ mà ấm áp. Kỷ vật của ai đó đã ấp ủ và gửi gắm chàng trai trước lúc lên đường…

Choàng vai Y Duê (tên chàng lính ấy), tôi tò mò hỏi chuyện: “Mình muốn biết về Tây Nguyên và buôn làng trên đó, rất muốn nghe chuyện về người gửi tặng bông hoa ấy?”. Y Duê gật đầu với nụ cười hiền lặng lẽ trong niềm suy tưởng: “Quê em ở Krông Năng, Đắk Lắk - đó là một buôn làng trồng cà phê và là xứ sở của dã quỳ. Em và Ngàn Mây chơi thân với nhau từ bé, cùng lớn lên hồn nhiên bên nhau. Em học trên Mây một lớp.

Gia đình Mây từ miền Trung vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới đã gần 30 năm. Hai nhà chỉ cách nhau một bờ giậu dã quỳ. Thương lắm Mây, cô gái tóc tết đuôi sam thuở nhỏ hay nũng nịu, khóc nhè, cứ thích sang nhà bạn thổi lửa nướng bắp, nướng khoai, rồi chạy lên xuống cầu thang nhà sàn, có hôm trượt chân té ngã ngồi khóc...”. Y Duê vừa kể vừa cười. Chàng trai chắc khỏe có mái tóc hơi vàng uốn lượn, mắt đen, da ngăm, răng khểnh, thật duyên. Kỷ niệm nhớ và thương nhất của Y Duê và cô bạn ấy là ngày học gần hết cấp ba. Một buổi chiều, nghe tiếng kêu thét khác thường từ rẫy phía nhà Mây, linh tính như có điều chẳng lành, không kịp suy nghĩ gì, Y Duê đạp rào chạy bổ về nơi có tiếng thét. Thấy Y Duê, Mây hốt hoảng nhào đến ôm chặt cứng, tay chỉ lóng ngóng về phía trước. Y Duê thấy có một cặp rắn hổ đang vờn nhau tình tự, hai cái đầu ngóc cao, quấn quít nơi đám cây củi trên nương, chặn trước lối mòn.

Ý thức được sự nguy hiểm của cặp rắn đang ở rất gần, Y Duê lúng túng gỡ mình ra khỏi vòng tay ôm níu của Mây mà không được, càng gỡ càng vướng. Cái đụng chạm lần đầu của chàng trai với cơ thể người con gái mới lớn làm cho đầu óc chàng trai như mê. Có tiếng đằng hắng khẽ từ xa, Mây bừng tỉnh, em thẹn thùng từ từ gỡ ra khỏi vòng tay chắc nịch của Y Duê. Bố từ trong rẫy đi ra nhìn hai đứa, không nói năng chi mà chỉ tủm tỉm cười. Ngoảnh lại, cặp rắn đã bỏ đi từ lúc nào không biết...

Chuyện tình của họ đã đi qua hai mùa rẫy, niềm khát khao và sự thủy chung là sợi dây vô hình neo giữ giữa hai đầu nỗi nhớ. Hình ảnh chàng trai Y Duê của núi rừng Tây Nguyên mạnh mẽ, làm người lính biển như cây phong ba, loài muống biển hồn nhiên và cánh hải âu không mỏi giữa trùng khơi.

Đêm bán đảo, hơi thở biển như đằm sâu dội về. Đến với những người lính, nghe câu ca từ ba miền Tổ quốc, cảm xúc trong tôi xốn xang, tươi tắn như mùa xuân mới. Ước mơ, hò hẹn, nghị lực và hoài bão vươn tới phía trời xa... Ngày mai, nơi Trường Sa có thêm cánh dã quỳ ấm áp từ Tây Nguyên...

  Bán đảo Cam Ranh cuối Đông 2020

  Duy Hoàn
 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.