Multimedia Đọc Báo in

Vững vàng bảo vệ biên cương

10:15, 03/02/2021

Mặc dù thực hiện nhiệm vụ ở nơi biên giới xa xôi, điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, song những người lính biên phòng vẫn kiên cường bám trụ, nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vừa chung tay phòng, chống dịch Covid-19 xâm nhập qua biên giới.

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đang quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 73 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Năm 2020, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” lực lượng BĐBP tỉnh đã thành lập nhiều chốt chặn, tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, từ đó trở thành những “tấm lá chắn” vững chắc nơi tuyến đầu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tuần tra bảo vệ biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tuần tra bảo vệ biên giới.

Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều ứng trực với tinh thần cao nhất để tập trung thực hiện nhiệm vụ. Để bám chốt 24/24 giờ, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh đã tổ chức tăng gia sản xuất đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ. Trong năm 2020, trên tuyến biên giới của tỉnh luôn duy trì quân số thường trực tại 8 tổ/40 cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra kiểm soát chặt biên giới.

Năm 2020, BĐBP Đắk Lắk là đơn vị duy nhất trong Cụm thi đua số 4 - BĐBP (gồm các tỉnh có biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia) được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua Quyết thắng. Đây là năm thứ hai liên tiếp BĐBP tỉnh được nhận vinh dự này.

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm khu vực biên giới diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhu cầu hồi hương đón Tết của người dân tăng cao, tình trạng vượt biên và qua lại biên giới gia tăng; tội phạm như trộm cắp, cờ bạc, tín dụng đen hoạt động ráo riết hơn... Để bảo đảm trật tự khu vực biên giới trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng như phòng, chống dịch Covid-19, BĐBP tỉnh đã thành lập 6 chốt cố định, 2 chốt cơ động và 18 tổ tuần tra lưu động, kiểm soát chặt toàn tuyến biên giới; đẩy mạnh kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực biên giới. Đại tá Phạm Hữu Chiến chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, chúng tôi tổ chức cho các đơn vị trên biên giới ăn Tết sớm để đến đúng dịp Tết tổ chức các tổ, đội làm nhiệm vụ trên biên giới và xuống địa bàn bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân. Bên cạnh đó, cũng đã chỉ đạo các đơn vị quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân nơi đơn vị đóng quân như: phối hợp với địa phương rà soát các gia đình chính sách, hộ khó khăn để hỗ trợ, không để bất cứ hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết; tổ chức chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” trên địa bàn 4 xã biên giới, gói bánh chưng, trao tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; phân công cán bộ, chiến sĩ xuống ăn Tết cùng với nhân dân”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà Tết động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yók M'Bre.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà Tết động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yók M'Bre.

Ngoài công tác bảo vệ biên cương và phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, những người lính mang quân hàm xanh còn giúp người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 2020, các đơn vị đã huy động trên 2.000 ngày công lao động giúp dân; vận động xây dựng 6 căn nhà “Mái ấm biên cương”; tặng 20 con bò giống; tặng quà và tiền mặt cho các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 300 triệu đồng; khám - chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 2.000 lượt người, với hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BĐBP tỉnh đã hỗ trợ gạo và thực phẩm cho 400 gia đình khó khăn trên địa bàn biên giới, trị giá 120 triệu đồng…

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.