Multimedia Đọc Báo in

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1-1-2011

17:25, 02/01/2011

Ngày 1-1-2011 không chỉ là thời điểm đầu năm mới mà còn là thời điểm có hiệu lực của nhiều chính sách quan trọng như: Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp; doanh nghiệp tự in hóa đơn; hỗ trợ học sinh bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
 

 

7 năm qua đã miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hơn 11 triệu hộ gia đình. Ảnh minh họa: Nguyễn Xuân

 

Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm

Với 10 triệu hội viên Hội Nông dân và khoảng 70% dân số Việt Nam ở nông thôn thì Nghị quyết 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1-1-2011 đến hết ngày 31-12-2020 thực sự có ý nghĩa lớn lao. Theo Nghị quyết này, đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm: Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm, diện tích đất làm muối (trong và ngoài hạn điền); diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo; diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp, kể cả đất được thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng; hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định; hộ gia đình, cá nhân là lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định để sản xuất nông nghiệp và hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Giảm 50% thuế với diện tích vượt hạn mức giao nhưng không quá hạn mức nhận chuyển nhượng; giảm 50% số thuế với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Giảm 50% thuế với đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho lực lượng vũ trang quản lý, sử dụng. Trường hợp được giao mà không sản xuất nông nghiệp, cho thuê lại thì tiến hành thu hồi lại đất theo Luật Đất đai, trong khi chưa thu hồi lại thì thu thuế 100%.

Hiện nay, nước ta có khoảng 4,1 triệu ha đất lúa. Việc miễn giảm thuế trong 10 năm sẽ động viên nông dân yên tâm sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Được biết, tính riêng 7 năm qua, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, mỗi năm đã miễn, giảm cho 11.249.076 hộ gia đình với diện tích khoảng 5.462.278 ha. Tổng số thuế miễn, giảm 1.851.577 tấn quy thóc, thành tiền là 2.837 tỷ đồng.

 Bầu cử đại biểu Quốc hội và  Hội đồng nhân dân một ngày

Từ 1-1-2011, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) chính thức có hiệu lực. Điểm đáng chú ý của Luật là sẽ tổ chức bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong cùng một ngày. Với các sửa đổi được bổ sung lần này như quy định về khu vực bỏ phiếu và số lượng cử tri mỗi khu vực; về các tổ chức phụ trách bầu cử; về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; thời gian bầu cử; trường hợp hoãn hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của nhân dân, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
 

Tăng lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp

Theo Nghị định 107/2010/NĐ-CP, 108/2010/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2010, đối với một số vùng, lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài được điều chỉnh tăng thêm 100.000-370.000 đồng một tháng.

Mức lương tối thiểu cho lao động làm việc ở các đơn vị trên được chia theo 4 vùng. Cụ thể như sau: Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp trong nước lần lượt sẽ là: vùng I- 1.350.000 đồng/tháng; vùng II- 1.200.000 đồng/tháng; vùng III- 1.050.000 đồng/tháng; vùng IV-  830.000 đồng/tháng. Còn đối với lao động tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là: vùng I- 1.550.000 đồng/tháng; vùng II- 1.350.000 đồng/tháng; vùng III- 1.170.000 đồng/tháng; vùng IV- 1.100.000 đồng/tháng.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước theo từng vùng (từ I đến IV) là 980.000; 880.000; 810.000; 730.000 đồng/tháng và đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.340.000; 1.190.000; 1.040.000; 1.000.000 đồng/tháng.
 

Hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung cho học sinh bán trú

Theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg, năm 2011, học sinh bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường tiểu học, trường trung học cơ sở công lập khác ở vùng này được hỗ trợ về tiền ăn, nhà ở; trường phổ thông dân tộc nội trú được hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Cụ thể, học sinh bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Ngoài ra, học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường. Đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành. Hằng năm, nhà trường được mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, ti vi, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao cho học sinh bán trú với mức 100.000đồng/học sinh bán trú/năm học. Bên cạnh đó, hằng năm, nhà trường lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, có các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học.

Việc hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú là hết sức cần thiết, giúp con em đồng bào các dân tộc ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ổn định đời sống vật chất và tinh thần để học tập, duy trì giữ vững nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở vùng dân tộc, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này.

Được biết, năm học 2009 - 2009 có 144.124 học sinh bán trú tại 1657 trường của 24 tỉnh trên cả nước. Trong đó, số học sinh dân tộc thiểu số ở bán trú chiếm tới 96,12%. Ở nhiều địa phương, mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú đã phủ khắp các huyện trong tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang...). Tại tỉnh Hà Giang, 100% các xã, huyện vùng cao đều có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. 

Doanh nghiệp tự in hóa đơn

Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-5-2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, doanh nghiệp phải tự in hóa đơn, không còn mua hóa đơn từ cơ quan thuế như trước đây. Sự kiện này được đánh giá là sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ trên toàn quốc khi trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn, chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành, giải quyết tình trạng doanh nghiệp phải xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2010, ngoài 10.000 doanh nghiệp đang thực hiện tự in hóa đơn; vẫn còn các tổ chức, cá nhân khác đang thực hiện hoặc mua hóa đơn do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành. Để tránh lãng phí cho các tổ chức, cá nhân đã mua hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành hoặc các doanh nghiệp đã tự in hóa đơn nhưng đến ngày 31-12-2010 vẫn chưa sử dụng hết, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo tiếp tục sử dụng đến hết quý I năm 2011 và phải thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Phó Thủ tướng cũng đã đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp siêu nhỏ, không có đủ điều kiện để tự in hóa đơn và cũng không có điều kiện đặt in thì được cơ quan thuế bán hóa đơn để sử dụng.

Thuế nhập khẩu mới với ôtô đã qua sử dụng

Thông tư 184/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, từ ngày 1-1-2011, xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) thuộc nhóm  8702 và 8703 áp dụng mức thuế nhập khẩu tuyệt đối quy định tại Quyết định số 69/2006/QĐ-TTg ngày 28-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) thuộc nhóm 8702 và xe vận tải hàng hóa có tổng trọng lượng có tải không quá 5 tấn thuộc nhóm 8704 (trừ xe đông lạnh, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe xi téc, xe thiết kế để chở bê tông tươi hoặc xi măng dạng rời và xe thiết kế để chở bùn) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 150%;...

Theo biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư 184/2010/TT-BTC, xe ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người, (trừ xe ô tô chở 10 người trở lên, kể cả người lái thuộc nhóm 8702), phần lớn được áp dụng thuế nhập khẩu 82%. Một số loại như: xe ô tô dung tích xi lanh trên 3.000 cc thì áp dụng mức thuế suất 72% (đối với xe 4 bánh chủ động (xe 2 cầu); xe ô tô dung tích xi lanh từ 1.800 cc trở lên nhưng dưới 2.500 cc có thuế suất nhập khẩu 82%...

Hướng tới nộp thuế qua Internet, Mobile, ATM

Theo Thông tư 180/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, từ ngày 1-1-2011, người nộp thuế sẽ có thể lựa chọn các hình thức nộp thuế điện tử như: Giao dịch trực tiếp với ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản thông qua các kênh giao dịch điện tử (Internet, Mobile, ATM) của ngân hàng để thực hiện thủ tục nộp thuế, hoặc thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Thủ tục đăng ký thuế điện tử là người nộp thuế thực hiện lập Tờ khai đăng ký thuế điện tử trực tuyến trên cổng TTĐT của cơ quan thuế hoặc lập bằng các phần mềm, công cụ đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế. Sau đó, gửi hồ sơ đăng ký thuế điện tử đến cơ quan thuế thông qua cổng TTĐT của cơ quan thuế. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký thuế điện tử của người nộp thuế, cơ quan thuế gửi Thông báo xác nhận nộp hồ sơ đăng ký thuế điện tử cho người nộp thuế.

Sử dụng giấy phép lái xe mới

Theo Thông tư số 35/2010/TT-BGTVT, kể từ ngày 1-1-2011, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được áp dụng theo mẫu mới. Giấy phép mới hiển thị hai ngôn ngữ Việt, Anh bao gồm các thông tin ảnh chân dung, tên người được cấp bằng, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, trong đó ảnh của người lái xe được in trực tiếp trên giấy phép lái xe.

Giấy phép lái xe mới sẽ có lớp màng phủ bảo an, phôi được làm bằng vật liệu Pet hoặc vật liệu có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương, có hoa văn màu vàng rơm và có ký hiệu bảo mật để hạn chế làm giả. Giấy phép lái xe đã cấp được tiếp tục sử dụng theo quy định, đổi giấy phép lái xe mới cho các cá nhân có nhu cầu.

N.X (nguồn Chinhphu.vn)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.