Multimedia Đọc Báo in

Giáo viên dạy tiếng DTTS được hưởng phụ cấp trách nhiệm

15:41, 10/02/2011

Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) không phân biệt biên chế hay hợp đồng, kiêm nhiệm có số tiết dạy từ 4 tiết/tuần trở lên, ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Chế độ phụ cấp này không áp dụng đối với những giáo viên đã được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Quy định này được đưa ra tại dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX).

 

Ảnh minh họa: K.O

Cũng theo dự thảo thông tư này, giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn tiếng dân tộc thiểu số được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số dạy vượt số giờ theo quy định thì số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định không quá 200 giờ tiêu chuẩn/năm. Tiền lương dạy thêm giờ sẽ bằng số giờ dạy thêm nhân với tiền lương dạy thêm 1 giờ. Tiền lương dạy thêm 1 giờ sẽ bằng tiền lương 1 giờ dạy nhân với 150%. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở GDTX, tiền lương 1 giờ dạy bằng tổng tiền lương của 12 tháng trong năm tài chính trên số giờ tiêu chuẩn trong tuần x 52 (tuần)/năm.

Giáo viên dạy tiếng DTTS phải đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng theo quy định, đồng thời có trình độ nghiệp vụ dạy tiếng DTTS được quy định tại các chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS tại các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm, đại học có khoa sư phạm. Giáo viên tham gia giảng dạy tiếng DTTS ở các cơ sở giáo dục phổ thông và TTGDTX chưa được đào tạo chính quy về dạy tiếng DTTS được bồi dưỡng ngắn hạn để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Đối với học sinh phổ thông người DTTS học tiếng DTTS tại các cơ sở giáo dục phổ thông, TTGDTX được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, vở viết phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số, định mức cụ thể do UBND tỉnh quy định. Trường hợp người học là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, giáo viên được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định. Người học hoàn thành chương trình tiếng DTTS được kiểm tra, đánh giá, xếp loại và được cấp chứng chỉ.

Các cơ sở giáo dục phổ thông, TTGDTX được giao nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số, ngoài số biên chế giáo viên theo quy định được giao thêm biên chế dạy tiếng dân tộc thiểu số theo định mức lao động của cấp học, ngành học trong các cơ sở giáo dục phổ thông và TTGDTX. Mỗi lớp học tiếng DTTS có số học sinh/lớp theo quy định được thêm 1 biên chế giáo viên.

Thông tư này cũng hướng dẫn các vấn đề liên quan đến điều kiện tổ chức dạy học; quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học; nội dung, phương pháp dạy học; hình thức tổ chức dạy học; cấp chứng chỉ và đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Theo đó, bộ chữ tiếng DTTS được dạy và học trong nhà trường phải đảm bảo các điều kiện: là bộ chữ cổ truyền đã xuất hiện lâu đời, được cộng đồng DTTS thừa nhận, được cơ quan chuyên môn xác nhận; các bộ chữ tiếng DTTS đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn; đối với các tiếng DTTS có nhiều bộ chữ thì việc lựa chọn bộ chữ để dạy và học trong nhà trường phải căn cứ vào tính phổ biến của bộ chữ đã và đang được sử dụng trong sáng tác văn học, ghi chép văn học dân gian ở địa phương... Đồng thời, các lớp dạy tiếng DTTS được trang bị cơ sở vật chất như các lớp học thông thường khác ở cấp học tương ứng. Thiết bị dạy học tiếng dân tộc bao gồm các thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục được Bộ GD&ĐT quy định theo các chương trình dạy tiếng DTTS cụ thể. Khuyến khích giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số tự làm đồ dùng dạy học bằng vật liệu có sẵn để nâng cao chất lượng dạy học.

D.H (nguồn GD&TĐ)

 


Ý kiến bạn đọc