Multimedia Đọc Báo in

Tăng thời hạn giấy phép lái xe thêm từ 2 – 5 năm

14:51, 26/04/2011

Giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4, B1, B2 sẽ được kéo dài thời hạn sử dụng tới 10 năm, thay vì 5 năm như trước đây. Đây là quy định mới tại Thông tư 15/2011/TT-BGTVT (Thông tư 15) vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2009/TT-BGTVT; có hiệu lực từ ngày 15-5-2011. Tương tự, GPLX các hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE cũng được tăng thời hạn sử dụng tới 5 năm, thay vì 3 năm như trước đây.  

Ảnh minh họa

Về hồ sơ học lái xe, người học làm đơn, kèm theo bản sao CMND và giấy chứng nhận sức khỏe gửi trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Đặc biệt, bản khai thời gian và số km lái xe an toàn trong hồ sơ của người học lái xe nâng hạng không cần thêm xác nhận của cơ quan hay chính quyền địa phương như trước đây. Nếu GPLX hết thời hạn sử dụng, người đổi chỉ cần nộp hồ sơ gồm đơn đề nghị đổi, bản sao GPLX hết hạn… mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ gốc như trước đây.

Thông tư 15 cũng nới rộng thời gian cho người có giấy phép lái xe hết hạn sử dụng được đổi giấy phép mới. Theo đó, người có GPLX quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm sẽ phải sát hạch lại lý thuyết (trước đây thời gian quy định này chỉ từ 1- 6 tháng). Nếu giấy phép quá hạn từ 1 năm trở lên phải dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để xin cấp lại GPLX mới.

Thời gian xét cấp lại GPLX

Trường hợp người có GPLX bị mất, còn hồ sơ gốc và không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, nếu còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng thì sau 1 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép. Cũng với trường hợp trên, song nếu quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm thì sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định sẽ được dự sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép. Trường hợp quá thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên, còn hồ sơ gốc hoặc không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép.

- GPLX hạng A1 được cấp cho: Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ  50 cm3 đến dưới 175 cm3; người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
- GPLX hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
- GPLX hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, bao gồm cả xe lam ba bánh, xích lô máy và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
- GPLX hạng A4 cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo có trọng tải đến 1000 kg.
- GPLX hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe: Ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg.
- GPLX hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe: Ôtô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
- GPLX hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe: Ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng, ôtô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2...
(Thông tư 7/2009/TT-BGTVT ngày 19-6-2009).

N.X (nguồn chinhphu.vn)

 


Ý kiến bạn đọc