Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Một số góp ý liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II, từ Điều 15 đến Điều 52) đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời đã bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình phát triển, đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và cũng thể hiện bản chất của chế độ và nhà nước ta. Đó là quyền sống (Điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 23), quyền sở hữu tư nhân (Điều 33)... Qua nghiên cứu cụ thể các quy định tại Chương II về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tôi xin góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (xin gọi tắt là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp), cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tại khoản 2 Điều 15 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng thì quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn, đề nghị nên quy định Nhà nước chỉ giới hạn quyền công dân không nên giới hạn quyền con người, vì quyền con người là khái niệm rất rộng, khó có thể bao quát bằng quy định hoặc một chế định cụ thể. Mặt khác, cần bổ sung quy định về cơ quan hoặc ai là người có thẩm quyền ra quyết định giới hạn quyền công dân trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng (ví dụ có thể trao quyền này cho Chủ tịch nước) bảo đảm cho việc thực hiện, cũng như ngăn chặn tình trạng lạm quyền, tùy tiện trong việc giới hạn quyền công dân.
Thứ hai, Khoản 1 Điều 27 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”, tuy nhiên Khoản 2 Điều 27 lại quy định “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội’’. Theo tôi, quy định khoản 2 Điều 27 là chưa phù hợp vì, tại Khoản 1 Điều 27 đã quy định công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt... như vậy, đã khẳng định rằng nam nữ bình quyền, không phân biệt đối xử, mọi hành vi vi phạm bình đẳng sẽ bị nghiêm trị. Tuy nhiên, tại khoản 2 lại quy định: “...Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” chính điều này đã phát sinh mất bình đẳng vì Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện nhưng tại sao lại không tạo điều kiện cho nam giới, do đó, đề nghị bỏ quy định này sẽ hợp lý hơn.
Thứ ba, khoản 4 Điều 32 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “...4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”, đề nghị bổ sung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, như vậy sẽ rõ hơn, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của Nhà nước khi người thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra thiệt hại. Theo đó, đề nghị bổ sung như sau: 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo pháp luật”.
Thứ tư, Điều 45 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”, đề nghị bổ sung quyền xác định lại giới tính vào Điều 45 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, vì hiện nay thực tế không riêng gì ở Việt Nam mà các nước trên thế giới có nhiều người phải nhờ can thiệp của y học về giới tính của mình như nam thành nữ và ngược lại. Nhu cầu xác định lại giới tính là hiện hữu, có thật và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của con người đang có nhu cầu muốn xác định giới. Chính vì vậy, bổ sung quyền xác định giới tính tại Điều 45 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của công dân.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc