Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Tôn trọng quyền con người và đề cao nghĩa vụ công dân
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã dành Chương II, với 38 điều (từ Điều 15 đến Điều 52) để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua nghiên cứu nội dung những điều mới và điều sửa đổi, bổ sung cho thấy: quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, về nội dung và cơ cấu nên sửa như sau:
Về nội dung các điều, khoản: Khoản 2 Điều 15 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Ở đây, trường hợp “cần thiết” được hiểu như thế nào? Quy định như vậy còn chung chung, không cụ thể rõ ràng và quyền con người có thể bị hạn chế một cách tùy tiện. Bởi vậy việc hạn chế quyền con người trên các lĩnh vực đời sống xã hội cần phải được quy định cụ thể thành luật, trên cơ sở đó đề nghị thay các từ cần thiết bằng các từ “do luật định”. Và Khoản 2 Điều 15 nên sửa như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp do luật định”. Khoản 1 Điều 16 đề nghị sửa là: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền hợp pháp của người khác. Thêm 2 từ “hợp pháp”, vì nếu tôn trọng quyền của người khác, thì quyền đó phải được pháp luật thừa nhận. Khoản 2 Điều 16 quy định: “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Ở đây chỉ mới nói về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích hợp pháp của công dân, mà lợi ích thì mang tính vật chất và chưa nói về danh dự quốc gia, danh dự dân tộc và danh dự của công dân. Vì vậy, đề nghị sửa lại như sau: “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích, danh dự quốc gia; lợi ích, danh dự dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp và danh dự của người khác”. Khoản 2, Điều 18 nên sửa là: “Công dân Việt Nam không bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác, trừ trường hợp luật định”. Vì nếu xảy ra trường hợp người nào đó có 2 quốc tịch mà phạm tội ở nước ngoài, bỏ trốn về Việt Nam; sau đó nước mà người đó có quốc tịch đề nghị giao nộp công dân Việt Nam cho họ, nếu không giao nộp thì không đúng với thông lệ quốc tế. Hoặc trường hợp công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, Việt Nam có ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước đó và nước đó yêu cầu Việt Nam trục xuất dẫn độ người phạm tội là công dân Việt Nam sang cho họ thì Việt Nam cần phải phối hợp.
Điều 21 có nội dung “Mọi người có quyền sống”, nên sửa thành: “Mọi người có quyền sống, trừ trường hợp luật định”. Vì, nếu người nào đó phạm tội, bị Tòa án tuyên hình phạt Tử hình, thì đương nhiên quyền sống của họ bị tước bỏ. Khoản 3 Điều 22 đề nghị sửa là: Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác của mình theo quy định của pháp luật… (bỏ từ người, thêm các từ in chữ đậm). Khoản 2 Điều 27 quy định: “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Đề nghị đổi vị trí giữa 2 từ nữ, nam cho phù hợp với quy định tại Khoản 1 điều này; bỏ cụm từ: Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Vì, tại Khoản 1 điều này đã quy định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”, thì đoạn 2 Khoản 2 (như trên) không cần thiết đưa vào. Vì vậy, đề nghị sửa là: “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nam và nữ trên mọi lĩnh vực”. Điều 28 đề nghị sửa là: Công dân Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử…(thêm các từ in đậm). Vì phải quy định rõ người có quyền bầu cử, ứng cử phải là công dân Việt Nam. Khoản 2 Điều 32 đề nghị sửa là: “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một hành vi phạm tội (Nếu quy định như dự thảo: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” là không chính xác. Vì: “Tội phạm” là một danh từ chung không phải là động từ chỉ về một hành vi phạm tội cụ thể của một người nào đó. Khoản 3 Điều 32 đề nghị sửa là: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa theo quy định của pháp luật”. Thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật”, vì trong một số trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì người bào chữa chỉ được tham gia tố tụng khi kết thúc điều tra (phù hợp với Khoản 1 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự). Khoản 1 Điều 34 đề nghị sửa là: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật”, bởi vì một số ngành nghề kinh doanh đặc thù cần có sự quản lý của Nhà nước. Theo quy định tại Nghị định số 139 ngày 5-9-2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, những ngành, nghề sau bị cấm kinh doanh: kinh doanh vũ khí quân dụng; kinh doanh chất ma túy các loại; kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách; kinh doanh các loại pháo… Như vậy, mọi người được tự do kinh doanh nhưng không được trái quy định của pháp luật, không được kinh doanh đối với các ngành nghề bị cấm.
Điều 39 theo dự thảo có 2 khoản, đề nghị thêm vào Khoản 3 với nội dung như sau: Nghiêm cấm việc kết hôn cùng huyết thống. Khoản 2 Điều 41 đề nghị sửa là: “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống, đến sức khỏe của người khác và cộng đồng (thay từ “và” bằng từ “đến”). Khoản 2 Điều 46 quy định: Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nội dung này cũng được quy định tại khoản 1 Điều 68: Bảo vệ môi trường…là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Vì vậy, cần xem xét lại cho phù hợp, nếu cùng một nội dung nhưng lại quy định ở 02 điều luật khác nhau sẽ dẫn đến chồng chéo, không cần thiết.
Về cơ cấu của Chương II, để làm rõ các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nên nghiên cứu tách các điều quy định về quyền con người và quyền công dân. Trong tên gọi của chương, nên chia làm hai phần: Phần quy định về quyền con người trước và phần quy định quyền, nghĩa vụ của công dân sau. Bởi lẽ quyền con người mang nội hàm rộng hơn quyền công dân. Quyền con người là các quyền tự nhiên vốn có của mọi cá nhân. Các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa hay ý chí bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, thể chế chính trị, tổ chức hay nhà nước nào và không một chủ thể nào, kể cả Nhà nước cũng không thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người. Quyền con người có phạm vi áp dụng không bị giới hạn bởi chế định quốc tịch, chủ thể quyền con người là tất cả các thành viên của nhân loại. Về bản chất, các quyền công dân chính là những quyền con người được Nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của nước mình, ngoại trừ những người không quốc tịch. Tuy nhiên, sự phân biệt trong thụ hưởng cả hai loại quyền này chỉ được thể hiện trong một số hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ, người nước ngoài sẽ không được hưởng một số quyền công dân đặc thù như quyền bầu cử, ứng cử... nhưng, người đó vẫn được hưởng các quyền con người, như: quyền sống, quyền tự do và quyền an ninh cá nhân.
Bình Định
Ý kiến bạn đọc