Multimedia Đọc Báo in

Cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với 13 nhóm thủ tục hành chính

11:04, 12/01/2015

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 08/QĐ-TTg về Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015.

Kế hoạch có mục tiêu đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với 13 nhóm thủ tục hành chính (TTHC), quy định liên quan và 100% TTHC tại các cấp chính quyền được chuẩn hóa và kịp thời công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Theo Kế hoạch, trọng tâm năm 2015 sẽ đơn giản hóa 13 nhóm TTHC, quy định liên quan đến: Xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ khi có quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư đến khi đi vào hoạt động; khám, chữa bệnh cho người dân; tuyển sinh, đào tạo đại học và sau đại học; tuyển dụng, nâng ngạch đối với công chức; tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm, đề bạt đối với viên chức; yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực;...

Về tiến độ thực hiện đơn giản hóa 13 nhóm TTHC nêu trên, theo kế hoạch, sẽ hoàn thành thống kê TTHC, quy định liên quan trong nhóm thuộc phạm vi quản lý gửi bộ, ngành chủ trì tổng hợp trước ngày 31-1-2015; hoàn thành hệ thống hóa nhóm TTHC, quy định liên quan để thống nhất triển khai trước ngày 15-2-2015. Sau đó, nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC và gửi cho Bộ, ngành chủ trì trước ngày 31-5-2015. Việc lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, đối tượng tuân thủ về phương án đơn giản hóa TTHC phải được hoàn thành trước ngày 30-6-2015.

Công tác chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch, dự thảo Quyết định kèm theo phương án đơn giản hóa TTHC trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-9-2015.

Ngoài 13 nhóm TTHC, quy định liên quan nêu trên được đơn giản hóa, còn có 2 nhóm nhiệm vụ liên quan đến rà soát, chuẩn hóa và công khai TTHC gồm: Rà soát, chuẩn hóa, công bố, công khai TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý và thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính được giải quyết tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần rà soát, hệ thống, bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành quyết định công bố bộ TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của địa phương theo từng cấp giải quyết trên cơ sở quyết định công bố TTHC đã được Bộ, ngành chuẩn hóa theo thẩm quyền; đồng thời chuẩn hóa dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; hoàn thành trước ngày 30-11-2015. Thực hiện niêm yết đầy đủ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngay sau khi quyết định công bố TTHC chuẩn hóa theo từng cấp giải quyết được ban hành, hoàn thành trước ngày 31-12-2015.

Ứng dụng công nghệ thông tin
Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những biện pháp cải cách TTHC

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là phải căn cứ các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014 liên quan đến cải cách TTHC về thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng,... và các TTHC, nhóm TTHC cần ưu tiên đơn giản hóa thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đơn giản hóa TTHC năm 2015 thuộc thẩm quyền giải quyết, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Kế hoạch; tham gia ý kiến về phương án đơn giản hóa của các Bộ, ngành. Rà soát, hệ thống, bổ sung, chuẩn hóa và thực hiện công bố, công khai toàn bộ TTHC hiện hành thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết.

H.G (nguồn chinhphu.vn)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.