Chế độ tự chủ tài chính của tổ chức khoa học công nghệ công lập
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Theo đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được phân loại theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư gồm: Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư); Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư); Tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư).
Nguồn tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại để chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí; nguồn thu từ ngân sách nhà nước nếu được cơ quan có thẩm quyền giao để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, dịch vụ sự nghiệp công…
Nghị định cũng quy định chính sách ưu đãi đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Theo đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành. Cụ thể, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Ngoài ra, tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Nghị định này thay thế Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc