Trách nhiệm người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động
Theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động có trách nhiệm kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn; khai báo tai nạn lao động theo quy định; giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng...
Người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động phải cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó; tạo điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.
Người lao động làm việc tại Nhà máy tinh bột sắn Ea Kar trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại, nguy hiểm. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để điều tra các vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền quy định; thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc cơ sở của mình; hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động.
Đồng thời, thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động kể cả việc điều tra lại tai nạn lao động theo quy định, trừ trường hợp tai nạn lao động được điều tra lại theo yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội; thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.
Nghị định này có hiệu lực từ 1-7-2016.
Nguyễn Xuân (nguồn chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc