Multimedia Đọc Báo in

Đọc tập thơ Nghiệm của Quách Thành, NXB Hội Nhà văn ấn hành

Người đi tìm lại chính mình

09:35, 19/09/2010

Tôi quen thân Quách Thành từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, trong phong trào đấu tranh chống Mỹ của thanh niên, sinh viên, học sinh Huế. Thời đó, Thành còn là học sinh Trường Quốc Học - Huế, nhưng ai cũng nhầm tưởng anh là sinh viên, bởi anh thường xuất hiện trong những đêm thơ sinh viên ở các giảng đường đại học, với một giọng ngâm chắc khỏe, nồng ấm, lão luyện của một người đã trưởng thành và không thiếu phần từng trải. Anh ngâm những bài thơ của  anh em trong phong trào như Đông Trình, Võ Quê, Thái Ngọc San, thậm chí anh ngâm cả thơ của Tố Hữu, Tế Hanh, Thu Bồn, Thanh Hải... và trở thành “gương mặt của sinh viên liên khoa” như anh em thường gọi.

Ở đời, mấy ai định trước được đường đời truân chuyên lắm nẻo. Số phận cứ trêu ngươi, để cho con tạo xoay vần, buộc anh phải sống xa quê, “ba mươi năm / mới quay về / ta như ngoài cuộc tỉ tê / Huế chừ” (Tạ). Anh ra đi lặng lẽ, không p

 
hải là cuộc dấn thân đi tìm lý tưởng thời trai trẻ mà là cuộc di trú của loài chim sếu trái mùa, đi tìm lẽ sống ở đời, với quá nhiều trăn trở day dứt, đến nỗi “ câu thơ dấu kín / để chôn một đời” ( Tiếng lá), thậm chí có lúc anh sợ cả chính mình, sợ cả nỗi lòng của mình khi nhớ về quá khứ và sự chờ đợi tương lai đến mức mỏi mòn: tôi ơi!/ đã quá nửa đời/ kẽ tay không kín/ lọt đời ngu ngơ/ sợ mình/ sợ cả câu thơ/  vo tròn thuở trước/ ngồi chờ thuở sau… ( Tôi ơi)

Cũng như nhiều người yêu thơ nhưng lạc duyên hạnh ngộ, không thể lấy thơ làm sự nghiệp ở đời, Quách Thành đến với thơ do sự bức bách của đời sống nội tâm, như một đòi hỏi  từ vô thức, từ tiềm thức, lâu ngày thành hữu thức trong anh, để đến khi bật ra thành tiếng nói thơ ca cũng ngẫu nhiên như không hề định trước, nhưng lại là một sự vô tình đầy cố ý của hoạt động sáng tạo có chủ định, thôi thúc từ bên trong. Thơ đối với anh không chỉ là sự tự biểu hiện mình trước cuộc đời mà còn là một phương tiện để tìm lại chính mình, tìm lại những mảnh vỡ tâm hồn đã rơi rớt trên bước đường tha hương, một chân dung tinh thần mà đôi khi chỉ nghĩ đến thôi cũng đau xót đến quặn lòng: quất rát mặt/ những hạt mưa mùa giận dỗi/ môi tím bầm/ thấm thía những ngày xa/ hôm nay/ tôi về gặp tôi/ đèn phố núi nhạt nhòa trong nước mắt/ ba mươi năm/ tôi hành hạ bước chân mình. (Tôi tìm tôi)

Nghiệm

…chỉ còn
tiếng mọt trong đêm
tí tách
nghiến khẽ
gặm mềm suy tư
với tay
ly rượu tàn thu
nghe con chim cuốc
mộng du
gọi tình

Quách Thành

Đúng như tên của bài thơ anh lấy làm nhan đề cho cả tập – thơ đối với anh là sự trải nghiệm ở đời, những khoảnh khắc bất chợt, những tâm trạng, những nỗi niềm hư hao, cứa vào khoảng sâu kín trong tâm hồn, tự nó ngân lên, xâu chuỗi, dệt nên một tấm thảm xanh, mộc mạc, chân thành, lấp lánh mỹ cảm: Nghiệm, Tạ, Ý tưởng trong đêm, Tôi ơi, Tôi tìm tôi, Bói Kiều, Bất chợt, Tự nguyện, Ngửa tay vô thường, Vô thường,... đều là những trải nghiệm, là quá trình nghiệm sinh của chàng trai xứ Huế xa quê. Đọc thơ Quách Thành, tôi bỗng nhận ra bên dưới những câu chữ mộc mạc, chân tình, vẫn có thể nghiệm ra đằm sâu ý tưởng, những triết lý bất ngờ: như thể/ cây nghìn đời bất động/ giữa rừng già sâu thẳm thâm u/ như thể/ hồ nước ngàn năm mùa thu/ ngủ yên không hề gợn sóng/ còn anh/ câu thơ đúng giọng/ xuôi trôi lách mọi nhịp cầu/ bất chợt/ chiều nay/ cây giật lay trong rừng già lạnh lẽo/ mặt hồ yên dậy sóng réo lưng bờ/ và anh.../ câu thơ khó nhọc/ không thuận dòng/ chảy ngược thời gian (Bất chợt)

Tất nhiên, không phải bao giờ Quách Thành cũng thành công trong quá trình chăm chút, tỉ mẫn đính những tia sáng lấp lánh của tư duy duy lý vào dòng chảy cảm xúc của thơ ca. Mỗi bài, mỗi ý là một chỉnh thể, một sự xâu chuỗi liền mạch, nên khó tìm một câu thơ hay, một khổ thơ đặc sắc. Vì vậy, bài thơ Bất chợt trên đây không phải là bài thơ hay của anh, nhưng tôi vẫn phải dẫn cả bài, mới thể hiện hết tư tưởng - nghệ thuật của tác giả. Những bài thơ hay của anh đều xuất phát từ cảm xúc tràn đầy khái quát lên thành ý tưởng. Những bài nào anh “ hở chiêu” - bắt đầu từ những ý tưởng có trước đều dễ đưa đến những thất bại, bởi nó nghèo nàn về cảm xúc, hạn chế về hình tượng, dàn trải về ngôn từ...

Thơ Quách Thành chủ yếu là thể hiện theo lối thơ tự do, nên rất phóng túng về câu chữ, cảm xúc và cả về nhịp điệu câu thơ. Nhưng cho dù anh ngắt nhịp câu thơ từ một, hai hoặc bao nhiêu chữ, nhịp điệu của câu thơ gieo vần vẫn chủ yếu là vần thơ lục bát, mặc dù trong đó chỉ có bài Chữ Đồng Tử là thơ lục bát. Anh có sở trường với vần thơ lục bát thông qua hình thức thơ tự do, và đó cũng chính là những bài thơ thành công của anh (Nghiệm, Tạ, Tôi ơi, Cái đẹp, Bói Kiều, Tiếng lá, Hạ thiền, Câu đã rồi, Nói với con, Tục lụy). Ở một vài bài thơ khác, như Hai mùa thu, Một chiều đông,... là những bài không chỉ hay về câu chữ, mà chủ yếu là nhờ những cảm xúc chân thành, những cảm quan trực tiếp từ đời sống, đã tạo nên sức sống cho thơ.
Đọc thơ Quách Thành, tôi bắt gặp nơi đây một tâm hồn. Không hiểu sao, tôi vẫn cứ đinh ninh rằng, những gì anh có được hôm nay, là nhờ những tháng ngày anh đằm mình với phong trào tranh đấu cùng với anh em trước đây.

Phạm Phú Phong

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Dự kiến 68 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk sau sáp nhập
Tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 115, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, sắp xếp 180 đơn vị hành chính cấp xã cũ thành 68 đơn vị hành chính cấp xã mới; gồm 7 phường, 61 xã.