Thanh Hải – “Một nốt trầm xao xuyến”
Từ những năm 1960 đến 1965 hầu như những người yêu thơ ở miền Bắc ai cũng biết và thuộc lòng một số bài thơ “vượt tuyến” của nhà thơ Thanh Hải. Cùng với Giang Nam, Thanh Hải là một hiện tượng thơ rất được chú ý lúc bấy giờ. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thanh Hải vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, chung thủy với thơ ca.
Thơ Thanh Hải chân chất, bình dị, đôn hậu như con người của anh. Hầu hết thơ anh là thơ “trữ tình công dân”. Sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ, anh được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam, sát cánh với nhân dân Trị Thiên - Huế gây dựng phong trào, tổ chức đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Nhà thơ đã tận mắt chứng kiến những cuộc đàn áp vô cùng dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với những người bị chúng tình nghi là cộng sản: Hôm qua chúng giết anh/ Xác phơi đầu ngõ xóm. Bọn chúng “trừng mắt” ra lệnh: Thằng này là cộng sản/ Không được đứa nào chôn! Nhưng bất chấp lời đe dọa của chúng, nhân dân vẫn chôn cất những chiến sĩ cộng sản hết sức chu đáo: Lũ chúng vừa quay lưng/ Chiếc quan tài sơn son/Đã đưa anh về mộ/ Đi theo sau hồn anh/ Cả làng quê, đường phố/ Cả lớn nhỏ gái trai/ Đám càng đi càng dài/ Càng dài càng đông mãi... Hình ảnh: Bông hồng đỏ và đỏ/ Như máu nở thành hoa là một hình ảnh hết sức ấn tượng và ý nghĩa. Những câu thơ Thanh Hải viết về tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác: Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ/ Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nó tồn tại như những câu ca dao lưu truyền trong dân gian. Vào ngày 19-10-1962, đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc, trong đoàn có nhà thơ Thanh Hải. Anh phải lặn lội từ Trị Thiên vào tận Tây Ninh, qua Campuchia, bay sang Trung Quốc rồi đi tàu về biên giới Lạng Sơn. Nhà thơ nghẹn ngào: Cách nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi, vạn đèo đến đây! Khi nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm bài Tám năm nay mới gặp nhau của anh trong chương trình Tiếng thơ, Đài Tiếng nói Việt Nam, rất nhiều người đã không cầm được nước mắt. Bao nhiêu vui sướng, bao nhiêu hờn tủi, bao nhiêu căm giận… chất chứa trong hai câu thơ giản dị này. Thời đó, Trị Thiên và Quảng Bình đều là những tỉnh ở “tuyến đầu Tổ quốc” nên tình cảm hết sức keo sơn, gắn bó. Thanh Hải đã thay mặt đồng bào Trị Thiên bày tỏ tình cảm sâu nặng ấy với nhân dân Quảng Bình qua những vần thơ rất đỗi chân thành: Quảng Bình ơi, chín năm xưa đánh giặc/ Vui khổ cùng chung mảnh đất miền Trung/ Xa cách mười năm, mười năm thầm nhắc/ Lòng hẹn lòng qua đôi bến Hiền Lương…
Khoảng thời gian từ 1965 đến 1975, Thanh Hải hòa lẫn vào trong dòng thơ chung, hòa lẫn vào bản anh hùng ca chống Mỹ cứu nước vô cùng sôi nổi, vô cùng hào hứng. Thanh Hải “lặng lẽ” làm “một nốt trầm” góp vào bản “hòa ca” bằng tập thơ: Huế mùa xuân. Sau 1975, anh vẫn trăn trở với đề tài chiến tranh. Tập thơ Dấu võng Trường Sơn (1977) ghi lại cảm xúc của anh về những năm tháng “không thể nào quên” ấy. Từ 1978, thơ anh bắt đầu chuyển sang những tâm sự đời thường. Anh sẻ chia với cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả của những người lính vừa đi qua chiến tranh, của những người dân lao động: Mùa đông còn se lạnh/ Áo chưa đủ hai mùa/ Cơm mỳ với canh chua/ Sốt rét rừng chưa dứt… (Xa em giữa mùa mưa lũ); Lúc hạn hán, lúc mưa rào/ Lúc úng, lúc bão, lúc đào mương phai… (Ngủ đêm ở hợp tác xã). Tiếc là vào đúng thời điểm này anh lại bị căn bệnh ung thư cổ trướng hành hạ. Mặc dù thế, trước khi mất, Thanh Hải vẫn kịp để lại cho đời bài thơ Mùa xuân nho nhỏ viết vào những ngày cuối cùng trên giường bệnh. Thông qua Mùa xuân nho nhỏ, tác giả bày tỏ khát vọng dâng hiến tài năng và sức lực của mình cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, trở thành một trong những ca khúc quen thuộc, thân thiết cứ mỗi độ xuân về.
Trong mùa xuân chung, Thanh Hải chỉ xin làm “một mùa xuân nho nhỏ”. Nhưng chính “mùa xuân nho nhỏ” đã góp phần làm nên mùa xuân đất nước. “Mùa xuân nho nhỏ” là những bông hoa, những con ong lặng lẽ dâng cho cuộc đời hương sắc của mình, mật ngọt của mình. Từ mùa xuân quê hương tác giả liên tưởng đến mùa xuân đất nước, từ mùa xuân mọi người tác giả nghĩ đến “mùa xuân nho nhỏ” của mình. Bài thơ kết thúc trong niềm vui hòa nhập: quê hương, đất nước, riêng - chung: Mùa xuân - ta xin hát/ Câu Nam ai, Nam bình/ Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình/ Nhịp phách tiền đất Huế”.
Trong bản “hòa ca” chung của thơ Việt Nam, Thanh Hải tự nhận mình chỉ là một “nốt trầm”. Nhưng cái “nốt trầm” ấy đã làm “xao xuyến” bao nhiêu trái tim bạn đọc. Nhà thơ đã hiến dâng tất cả cuộc đời mình cho nhân dân, cho cách mạng, cho đất nước. Nhà thơ ra đi mới đó mà đã gần ba mươi năm. Trên lăng mộ khiêm nhường của anh ở nghĩa trang Phan Bội Châu, thành phố Huế, ngày ngày:
Hương thơm bay và bay…
Huế, tháng 11-2009
Ý kiến bạn đọc