Chuyện làng văn nghệ
Nhà thơ viết nằm
Đó là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, quê làng Trần Xá, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Dù được “viết nằm” nhưng thơ Đỗ Trọng Khơi đứng rất vững trên thi đàn đương đại, làm cho giới văn nghệ sĩ cảm phục, nhất là với những câu thơ tài hoa về mùa thu:
Tiếng chim đẩy khoảng ngày xanh
sang mùa
Vàng như tự nắng, tự mưa
Tự lòng đất, tự trời xưa nhuốm về
Xanh lên đã kiệt sức hè
Nắng nồng theo lối hồn ve lìa ngàn
Vườn chiều rộn lá thu sang
Heo may ngậm mảnh trăng vàng
rong chơi”.
Trong các nhà thơ lớp trước, bậc đàn anh của Đỗ Trọng Khơi đã có những bài thơ Gọi bê, Gọi nghé, Gọi trâu của Phạm Hổ, Huy Cận, Võ Văn Trực. Nhưng đấy mới chỉ gọi các con vật biết nghe, biết nhìn – nay cả một làng quê rộng lớn và im lặng được Đỗ Trọng Khơi Gọi làng trong bài thơ cùng tên, rung động đầy luyến tiếc làng xưa, cái mất cái còn:
Cây đa bến nước cũng thành
ngày xưa
Nhớ ngây ngô, nhớ bơ vơ
Nhớ sao hương nắng sắc mưa
năm nào…”
Làng bị đô thị hóa rồi, anh gọi làng như gọi người thân, tha thiết, đồng vọng, như muốn níu kéo lại nét cổ xưa của làng quê đang dần bị mai một:
Gọi làng! Vọng nỗi cố hương xa vời!
Tre xanh hồn của bao đời
Chợt về xanh ngắt hồn tôi,
hồn làng”.
Sống gần nửa đời người ở quê, găm mình ở làng, Đỗ Trọng Khơi hiểu lòng của đất, của nước như chính lòng mình:
Nghe lời nước kể
Để tỏ tình nước
Nghe điều đất răn…
…
Nhà quê
Đàn ông tựa vào thế đất mà đứng
Đàn bà nương vào sức nước
mà đi…”
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và vợ trong ngày cưới. |
Quả thật, Đỗ Trọng Khơi đã vịn câu thơ – tài thơ mà đứng dậy. Nhờ thơ mà anh đã đi thật xa, thơ đã chắp cho anh đôi chân, đôi cánh kỳ diệu đi khắp miền đất nước. Từ tập thơ đầu tay “Con chim thiêng vẫn bay” xuất bản năm 1992, đến nay Đỗ Trọng Khơi đã in 10 tập sách, trong đó có một tập thơ in chung là “Bến thời gian”, còn lại 7 tập thơ, một tập văn xuôi, một tập bình thơ – chưa kể hàng nghìn bài báo, tản văn, luận về thiền học và triết học. Cả hai lĩnh vực thơ và truyện ngắn, Đỗ Trọng Khơi đều giành giải cao: Giải Nhì thơ Báo văn nghệ 1989 – 1990; Giải C của Ủy ban toàn quốc Hội VHNT Việt Nam 1993; Giải Nhì truyện ngắn Tài hoa trẻ 1998; Giải B tập truyện ngắn “Ma ngôn” của Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam; Giải A giải thưởng Lê Quý Đôn 1991-1996 Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình…
Bây giờ thì Đỗ Trọng Khơi đã sống bằng ngòi bút, không giàu sang nhưng cũng “rủng rỉnh”, lại được UBND TP. Thái Bình cấp đất làm nhà ở.
Bạn đọc trên cả nước đều biết tên tuổi, tài năng của anh và thương mến. Hơn 50 tuổi đầu mà anh vẫn đơn côi. Một nữ độc giả tên Oanh là cán bộ thư viện ở Bạc Liêu, cách nơi Đỗ Trọng Khơi ở gần 2.000 km đã yêu thơ và mến tài năng của Khơi. Từ đó, cô cảm thông sự thiệt thòi của Khơi – quá nửa đời người vẫn đơn côi, và rồi từ địa chỉ in trên báo, Oanh đã “thư đi thư lại, cuối cùng hai người đã “kết” nhau.
Lễ kết hôn của Oanh – Khơi được tổ chức vào ngày 14-6-2009. Kết quả của mối tình cảm động ấy là một bé trai kháu khỉnh, giống bố như đúc.
Với Đỗ Trọng Khơi, thơ giúp anh bộc lộ tài năng, cảm xúc của tâm hồn và thơ cũng đã mang lại cho anh hạnh phúc. Bạn bè anh vẫn thường tếu táo:
Nhà văn viết đứng, nhà thơ
viết nằm.
Viết đứng là nhà văn Trần Văn Thước… còn viết nằm chính là Đỗ Trọng Khơi.
Ý kiến bạn đọc