Đọc Thầm thức cùng tiếng chim – Thơ Trần Phố - NXB Văn học 2010:
Cộng hưởng yêu thương trong tâm hồn đa cảm
Trần Phố sinh năm 1950 ở Quảng Ngãi, miền đất gian khó nhưng hiếu học. Trần Phố đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngữ văn rồi liên tục làm công chức ngành Giáo dục, luôn nhớ công lao người cha đã nuôi dưỡng và định hướng đời mình:
Chong niềm vui đèn sách dạy nuôi con.
Tôi dám chắc rằng: Những người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn thường có tình yêu thương thắm thiết, trước hết là biết ơn những bậc sinh thành. Trần Phố thương mẹ lắm:
Mẹ rút ruột tằm đến héo hon
Nên nhìn mây núi thấy bay màu nhớ, như tóc trắng phau với dáng mẹ hao gầy, để rồi hạ câu kết nhói lòng:
Tím cả chiều!
Đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước còn ít học sinh, hình như các huyện phía Đông của tỉnh chỉ có một trường cấp II, bây giờ gọi là Trung học cơ sở, Trần Phố đã làm Hiệu trưởng Trường cấp II Hòa An, gần thị trấn Krông Pak hiện nay. Tôi còn ở ngành Giáo dục, ham đi nên thường được cử tới các trường công tác. Nhiều lần gặp Trần Phố, có đêm tá túc ở trường cùng nhau uống suông ly rượu đế mà đến mưa rơi trong tiếng đàn ghi-ta cũng lê thê. Thế mà Trần Phố cứ yêu đời, yêu nghề một cách lạc quan:
Xanh tiếng giảng bài, xanh nắng mưa
Nhưng có lẽ sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng, của nhà giáo được dồn nén vào bài Ngọn nến nhỏ thắp lên để dành cho các em khuyết tật lớp hòa nhập. Các em ngây ngô bởi thiểu năng trí tuệ, trống gọi vào lớp vẫn ngẩn ngơ. Thì đây:
Vòng tay yêu thương ấm áp tình người.
Khi những ngọn nến trong tay cùng dàn đồng ca của các em cất lên đâu chỉ các em mà các thầy cô mới là người hạnh phúc nhất. Ánh sáng từ các em lại soi rọi thêm lòng nhân ái cho người đã thắp lên nó. Ấy là sự cộng hưởng của lòng nhân ái. Không phải ngẫu nhiên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vinh danh nghề dạy học là Nghề cao quý. Trần Phố có bài ca ngợi Vạn thế sư biểu – Chu Văn An và cả cô giáo ngày nào đã dạy mình:
Hoa nhân ái nở đến giờ vẫn thơm.
Cuộc đời gắn với nghề cao quý và cũng là nghiệp của Trần Phố. Thơ đã tổng kết cái nghiệp ấy:
Tìm niềm vui cho trẻ nên người
Mái tóc cũ giấu vui, buồn, được, mất
Bỗng một chiều hoa phấn rụng chơi vơi…
Có yêu nghề thì khi nghỉ hưu mới lưu luyến đến vậy, nao lòng đến vậy. Cũng từng đứng trên bục giảng nên tôi càng thương, càng nhớ, khi thấu nỗi buồn man mác hoa phấn rụng chơi vơi
Là người đa cảm nên thường hoài niệm, Trần Phố nhớ về tuổi thơ của mình ở xóm nhỏ mang tên Gò Mạ, nổi lên như con thuyền xanh giữa ruộng đồng có lũ, có nắng, có giếng khơi, có khói bếp, có tiếng nghé ọ, tiếng chim hót, có ca dao và lời ru của mẹ đã lắng đọng vào thơ:
Tình quê chín mọng
Bận về thăm nhà
Nằm thương lá rụng…
Thơ bốn chữ rất khó làm vì dễ lẫn với vè bốn tiếng. Trần Phố đã vượt qua để có bài thơ hay. Hình ảnh tình quê chín mọng, nằm thương lá rụng là nỗi lòng đau đáu chờ trông của người con xa quê.
Có lần vào thăm khu du lịch Bản Đôn, Trần Phố cưỡi voi và tưởng như mình đang dạo miền cổ tích. Khi xong rồi mới ngỡ ngàng, hiện thực kéo ra khỏi ảo mộng:
Giật mình: Đời gang tấc!
Thế mới biết kiếp nhân sinh ngắn lắm, như gió thoảng, như mây bay, như gang tấc. Triết lý nhân sinh ẩn sau câu chữ.
Sự nghiệp dày lên, đời mỏng xuống
Trần Phố ít làm thơ Đường luật. Bài Tuổi năm mươi là trường hợp ngoại lệ. Nhưng đây đúng là bài 8 câu 7 chữ có duyên, sơ kết được cái tuổi tri thiên mệnh của mình. Đây là hai câu luận của bài:
Văn chương ngẫu hứng mấy dòng chơi…
Đã tuổi 60, nhìn lại hành trình, Trần Phố cảm khái:
Nơi cổng trường thôi mọc dấu chân xưa
Lá bàng cháy đỏ trời còn cháy mãi
Nụ chồi lên cho nắng chuyển mùa
Khổ thơ có chút buồn, chút tiếc nuối nhưng không ủy mị khi nhìn lại những năm tháng cống hiến của mình. Thơ xưa thường ví đời người như bóng câu cửa sổ, con ngựa non phi qua cửa sổ chỉ trong chớp mắt là mất tăm hơi. Thơ Trần Phố có lối so sánh mới: Cháy vèo như điếu thuốc. 60 tuổi đời, nhanh lắm. Điếu thuốc lá đã đỏ hơi cuối cùng. Về hưu là quy luật nhưng vẫn có chút chạnh lòng. Nhưng nếu không gắn bó, không yêu nghề thì không viết được: Nơi cổng trường thôi mọc dấu chân xưa. Mọc dấu chân là một ý thơ, một hình ảnh lạ về lòng yêu nghề, thầy đã từng đứng nhiều, đứng lâu, đứng liên tục ở đây cùng đồng nghiệp và học sinh thân yêu. Nhưng chỉ có thế thì chưa có triết lý. Triết lý đã nâng thơ lên ở hai câu sau:
Nụ chồi lên cho nắng chuyển mùa.
Từ điếu thuốc cháy đến lá bàng cháy đỏ là tâm trạng, là chuyển giao thế hệ, là quy luật tự nhiên, cũng là triết lý nhân sinh, mừng cho sự nối tiếp trường tồn: Nụ chồi lên, nắng chuyển mùa. Để quẳng gánh vô thường mà đắm mình với thiên nhiên, tắm gội bên sông, đón tiếng chim ca trên núi, thanh thản tâm hồn. Vô vi đấy, sắc sắc không không đấy mà xuất thế cũng là nhập thế.
Thơ Trần Phố có sự chững chạc, dung dị, mô phạm của nghề giáo nên đọc dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Không thấy sự cách tân, đánh đố người đọc để tự giải mã, nhưng bù lại là đã thổi hồn vào sự chân thực khiến ta đồng cảm.
Thầm thức cùng tiếng chim là tập thơ dễ đọc, dễ yêu, không ngại phí thời gian, vì có rất nhiều bài đáng đọc. Phải chăng đó là sự cộng hưởng của yêu thương trong một tâm hồn đa cảm.
Ý kiến bạn đọc