Multimedia Đọc Báo in

Vợ chồng A Phủ "tậu" nhà cho nhà văn Tô Hoài

17:38, 25/12/2011

Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27-9-1920. Từ năm 1945-1952, ông công tác ở Báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957, từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội, Tổng Thư ký, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam. Trên 60 năm viết văn ông từng dùng các bút danh: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Phiên, Vũ Đột Kích, Hoa Hồng... Ai cũng tưởng ông là họ Tô, nhưng đấy là cái tên ghép con sông Tô Lịch và Phủ Hoài Đức (quê ngoại ông) - Hà Đông ngày nay; còn ông tên thật là Nguyễn Sen. Ông đã được giải thưởng Hội Nhà văn Á- Phi năm 1970, và giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996)...

Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài nay đã ngoài 90 tuổi,  số lượng tác phẩm của ông đã gấp đôi số tuổi ông rất nhiều. Trong số ấy, tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi “Dế mèn phiêu lưu ký” đã được tái bản hơn 30 lần, song cũng chưa giúp ông mua được nhà, mà chính tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”  mới giúp ông "tậu" một ngôi nhà khá rộng và đẹp.

Đó là kịch bản phim “Vợ chồng A Phủ” được ông viết năm 1954-1955, chuyển từ tác phẩm văn xuôi, viết sau chuyến đi cùng bộ đội lên giải phóng Tây Bắc 1952 ở vùng núi thuộc tỉnh Lào Cai.

Nhà văn Tô Hoài kể lại trên Tạp chí Cộng Sản số 1-1993: "Tôi viết đã nửa thế kỷ nay, chưa bao giờ thấy bản quyền quá ít ỏi như bây giờ. Ngay cả so sánh với ta thôi: Năm 1955, tiền bản quyền kịch bản phim "Vợ chồng A Phủ” của tôi là 1600 đồng (một ngàn sáu trăm đồng) tậu được ngôi nhà của tôi bây giờ (ở phố Đoàn Như Hài- Hà Nội). Ngôi nhà ấy đã hơn 60 năm chưa sửa gì nhiều, nay có giá hàng tỷ đồng”.
Kịch bản phim “Vợ chồng A Phủ”, kể lại cuộc đời vợ chồng người Mông là Mỵ và A Phủ. Họ vốn là người ở nô lệ cho nhà tên Thống Lý Pá Tra. Mỵ bị bắt về làm con dâu gạt nợ. Còn A Phủ vì dám đánh lại con trai của Thống Lý nên cũng bị bắt về làm người ở để gạt tội, rồi họ cứu thoát nhau ra khỏi nhà Thống Lý Pá Tra và trở thành vợ chồng. Sau Mỵ, A Phủ trở thành đội viên du kích đánh Pháp...

Biết ông tậu được nhà từ thành quả của tác phẩm này, mọi người trong giới văn nghệ nói vui : "Vợ chồng A Phủ" đã "tậu" nhà cho nhà văn Tô Hoài của chúng ta.

Lê Hồng Bảo Uyên


Ý kiến bạn đọc