Multimedia Đọc Báo in

Họa sĩ An Quốc Bình: Tôi trải nghiệm mình qua những biểu trưng

11:08, 18/01/2012

Vào một ngày cuối năm, gấp lại những thiết kế đặt hàng cho ngày tết còn dở dang, họa sĩ trẻ An Quốc Bình – người đoạt giải nhất sáng tác biểu trưng Dak Lak 2009 đã dành cho tôi cuộc trò chuyện lý thú. Từ khi bước vào lĩnh vực sáng tác, anh được biết đến như tác giả có tiếng về biểu trưng (logo), và giành nhiều giải thưởng như: Giải khuyến khích logo thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột 2004, Giải khuyến khích logo Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 4 năm 2004, giải ba Tranh cổ động toàn quốc về đề tài phòng chống tệ nạn xã hội và văn hóa độc hại 1996…

†Anh được biết đến với nhiều giải thưởng về sáng tác biểu trưng của các tổ chức chính trị xã hội và một số doanh nghiệp. Vậy, cái duyên nào đưa anh đến với biểu trưng? Cảm giác của anh khi thấy Biểu trưng tỉnh Dak Lak do mình thiết kế mình xuất hiện rất nhiều nơi?

-Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi quyết định thi vào Trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai mà không thi bất kỳ trường nào khác. Lúc ấy tôi tâm niệm, nếu năm đó không trúng tuyển thì sẽ thi đến khi nào đỗ mới thôi. May mắn sao lần thi đó tôi đạt điểm khá cao. Kể từ đó tôi đã bắt đầu cuộc hành trình trên con đường nghệ thuật.

Được các thầy cô giáo của một trường có bề dày 90 năm (Trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) chỉ bảo tận tình  tôi đã dần hiểu ra về cái hay, cái thiết thực của công việc thiết kế đồ họa nói chung và biểu trưng nói riêng. Sau này khi làm luận văn tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế tôi được thấm thía một câu nói của thầy Nguyễn Duy Lẫm: "Trong công việc của họa sĩ đồ họa ứng dụng, khi nhận sáng tác một mẫu biểu trưng ấy là lúc bước vào cuộc lao động căng thẳng nhưng đầy hứng thú, chẳng khác nào bắt đầu một đợt phiêu lưu để tìm ra viên ngọc quý cho vương quốc riêng mình”.

Khi thấy biểu trưng của mình xuất hiện trên nhiều tuyến phố, tôi rất vui vì đã góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu về vùng đất Dak Lak với bạn bè trong nước và quốc tế.

* Nhiều họa sĩ bị ảnh hưởng bởi phong cách của một ai đó. Vậy anh có bị ảnh hưởng phong cách sáng tác từ đâu không? Khi xem những tác phẩm của anh, người xem có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát bởi gam màu chủ đạo là đen và trắng, vì sao vậy?
 

- Biểu trưng chính là những ký hiệu và hình ảnh có chức năng thông tin, truyền đạt thông điệp qua kênh thị giác để đại diện cho một đối tượng hoặc một ý niệm nào đó trong đời sống xã hội. Trong nghệ thuật nói chung, độc đáo và riêng biệt là đòi hỏi tất yếu nên vấn đề “bị ảnh hưởng” phong cách là điều không nên có, nhưng vẫn có nghệ sĩ  bị ảnh hưởng mà không biết. Riêng tôi, việc học hỏi các nghệ sĩ đi trước là điều mà tôi luôn làm.

Theo tôi, điều quan trọng nhất khi thiết kế một biểu trưng đó là: Phải đam mê và thấu hiểu đối tượng mà mình cần sáng tác, ngoài ra phải có kỹ năng thiết kế đồ họa chuyên nghiệp để thể hiện được ý tưởng của chính mình. Cuộc sống có những quy luật riêng của nó, nghệ thuật cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy khi sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau điều đầu tiên tôi nghĩ  tới  đó là sự hài hòa của hai yếu tố cơ bản là âm và dương, ngày và đêm, cũng có thể là đen (dương) và trắng (âm)… Sự hài hòa giữa hai yếu tố này tạo nên cuộc sống, theo tôi nghệ thuật cũng phải thỏa mãn hai yếu tố đó và làm sao cân bằng được hai điều đó là rất khó.

*Anh có thể chia sẻ những trăn trở của mình về lĩnh vực anh đang tham gia? Dak Lak đang trên đường phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, để có cơ hội phát triển nghề nghiệp, theo anh họa sĩ trẻ Dak Lak đang có những thuận lợi và khó khăn gì.

-Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy UBND tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và các ban ngành liên quan rất quan tâm đến các họa sĩ tỉnh nhà, đã và đang tạo điều kiện tốt để anh chị em họa sĩ có điều kiện sáng tác. Nhưng điều khó nhất không phải là không gian triển lãm hay tài trợ sáng tạo mà chính là điều kiện để các họa sĩ nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung sống được bằng chính sáng tác của mình.

Dak Lak là một tỉnh có tiềm năng về du lịch, mong rằng những tác phẩm của  tôi và những họa sĩ trẻ khác sẽ góp phần nhỏ trong món quà cho du khách thập phương. Hy vọng một ngày không xa khi dân trí cao hơn, xã hội phát triển thì nhu cầu về hưởng thụ mỹ thuật sẽ tăng lên và các nghệ sĩ sẽ sống tốt với nghề của mình….

Kim Bảo (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc