Multimedia Đọc Báo in

NHÂN 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ (22-9-1912 - 22-9-2012)

“Đây xứ thiêng liêng...”

21:32, 02/10/2012

Mùa xuân 1933, nhân được nghỉ phép, Hàn Mặc Tử tìm lên Đà Lạt thăm nhà thơ Quách Tấn. Nhà thơ Quách Tấn hết sức vui mừng, ông thu xếp công việc rồi đưa Hàn Mặc Tử đi xem danh lam thắng cảnh. Đây là chuyến viếng thăm rất có ý nghĩa đối với Tử. Chính chuyến đi này đã góp phần hình thành không gian thơ Hàn Mặc Tử - một không gian đầy sương khói, đầy trăng sao - một không gian huyền ảo, thực hư lẫn lộn.

Nếu Quy Nhơn là nơi khởi đầu sự nghiệp thi ca Hàn Mặc Tử thì Đà Lạt lại là nơi Hàn Mặc Tử đã tìm được cho mình một không gian thơ thích hợp. Con người thường sống trong hai cõi: cõi thực và cõi mộng. Hàn Mặc Tử cũng vậy. Nhưng có lẽ do bị rơi vào cảnh ngộ đặc biệt nên về cuối đời, Tử thường sống trong cõi mộng nhiều hơn cõi thực. Hơn ai hết, Hàn Mặc Tử luôn có ý thức tìm mối quan hệ giữa sống và chết, giữa thực và hư, giữa sắc và không. Hàn Mặc Tử quan niệm: “Sắc cũng như không, chết cũng như sống, gần cũng như xa và hư cũng như thực”. Với Tử “Hư và thực là những huyền ảo chập chờn trước mắt” (Chiêm bao với sự thật). Chính vì thế mà khi đặt chân đến Đà Lạt, Hàn Mặc Tử đã thốt lên:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu!

Đó không chỉ là phút khởi đầu của tình yêu, của niềm say mê mà còn là phút khởi đầu của thi ca, của sự sáng tạo nghệ thuật. Phút khởi đầu đó hết sức quan trọng. Hàn Mặc Tử như đang đắm chìm trong khói sương Đà Lạt:

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,

Như đón từ xa một ý thơ.

Ngỡ như Đà Lạt chờ đợi giây phút này đã lâu, ngỡ như trời đất này là để dành riêng cho Hàn Mặc Tử. Không ở đâu “hư và thực là những huyền ảo chập chờn trước mặt” như ở đây. Giữa khói sương mờ ảo ấy “hư thực làm sao phân biệt được!”. Điều này rất đúng với quan niệm của Hàn Mặc Tử: “Hư cũng như thực, thực cũng như hư”. Ngay cả trăng sao cũng phải “đắm đuối” trong màn sương hư ảo đó. Nếu chỉ tả cho hợp cảnh, chắc tác giả sẽ viết “Trăng sao chới với trong sương nhạt”. Nhưng “chới với” chỉ hợp cảnh mà không hợp tình. Phải là “trăng sao đắm đuối” mới diễn tả được niềm đam mê của Hàn Mặc Tử với khói sương Đà Lạt. Cũng trăng ấy, cũng sao ấy, cũng khói sương ấy nhưng phải đến Hàn Mặc Tử mới trở nên “đắm đuối” như thế!.

Không gian Đà Lạt là một không gian đầy sao: “Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm”, không gian Đà Lạt còn là một không gian đầy trăng: “Cả trời say nhuộm một màu trăng”. Trăng sao, khói sương với những “hàng thông lấp loáng” đã tạo nên nét đẹp riêng của cảnh trời Đà Lạt. Đà Lạt không chỉ có vẻ đẹp huyền ảo, Đà Lạt còn là nơi hết sức yên tĩnh. Hàn Mặc Tử đã “huy động” rất nhiều từ cùng vần để diễn tả sự yên tĩnh ấy: “làm thinh”, “đứng trong im”, “cành lá in”, “lặng chìm”. Đà Lạt yên tĩnh đến mức ngỡ như nghe được cả tiếng nước reo dưới đáy hồ, “tơ liễu run trong gió”... Yên tĩnh đến mức:

Không một tiếng gì nghe động chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...

Cái không gian vô cùng yên tĩnh, cái không gian đầy sương khói, đầy trăng, đầy sao, cái không gian “hư thực làm sao phân biệt được” của Đà Lạt ghi dấu ấn khá sâu đậm trong tâm thức Hàn Mặc Tử. Và thi sĩ đã mang theo cái không gian Đà Lạt ấy đi suốt cuộc hành trình thi ca của mình. Dường như ở đâu, đi đâu thi sĩ cũng nhìn thấy không gian Đà Lạt. “Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng” trong bài thơ Huyền ảo của thi sĩ phảng phất hương khói Đà Lạt. Màn sương đêm bao phủ “những tháp kiêu ngạo”, trong bài thơ Thi sĩ Chàm tặng Chế Lan Viên cũng phảng phất cái màn sương Đà Lạt. Ngay cả khi bày tỏ niềm khao khát gặp lại người con gái thôn Vĩ mà thi sĩ vẫn thầm yêu trộm nhớ, Hàn Mặc Tử cũng như đang đắm chìm giữa không gian Đà Lạt:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà

       (Đây thôn Vĩ Dạ)

Và rất nhiều lần Hàn Mặc Tử tái hiện cái không gian Đà Lạt ấy:

Chiếc cầu chở cả một đêm trăng

Muôn ánh sao ngời chói thẳng băng

Muôn sợi hương trầm say bối rối...

       (Ghen)

Có thể khẳng định: không gian Đà Lạt đã biến thành không gian thơ của Hàn Mặc Tử. Đà Lạt đã biến thành thế giới riêng của Hàn Mặc Tử. Hiếm có nhà thơ nào tạo dựng được cho mình một không gian đầy trăng, đầy sao, đầy khói sương như thi sĩ.

Hàn Mặc Tử phải cảm ơn cái giây phút thiêng liêng khi lần đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt. Ngược lại, Đà Lạt cũng rất biết ơn nhà thơ thiên tài đã vĩnh cữu hóa vẻ đẹp huyền ảo và yên tĩnh của Đà Lạt trong một đêm trăng mờ. Nếu giữ được vẻ đẹp sương khói và yên tĩnh ấy, Đà Lạt sẽ còn làm “đắm đuối” bao nhiêu du khách như Hàn Mặc Tử đã từng đắm đuối!

Mai Văn Hoan


Ý kiến bạn đọc