Multimedia Đọc Báo in

Tậu nhà bằng thơ, bằng nhạc

06:38, 14/10/2012

Nhà thơ, nhạc sĩ  Nguyễn Trọng Tạo là một tên tuổi rất quen thuộc trong làng thơ, làng nhạc Việt Nam. Nhưng  bút danh của ông thì thật là lạ, ít ai biết đó là của ông: Cẩm Ly, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Bảo Chi, Tào Ngu Tử, Vũ Kim Thanh...

         Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

 Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25-8-1947 tại Diễn Châu (Nghệ An). Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ngoài  làm thơ (đã xuất bản 10 tập thơ), 100 bản nhạc, ông còn viết báo và đặc biệt là trình bày bìa sách với hơn 500 bìa sách của vài trăm tác giả, bao gồm thơ, văn xuôi, sân khấu. Nguyễn Trọng Tạo đa tài: cầm, kỳ, thi, họa. Ông là tác giả của mẫu cờ thơ trong Ngày thơ Việt Nam và măng-sét tạp chí của 3 Hội Văn học – Nghệ thuật: Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh là Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Hồng Lĩnh. Cả 4 lĩnh vực nghệ thuật ông đều giành được giải thưởng cao, từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương. Ông từng giữ các cương vị: Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI, Trưởng ban biên tập báo Thơ của Hội Nhà văn, Thư ký Tạp chí âm nhạc - Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Trước năm 1995, Nguyễn Trọng Tạo công tác ở Hội Văn học – Nghệ thuật Thừa Thiên Huế với chức danh Trưởng ban biên tập, sau đó ông ra Hà Nội công tác. Ngày ra Hà Nội, gia tài ông mang theo chỉ có mấy tạ sách báo. Tiền thuê nhà không có chứ nói gì đến tiền để tậu nhà, nên thời gian đầu nhà thơ phải tá túc ở nhà người bạn. Biết hoàn cảnh của Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Nguyễn Quang Lập, một người bạn cùng quê gợi ý: “Tạo phải cố gắng mà mua nhà, có nhà riêng, tự do, thích viết lúc nào thì viết”. Nguyễn Trọng Tạo cười: “Có mà mua... bằng thơ”. Có lẽ Nguyễn Trọng Tạo nghĩ điều đó là không tưởng, vì từ trước đến nay các nhà thơ sống được bằng thơ đã khó, huống chi bán thơ mua được nhà, nên anh mới trả lời bạn như vậy. Nguyễn Quang Lập thì quả quyết: “Thì mua bằng thơ, ai là người yêu quí Nguyễn Trọng Tạo thì cho vay, chỉ cần Tạo hô một tiếng”.

Biết được hoàn cảnh và nguyện vọng của Nguyễn Trọng Tạo, mấy ngày sau, một người bạn thơ công tác ở nhà in mang đến cho Nguyễn Trọng Tạo vay 10 triệu đồng, và chỉ cần người vay viết giấy cam kết 2 năm sau trả, không tính lời lãi. Đầu xuôi thì đuôi lọt, lần lượt các bạn bè là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ biết chuyện đã tới tấp mang tiền đến cho Nguyễn Trọng Tạo vay, người nhiều, người ít tùy theo tấm lòng và điều kiện kinh tế. Chưa đầy một tháng, tổng cộng số tiền vay được vượt quá số tiền ngôi nhà mà Nguyễn Trọng Tạo mua 70 triệu đồng (thời điểm đó là số tiền khá lớn). Đó là căn hộ số 605, nhà D4, chung cư tập thể xây từ thời bao cấp, thuộc đường Lương Định Của (Hà Nội) với diện tích hơn 50 mét vuông, ở tầng 6, bạn bè đến chơi phải leo 12 nhịp cầu thang mới tới.

“An cư lạc nghiệp”, khi đã có nhà, Nguyễn Trọng Tạo làm ăn phát đạt, nhờ tài hoa phát tiết ở cả ba lĩnh vực: thơ, nhạc, họa. Có năm Nguyễn Trọng Tạo lĩnh liền 3 giải thơ của 3 tờ báo lớn, rồi giải thưởng vẽ bìa sách, tiếp đến là 2 giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với 2 ca khúc “Làng quan họ quê tôi” phổ thơ Nguyễn Phan Hách và ca khúc “Khúc hát sông quê” - ca khúc này được phổ từ bài thơ “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Lê Huy Mậu, trong dịp Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu cùng đi dự trại sáng tác văn học ở Vũng Tàu. Quả là đi dự trại sáng tác văn thơ nhưng Nguyễn Trọng Tạo lại có “lãi” từ nhạc.

Và chỉ trong vòng mấy năm lao động nghệ thuật cật lực, Nguyễn Trọng Tạo đã gom tiền nhuận bút và giải thưởng trả xong tiền vay của bạn bè để mua nhà.

Lê Hồng Bảo Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.