Khó tính và kỹ tính của nhà thơ Chế Lan Viên
Nhà thơ Chế Lan Viên là một người tài ba, thông minh. Năm 1938, khi mới 17 tuổi đang là học sinh trung học, Chế Lan Viên đã cho xuất bản tập thơ Điêu tàn. Sau này đi theo cách mạng, ông càng phát huy được sự thông minh vào công việc sáng tác, nhất là sau khi tập thơ Ánh sáng và phù sa ra đời năm 1960 và những tập bút ký, bình luận, chính luận tiếp theo. Trong đời thường, sinh hoạt, giao tiếp, ông là người có cá tính riêng, luôn biểu lộ sự thẳng thắn. Điều này nhiều lúc đã làm bạn bè ông phật ý, đặc biệt là những bạn viết trẻ.
Năm 1960, một chiến sĩ từ chiến trường miền Nam ra đến thỉnh nhà thơ Chế Lan Viên đọc và góp ý một số bài thơ anh ta mới sáng tác. Sau một hồi, Chế Lan Viên nói :
- Cậu phải viết như thế nào, chứ cứ viết chung chung thế này thì cánh làm thơ chúng tôi ngồi ở Hà Nội đọc báo Nhân Dân mà làm thơ cũng được, mà có khi còn hay hơn. Cậu có để ý thấy cái ngọn lửa bọn ác ôn đốt nhà dân trong vùng bị tạm chiếm miền Nam có khác gì với ngọn lửa cháy nhà do vô ý ở miền Bắc?
Một lần khác, có một nhà thơ trẻ cũng đến nhờ Chế Lan Viên nhận xét thơ của anh ta. Chế Lan Viên nói:
- Cậu viết giống tôi quá. Có hai Chế Lan Viên là thừa một rồi, mà người thừa ấy là cậu chứ không phải là tôi.
Năm 1963, nhà thơ Chế Lan Viên đi thực tế ở Hưng Yên. Nhà thơ về một xã ven thị, nay là phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Ông giản dị đến nỗi không ai bảo ông là nhà thơ. Ông vận bộ bà ba đen, đội mũ lá gồi, đeo xà cột bằng vải xanh giống như một cán bộ nông thổ sản. Trong những ngày công tác ở xã, không có một buổi họp mặt nào của xã mà ông không có mặt…
Lần ấy, Chế Lan Viên ngồi dưới chiếu cùng bà con xã viên nghe ông Bí thư Đảng ủy xã nói chuyện. Nói dở dang, ông Bí thư nhìn đồng hồ, hẹn mọi người đúng 2 giờ chiều sẽ nói chuyện tiếp, còn bây giờ ông lên huyện họp. Chấp hành tuyệt đối lệnh của ông Bí thư Đảng ủy xã, đúng 2 giờ chiều, hàng trăm xã viên có mặt đông đủ. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng không chậm nửa phút.
Mọi người ngồi chờ đợi, 2 giờ 30, rồi 3 giờ chiều… vẫn chưa thấy ông Bí thư Đảng ủy xã đâu cả. Hàng trăm con người phải chờ đợi một người. Chế Lan Viên cảm thấy rất sốt ruột. Chợt bác bưu tá bước vào, thấy có một tập báo Nhân Dân, Chế Lan Viên mượn một tờ, liếc qua trang nhất có bài của Bác Hồ “Nâng cao đạo đức cách mạng...”. Chế Lan Viên bèn vẫy một thanh niên lại chỗ mình, nhờ anh ta đọc bài báo đó cho mọi người nghe. Anh thanh niên đọc to, mạch lạc. Chưa hết 1/3 trang báo thì vị Bí thư Đảng ủy xã về. Mọi người sợ sệt, im lặng. Chế Lan Viên ra hiệu cho anh thanh niên kia vẫn tiếp tục đọc. Vị Bí thư Đảng ủy xã liền quát anh thanh niên: “Cất báo đi, cậu kia!”.
Chế Lan Viên đáp: “Đây là bài báo của Bác, đề nghị đồng chí thanh niên cứ đọc. Bài của lãnh tụ, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng cũng phải đọc để học tập”. Vị Bí thư Đảng ủy xã đỏ mặt, liền để anh thanh niên đọc tiếp. Cuối buổi họp, ông ta đã phải xin lỗi nhà thơ và thanh minh về thiếu sót vừa rồi của ông ta.
Trong đời thường là vậy, nghiêm túc, thẳng thắn, cương trực, trong sáng tác Chế Lan Viên còn là người rất kỹ tính. Ông quan niệm thơ văn là trí tuệ, mà trí tuệ thì không dễ dãi được. Chả có thế mà bài thơ Người thay đổi đời tôi, bài thơ này bản thảo đầu tiên ông viết 80 trang giấy khổ A4 và đã gửi cho đài tiếng nói Việt Nam ngâm trong chương trình “Tiếng thơ”. Nhưng chương trình chưa kịp phát sóng thì ông đã đến lấy về để sửa chữa, và ông đã “co” lại bài thơ này chỉ còn 2 trang giấy khổ A4.
Không chỉ kỹ tính với thơ của chính mình, mà cả với thơ của bạn bè ông còn khe khắt hơn. Chúng ta đã biết: Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn là tứ linh trong nhóm thơ Bình Định. Chế Lan Viên với Yến Lan thân thiết với nhau như anh em ruột, ông đã lấy tên của Yến Lan để ghép thành tên và bút danh của mình. Ngoài đời là đôi bạn thân thiết như vậy, nhưng trong sáng tác thì Chế Lan Viên lại cực kỳ “nghiêm khắc” với bạn, ông không thể để bạn công bố một tác phẩm khi chưa chín muồi. Về chuyện này nhà thơ Hoàng Minh Châu kể lại (trên báo Văn nghệ số 42-43-1989):
“ ...Tôi nhớ một lần anh Khương Hữu Dũng đến cơ quan mừng rỡ báo tin: Ba năm nay Yến Lan viết được truyện thơ 3000 câu. Vốn coi Yến Lan là nhà thơ có tay nghề nên anh em ở nhà xuất bản rất mừng. Được tin, Chế Lan Viên cũng mừng. Anh liền sang Nhà xuất bản hỏi mượn bản thảo đó về xem. Nhưng chỉ hai hôm sau, chúng tôi nhận lại bản thảo dày cộp đó với những nhận xét chi chít ở hai bên lề, về từng câu, từng đoạn... Tất nhiên nhà thơ Yến Lan đã không hề tự ái, anh đã nghe bạn và bỏ hẳn bản thảo đó và đầu tư cho tập thơ Lẵng hoa hồng khá hơn...”.
Sau khi nhà thơ Chế Lan Viên qua đời (1989), nhà văn Vũ Thị Thường (vợ nhà thơ Chế Lan Viên) cho biết: “Từ khi Đảng có chủ trương đổi mới (1987) trong làng văn nảy sinh nhiều cuộc tranh luận, ý kiến khác nhau. Nhà tôi (Chế Lan Viên) cho rằng phát triển tốt nhất là bằng tác phẩm. Ông có kế hoạch chuẩn bị 1000 bài thơ rồi bỏ đi 900 bài , lấy 100 bài công bố vào năm 1990, chỉ viết được 600 bài thì ngã bệnh”. Ngày 1-8-1988, Chế Lan Viên vào bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra, bác sĩ phát hiện phổi bị tràn dịch. Ngày 19-9-1988 nhà thơ lên bàn mổ, sau khi viết xong bài “Từ thế thi ca” linh cảm về cái chết của mình:
Nóng tính trong đời thường, kỹ tính trong đời thơ...Hai cá tính tạo nên một nhà thơ Chế Lan Viên trí tuệ và tài năng thật đáng nể.
Lê Hồng Bảo Anh (st)
Ý kiến bạn đọc