Multimedia Đọc Báo in

Về tiểu thuyết Từ sông Krông Bông

08:35, 17/08/2013

Tiểu thuyết Từ sông Krông Bông (tác giả Trúc Hoài - NXB Công an nhân dân, năm 2012) cố gắng tái hiện một phần diện mạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trên chiến trường Cao nguyên Dak Lak.

Tiểu thuyết gồm 13 chương, với gần 600 trang in. Hiện thực miêu tả được xác định từ năm 1965 đến tháng giêng 1968. Đó là khoảng thời gian cuộc chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất, và cuộc kháng chiến của nhân dân ta gặp vô vàn khó khăn, gian khổ. Không gian của các diễn biến được trải rộng trên các địa bàn trọng yếu nhất: vùng chiến khu kháng chiến, vùng nông thôn giải phóng, vùng ven tranh chấp và vùng đô thị địch tạm chiếm.

Chiến khu kháng chiến là nơi Tỉnh ủy Dak Lak lãnh đạo trực tiếp cuộc kháng chiến. Tên các buôn làng, tên núi, tên sông vùng chiến khu được tái hiện đúng như trong thực tế. Tại đây, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Khu Năm, Tỉnh ủy Dak Lak đã lãnh đạo một cách toàn diện các mặt của cuộc kháng chiến, từ các chiến dịch lớn đến chăm lo xây dựng phong trào các địa phương, và đời sống nhân dân. Tác phẩm không đi sâu vào chi tiết sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, mà chú tâm miêu tả cuộc sống và con người trong chiến khu. Ở đó, cuộc sống gian khổ không thể tưởng, nhưng ý chí của con người quyết tâm đánh giặc cứu nước thì cao vời vợi. Từ căn cứ chiến khu, bao nhiêu con người đã đi đến các địa bàn nóng bỏng.

Vùng nông thôn giải phóng, tác phẩm đã dành nhiều trang để tái hiện lại hiện thực của một xã đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang: xã Khuê Ngọc Điền. Từ năm 1966, địch đã đánh dai dẳng, ác liệt để hủy diệt xã. Tình hình vô cùng phức tạp, rất đông nhân dân bỏ chạy vào vùng địch; bom đạn triền miên, xóm làng tan nát, đói kém, bệnh tật, người chết như rạ. Địch còn dùng nhiều chiêu bài tâm lý chiến, nên một bộ phận đông đảo nhân dân hoang mang, dao động. Giữa bối cảnh đó, chi bộ xã có bảy đảng viên, cùng du kích, và bộ phận tích cực trong nhân dân vẫn kiên cường bám trụ, lo ổn định cuộc sống, lo bố phòng đánh địch và lo cả việc tiếp tế cho bộ đội với tư cách là hậu phương. Cuộc sống ở xã sôi sục không khí kháng chiến suốt cả ngày lẫn đêm.

Vùng ven tranh chấp trong tác phẩm được miêu tả nguyên dạng địa điểm cách Buôn Ma Thuột mười chín cây số (hướng đi Nha Trang), nơi mà Huyện ủy Buôn Ma Thuột đã đặt mật danh là BĐ3 (bàn đạp số 3) cho suốt thời kỳ đánh Mỹ. Đây là địa bàn trọng yếu để giữ mạch liên lạc vào ra giữa chiến khu kháng chiến và lực lượng của ta trong nội thị. Một xóm chỉ chín gia đình, dũng cảm bảo vệ cán bộ, giữ bí mật cho cách mạng và làm công tác địch vận giỏi. Đội công tác, thường từ ba đến năm người hoạt động ở vùng ven. Họ là những con người dũng cảm, chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh, làm cầu nối quan trọng giữa trong và ngoài thị xã.

Vùng đô thị địch tạm chiếm, là Buôn Ma Thuột, nơi đối đầu trực tiếp hằng ngày giữa các chiến sĩ cách mạng hoạt động bất hợp pháp với kẻ thù. Các chiến sĩ ta giáp mặt với đủ loại kẻ thù bằng ý chí kiên cường, dũng cảm và trí thông minh tuyệt vời, góp công to lớn cho chiến thắng và họ chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Cũng qua đây, tác phẩm tái hiện lại nhiều hình mẫu của những người bên kia chiến tuyến.

Một nội dung được thể hiện khá đậm nét trong tác phẩm, là tuy hằng ngày phải quần nhau với giặc, nhưng từ nơi sâu thẳm của trái tim, đồng bào và chiến sĩ Dak Lak vẫn thấy luôn gắn bó máu thịt với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với Thủ đô có Bác Hồ đã tiếp sức người, sức của của cả nước về đây để chung sức đánh giặc.

Từ sông Krông Bông là tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết sử thi mang tính anh hùng ca, đã tái hiện được một phần thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở đó sáng lên diện mạo con người Việt Nam bất khuất, kiên cường, đầy kiêu hãnh, quyết sống mãi với kẻ thù để giành lại mảnh đất quê hương, giành lại quyền được sống làm người…

Kể từ số báo này, Báo Dak Lak sẽ trích đăng một số đoạn tiêu biểu trong các chương của tiểu thuyết để giới thiệu cùng bạn đọc (vào các số Thứ tư và Cuối tuần).

Tòa soạn

Trúc Hoài  (ảnh chụp năm 1973)
Trúc Hoài (ảnh chụp năm 1973)

Nhà vănTrúc Hoài tên thật là Nguyễn Trúc, nguyên là cán bộ giáo dục tăng cường cho Dak Lak trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đã từng đảm nhận các chức vụ trong ngành giáo dục: Phó trưởng Ty Giáo dục Dak Lak thời kỳ sau giải phóng, Hiệu trưởng Trường CĐSP Dak Lak, Giám đốc TTGDTX tỉnh. Tiểu thuyết Từ sông Krông Bông của nhà văn Trúc Hoài đã đoạt giải C, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2012 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sản xuất bền vững, tăng giá trị cà phê Krông Năng
Trong những năm gần đây, huyện Krông Năng triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển cà phê bền vững. Trong đó, Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (còn gọi là Compact Krông Năng) đã làm thay đổi nhận thức của người dân, hướng đến sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm.