Từ sông Krông Bông (kỳ 8 *)
Bây giờ Quang chỉ có mỗi một việc là ngồi chờ đến trưa. Ngủ dưới hầm mấy giờ liền, Quang thấy mệt. Đến khi gà gáy sáng, bà Tần mở nắp hầm kêu Quang lên ngủ chung giường với cậu con trai. Vào chặp này bà đã dậy nấu cám heo, ngày nào cũng vậy. Bà nói lên trên ngủ cho bớt ngợp thở, ở dưới hầm suốt đêm chịu không thấu. Bà thức nấu cám heo, dọn dẹp bao thứ linh tinh trong nhà và tâm trí lúc nào cũng ngóng chừng bên ngoài có động tĩnh gì không. Với lại bà rất yên tâm bởi đầu hè đã có con chó nằm túc trực suốt đêm, nó nghe được mọi tiếng động, ngửi được tất cả những thứ mùi và đừng hòng có cái bóng nào quanh quất đâu đây mà nó không biết. Chẳng mấy khi anh em đội công tác trú dưới hầm bí mật. Thường thường họ làm việc với các mối trong lô cà phê. Bởi vì cà phê ở đây thực sự như những cánh rừng bát ngát. Ở giữa lô cà phê lại có ưu điểm rất dễ quan sát bốn bên, chỉ cần ngồi xuống là có thể nhìn rất xa. Với lại, mỗi khi anh em ở trong lô thì bên ngoài đã có người cảnh giới. Bọn trẻ gọi mẹ gọi cha hoặc đuổi bò. Người lớn thì chửi con, mắng chó. Tất cả đều là những ám hiệu đã bàn từ trước, khi có bọn địch lãng vãng gần đó. Riêng cái anh y tá này chỉ muốn làm việc trong nhà bà Tần. Anh ta nói là thích cái không khí trong nhà, đã ớn lắm rồi cái đời quân ngũ, mặc dù anh ta ở quân ngũ chưa được một năm.
Cửa trước, cửa sau nhà bà Tần đều đóng kín, kể cả cái cửa đi ra phía chuồng heo. Quang ngồi im lặng trong nhà, chỉ lo vì một lý do nào đó mà anh y tá lỡ hẹn. Cậu con trai đã mua một tô mì Quảng từ sáng sớm. Mì Quảng nấu với cá trắng câu dưới hồ. Bà Tần chặt một cây chuối bằng cổ chân, xắt cho Quang một đĩa rau. Lâu lắm anh mới ăn món rau này, thấy ngon miệng lạ. Bà Tần sàng sảy cà phê trước sân. Còn cô con gái mười hai tuổi không biết có đau ốm gì không, mặt trời đã lên cao mà cô vẫn còn nằm trên giường. Chồng bà Tần cùng cậu con trai đã đi hái cà lúc mặt trời chưa mọc.
Quang ngồi im bên chiếc bàn nước hình vuông cũ mèm. Anh nghĩ đủ mọi chuyện. Không biết có khai thác được nguồn thuốc Tây qua anh y tá này không? Rồi từ mối này, liệu có thể phát triển thêm mối mới được nữa không? Lai lịch anh ta như thế nào? Sao cái đồng hồ hôm nay chạy chậm quá? Rồi anh bồi hồi nhớ tới Thanh Xuân. Sau lần Thanh Xuân suýt bị bọn biệt kích bắt sống, họ đã gặp nhau mấy lần nữa. Chiếc áo anh cởi đưa cho Thanh Xuân mặc hồi đó, anh không giặt giũ, cứ để nguyên trong bao ni lông. Anh coi đó là một vật lưu niệm quí giá và không bao giờ mặc nó nữa. Anh nhớ đôi mắt to rân rấn nước của Thanh Xuân khi cô mặc xong, từ sau cây bằng lăng quay lại và nói với anh... Trời ơi, Thanh Xuân được lượm từ bãi xác người... Cô nắm tay anh và nói với anh... Chắc suốt cả cuộc đời, anh không quên được giờ phút ấy. Cũng từ cái giờ phút Thanh Xuân thoát khỏi cái hiểm nghèo, bên cái hồ giữa rừng già ấy, tuy hai người không bộc bạch gì thêm, nhưng trong lòng, họ đinh ninh là họ đã đến với nhau, họ là của nhau. Mãi về sau, trong một lần ra địa bàn, Thanh Xuân nói với Quang rằng ngày nào, đêm nào cô cũng nhớ anh, mong được ra để thấy mặt anh. Cô nói là anh không thể nào hiểu được nỗi sung sướng của cô khi được ở bên anh, bởi vì ngày và cả đêm công tác trong thị, lúc nào ma quỉ cũng vây lấy cô, chúng nó muốn ăn tươi nuốt sống cô như một kẻ háu đói. Lúc từ rừng già vào đồn điền, khoảng tám giờ tối, trời không trăng nhưng được khảm chi chít những vì sao lấp lánh, Thanh Xuân và Quang ở cuối đội hình đang đi trên một rẫy bắp vừa thu hoạch. Thanh Xuân dừng lại, nắm cánh tay Quang và nói nhỏ: “Em muốn anh ôm em một đỗi”. Quang không sao nén được xúc động, anh xốc lại khẩu A.K cho nó nằm hẳn sau lưng. Rồi họ ôm nhau... Những nụ hôn đầu đời. Cháy bỏng. Nồng nàn. Thật ra, Thanh Xuân chưa bộc lộ hết ý nghĩ. Cô muốn nói với Quang là anh ôm em một đỗi để rồi đây, lúc nào cô cũng nhớ đến vòng tay yêu dấu của anh, lúc ở giữa vòng vây ma quỉ, cô vẫn cảm thấy được vòng tay ấy che chở và như vậy, cô không bao giờ cảm thấy sợ sệt. Còn Quang, anh chợt thấy cuộc đời của mình đã hoàn toàn khác. Anh đã gắn bó với một cô gái trơ trọi, không còn cha mẹ, không còn anh em và không còn cả bà con cô bác xóm giềng. Họ đã là núi xương và sông máu. Đồng thời một nỗi lo làm anh nhói cả tim và đau từng mạch máu não. Thanh Xuân đứng làm nhiệm vụ tại một quầy bar trong câu lạc bộ sĩ quan ngụy có cái tên mĩ miều là Sơn Cước, ngay giữa lòng Buôn Ma Thuột. Làm sao có thể hình dung được những tình huống mà Thanh Xuân phải ứng phó. Tai họa từng giây, từng phút rình rập quanh cô...
Những ý nghĩ nóng bỏng làm đầu Quang đau nhức. Anh uống một ly nước chanh rồi mở cánh cửa phía chuồng heo để gió từ miếng ruộng sau nhà thổi vào cho thoáng đầu óc. Anh nhớ lời bà Tần dặn, không được ra khỏi cửa, đề phòng bọn dân vệ đi tuần bất ngờ trông thấy. Anh nghĩ như muốn nói với Thanh Xuân ở nơi xa thẳm: “Ta cầu trời phù hộ cho em. Ta cầu mong lòng dũng cảm và trí thông minh che chở cho em. Và lúc nào anh cũng ôm em, không một kẻ nào có thể động đến...”
Ngoài trời nắng chang chang và im ắng. Cô con gái nhỏ bỗng nhiên lăn qua lăn lại trên giường, vừa ôm bụng vừa rên. Quang lặng lẽ rót ly nước bưng đến, anh chưa kịp mở miệng thì cô gái đã la lên thật to “đau quá”. Cô gái quằn quại, ưỡn người lên, lăn qua lăn lại rồi lập úp người xuống đất. Quang vừa ngồi xuống, dùng tay đè lên hai vai cô gái thì bà Tần xô cánh cửa nhảy bổ vào. Bà ra hiệu và đẩy Quang xuống hầm bí mật. Cô gái tiếp tục rên la, vật vã trên nền đất,
(Xem tiếp trang 10)
đầu óc rối tung, mấy sợi bết trên mặt đầy mồ hôi và nước mắt. Bà Tần không hiểu con gái mình đau cái gì. Lâu nay có thấy như vậy đâu. Con gái rên la càng to, vật vã càng dữ, bà Tần mất bình tĩnh, không biết xoay sở cách nào. Bà chỉ biết lấy khăn nhúng nước lau mặt cho con và hỏi con không ra tiếng. Quang đội nắp hầm, lên với hai mẹ con. Chính anh cũng không rõ cô bé đau cái gì. Được hỏi nhưng cô bé cũng chỉ trả lời bằng hai tiếng “đau quá”. Bà Tần chỉ biết nhìn Quang. Quang thoáng nghĩ không lẽ cô bé bị đau bao tử. Nhưng đau bao tử như anh đã từng thấy rất nhiều người, họ thường kêu đau râm ran trong bụng, làm gì có kiểu đau như thế này. Bỗng anh chợt nhớ lại lần anh đi với nhóm trinh sát tỉnh đội, có một anh bỗng kêu đau rồi nằm lăn quay xuống con đường lầy lội bùn đất, ôm bụng rên la y hệt cô bé. Muốn hay không muốn, nhóm trinh sát liền chặt cây làm cáng treo võng lên, tức tốc khiêng anh về bệnh xá, lúc trời gần sáng. Anh trinh sát bị đau ruột thừa, may mà về để kịp mổ. Nhớ vậy, anh liền bảo bà Tần cõng con ra ngoài đường đón xe lam đi Buôn Ma Thuột. Bà Tần gần như rối trí, Quang nói gì bà nghe nấy. Nhưng cô gái quằn quại, bà không sao cõng nổi qua cái sân hình chữ nhật rộng chưa đến năm mươi mét vuông. Và cô gái không ngớt rên la. Quang mừng vì thấy xung quanh vẫn im ắng, không một bóng người. Lúc này tất cả công nhân đều tập trung hái cà ở vùng lô xa xa. Quang quyết định cõng cô gái. Anh bảo bà cứ đi ngoài đường lô, còn anh cõng cô gái chạy lúp xúp trong lô, giữa hai hàng cà. Cô gái không còn sức để rên la, nằm bất tỉnh trên lưng Quang. Con đường quốc lộ 21 cách nhà bà Tần chưa đầy ba trăm mét. Ra đến mặt đường, chờ không lâu, hai mẹ con bà Tần đón được xe đi Buôn Ma Thuột.
Quang sững sờ trước chuyện vừa xảy ra. Anh luôn để ý nên tin rằng chỉ có hai mẹ con bà Tần biết chuyện. Vườn cà vắng tanh, không một bóng người, cả bò và lũ chó cũng không thấy đâu. Ngoài đường quốc lộ lâu lâu mới có vài chuyến xe xuôi ngược – Anh bớt lo và tỉnh táo lại.
Gần chỗ Quang đứng, phía bên kia đường theo hướng về Buôn Ma Thuột, có một cái quán nhỏ mỗi mái lợp chưa tới mười tấm tôn kẽm dài ngoẵng của Mỹ. Quang cảm thấy quen thuộc với cái quán này bởi anh đã dạo đằng trước, đằng sau quán rất nhiều lần qua những đêm vào đồn điền công tác – Nhưng anh chưa biết gì về nó cả, ngoài cái tên “Quán bún bà Thảo” được viết nghệch ngoạc bằng vôi trắng trên tấm tôn rách quệt hắc ín đen ngòm, dựng bên trái cửa ra vào. Anh tò mò đi tới quán. Vừa đi anh vừa ao ước đến cái ngày anh cùng đồng đội được đi đứng tự do, thoải mái trên những con đường như thế này, giữa thanh thiên bạch nhật. Vô quán, anh gọi một tô bún cá. Mấy năm học ở Sài Gòn, anh ăn toàn cơm quán. Nhưng chưa một lần như hôm nay, khi cầm đôi đũa trên tay, anh bỗng dưng thấy tự lòng mình dạt dào bao cảm xúc. Gọi là quán, nhưng thực sự đây là một cái nhà hai gian được giành một gian để làm quán. Gian phía đông bề bộn giường chiếu, mền mùng và bao thứ vật dụng rẻ tiền. Có khác gì đâu với hàng triệu gia đình, như gia đình anh. “Biết bao giờ mình mới về lại với gia đình, cha mẹ, anh em. Con chó, con mèo. Võng tre, tấm phản gỗ. Bánh tráng gạo chấm mắm cái cá cơm, cá nục đầm Thị Nại và ngọn gió nồm… Ý nghĩ của anh cuộn lên, thiết tha – Chao ôi, ta mong được sống giữa không khí đầm ấm một gia đình. Ta mong được cầm chiếc chiếu trải xuống nền nhà để dọn cơm ăn. Ta mong được nghe tiếng bé gái út bên kia rào dâm bụt ơi ới gọi anh hai, anh ba “dìa” ăn cơm, không thì mẹ đánh…”.
Khi bước ra khỏi quán, anh nghĩ: “Ơi Thanh Xuân, hai đứa mình sẽ về quê… Hai đứa sẽ quỳ xuống nhận tội với mẹ già…”.
Bây giờ đã mười giờ trưa. Quang lẩn vào lô cà phê và anh không biết rằng người chủ quán đứng sau tấm rèm ni lông, đã chụp tới mấy kiểu hình khi anh ngồi ăn bún trong bộ quần áo màu xanh công nhân vườn cà.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc