Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (Kỳ 9)

10:00, 27/09/2013
Chẳng mấy khi quán vắng khách như hôm nay. Tới chín giờ sáng mới có hơn mười người vừa lính vừa quan đến uống cà phê. Viên thiếu tá không quân ngồi một mình bên chiếc bàn nhỏ dưới giàn hoa thiên lý cuối sân, vẻ mặt trầm ngâm. Y hút thuốc lá Con mèo, điếu sau châm nối vào điếu trước, để mặc chiếc quẹt lửa díp pô nằm im trên mặt bàn. Khi tính tiền, y cũng hất hàm ra hiệu cho cô gái chạy bàn đứng gần đó, không mở miệng nói nửa câu, rồi đi ra khỏi quán, bỏ lại phin cà phê làm bằng inox sáng lóa chưa một lần được nhấc ra khỏi miệng cái ly thủy tinh trong suốt đựng lớp cà phê màu nâu phía trên và một chút sữa màu trắng đục phía dưới. Gần đó, một bàn bốn người, ăn bún. Nghe chuyện đoán biết đây là tốp lính tâm lý chiến bên tiểu khu. Một giọng nữ hát khe khẽ một câu than vãn cho mùa thu chết.

Thanh Xuân đã quen công việc ở đây. Những lúc vắng khách như lúc này làm cho đầu óc cô thanh thản lại, như được nghỉ ngơi. Vẫn ngồi trên chiếc ghế cao, nệm mút cứng màu đen, có thể xoay vòng tròn, tại quầy bar, Thanh Xuân thả tâm trí mình về với quá khứ, cái quá khứ dữ dội và mãnh liệt biết bao.

Bảy tháng trước, từ cơ quan tuyên huấn, Thanh Xuân được điều động về Thị ủy Buôn Ma Thuột và được chính ông Cửu Bí thư giao nhiệm vụ. Cho đến nay, cũng chính ông là người duy nhất chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động của tuyến liên lạc ra vào nội thị do Thanh Xuân xây dựng. Ông Cửu cho biết trong trường hợp cần thiết, ông sẽ cử đầu mối liên lạc khác mà cô chưa từng biết, đến liên hệ với cô theo mật khẩu đã định trước. Ông Cửu nói đây là một nhiệm vụ nặng nề, cần suy nghĩ đắn đo kỹ lưỡng rồi quyết định. Với nhiệm vụ này, phải tự nguyện, tự nguyện một cách dũng cảm. Ấy vậy mà Thanh Xuân hầu như không phải suy nghĩ đắn đo gì cả. Cô nhận ngay nhiệm vụ, không phải chờ một vài ngày như ông Cửu cho phép.

Lúc ấy đã xế chiều, trong nhà chỉ có hai người. Ông Cửu nằm trên võng, đôi mắt và vừng trán đã bớt đăm chiêu. Thanh Xuân ngồi khép gối trên chiếc ghế mặt gồm bốn đoạn le ghép lại. Một chút căng thẳng thoáng hiện trên mặt cô. Và chỉ trong giây lát, từ trong đôi mắt to và sâu thẳm của cô trào dâng lên một nỗi đớn đau và hận thù vô tận. Cô vừa khóc vừa nói với ông Cửu:

- Từ ngày về đây, cháu chỉ hồi hộp trông mong các chú giao nhiệm vụ. Có gì đâu mà phải đắn đo nữa chứ. Lũ nó giết cha mẹ cháu, giết các em cháu. Lũ nó giết không sót một ai trong thôn cháu. Bây giờ mình phải nắm cổ lũ quỷ đó để đòi nợ. Vậy thôi. Có còn ai còn sống nữa đâu để trả thù, ngoài cháu...

Thanh Xuân đưa tay quệt nước mắt và giọng nói rắn đanh hơn:

- Cháu muốn nắm cổ chúng nó để ném xuống giếng, như chúng nó đã từng ném em cháu, một đứa con gái đang tập nói bi bô.

Thanh Xuân vào nội thị với cái tên mới Hồng Ánh để gọi thường ngày và trong giấy tờ là Nguyễn Thị Hồng Ánh.

Lúc mười giờ đêm, trong quán còn chín mười người khách. Khi năm người mặc quân phục biệt động đứng dậy ra về thì một người trong tốp lảo đảo đến quầy bar. Chắc anh ta đến để tính tiền chai Napôlêông hảo hạng. Mấy ngọn đèn trên quầy bar tỏa ra thứ ánh sáng đỏ âm u. Tuy vậy, Hồng Ánh vẫn thấy rõ khuôn mặt tái đến tím bầm của người lính. Mồ hôi lấm tấm trên vừng trán và hai má. Mái tóc dài cũng bết mồ hôi. Anh ta không nói không rằng, chệnh choạng để vào chiếc ly cối trên mặt quầy một vật gì rồi rút từ túi quần ra một chiếc khăn tay cáu bẩn, phủ lên chiếc ly cối. Anh ta nhìn Hồng Ánh đứng bên trong quầy, vừa cười nham nhở không thành tiếng, vừa chỉ tay xuống chiếc ly cối như muốn nói “Tiền đấy cô em”. Chợt anh ta từ từ rút chiếc khăn, lộ rõ trái lựu đạn mỏ vịt màu xanh đậm trong cái ly. Anh ta lại nhìn Hồng Ánh, đầu gật gật mấy lần, lại cười nham nhở, để lộ chiếc răng vàng phía mép trái, rồi quay người, bước loạng choạng như muốn ngã sấp xuống sàn nhà. Còn Hồng Ánh, sắc mặt dần bớt căng thẳng bởi cô biết trái lựu đạn bị kẹt cứng trong chiếc ly cối thì không có chuyện gì phải lo nếu không đụng đến nó. Mấy cô gái trong quầy cũng đã dạt ra xa.

Khi người lính bước ngang trước mặt người sĩ quan ngồi một mình với ly cà phê, người sĩ quan nói:

- Chắc bọn này muốn chết.

Người lính liền dừng lại, hai chân không đứng vững, giọng lè nhè:

- Thưa ngài thiếu tá, ngài tưởng sống trên trần gian này là sướng lắm sao? Trong đầu ngài là não bộ hay một mớ giẻ rách? Chết mới là sướng. Sống mới là khổ! Người chết mới là người hiền, họ rủ nhau sang thế giới bên kia hết trọi, bỏ một mình tôi lại với bọn Sa tăng. Còn người sống như các ngài thì có khác nào một lũ ác quỷ. Cuối tháng trước, chắc các ngài bị quỷ ám hóa điên, nên mới cho đại pháo nện cấp nập xuống đội hình tụi này trên ngọn đồi Chó Đẻ. Rồi napan thiêu trụi ngọn đồi. Việt cộng, quốc gia, đồng minh Hoa Kỳ cháy tuốt luốt, không sót một mống. Các ngài định phi tang cái gì? Tại sao số phận lại để tôi thoát chết trong lúc tôi muốn chết, xin được bò xuống suối lấy nước để cầu mong cái ân huệ của Việt cộng tặng cho tôi một viên súng trường bắn tỉa - Trời đày tôi phải sống và sống với các ngài...

Người lính gầm gừ trong cổ họng, chân bước gần về phía viên thiếu tá. Viên thiếu tá rút khẩu rulo, để trên mặt bàn. Người lính nhìn khẩu súng, bỗng reo lên:

- A, tôi gặp may rồi. Thiếu tá ơi, xin thiếu tá làm phước cho vô ngực em một viên.

Người lính quỳ xuống bên bàn, đối diện viên thiếu tá. Anh ta vừa mở nút áo ngực, vừa nói:

- Ngực em đây, thiếu tá... Hai mi mắt anh ta sụp xuống, có vẻ chờ đợi. Chừng một phút, anh ta mở mắt và chộp lấy khẩu rulô trên mặt bàn, khiến cho mặt viên thiếu tá biến sắc. Hai đầu gối anh ta xích lại bàn, hai tay nâng khẩu súng lên ngang trán. Mắt anh ta nhắm lại, còn giọng nói thì run lên, khẩn khoản - Thiếu tá ơi, súng đây... Trung tá làm phước một lần cho em chết...

Chắc vì quen những cảnh đại loại như vậy nên mặt viên thiếu tá sớm trở lại vẻ trầm ngâm vốn có, mắt nhìn thẳng ly cà phê đã cạn. Còn người lính, anh ta vừa từ từ đứng thẳng dậy, đôi mắt to đỏ ngầu, vừa chậm rãi đặt khẩu súng xuống bàn trước mặt viên thiếu tá. Giọng anh ta như gầm lên :

- Hay mấy người chỉ muốn tụi này giáp lá cà trên đồi Chó Đẻ? Dao găm ngập cổ họng. Đầu văng ra, lăn lóc xuống chân đồi. Máu phủ kín ngọn đồi. Tiếng người rú. Tiếng pháo gầm. Tiếng phi cơ náo động. Mùi máu tanh. Mùi thịt da khét lẹt bởi bom napan. Tụi này, nếu không bị Việt cộng giết thì bị mấy người giết, người Hoa Kỳ giết. Đằng nào tụi này cũng chết một cách thảm thương, khốn nạn...

Người lính có vẻ mệt, mồ hôi ướt đẫm mặt mày, anh ta kéo một chiếc ghế, thả mình ngồi xuống, hồi lâu mới lên tiếng hỏi :

- Như vậy là thế nào, thưa thiếu tá ?

Đôi mắt viên thiếu tá trở nên âm u, nhìn thẳng mặt người lính. Y không mở miệng, chỉ với tay rút một điếu thuốc trên bàn, rút một cây diêm, quẹt xuống cổ dày dưới chân, lấy lửa châm thuốc.

Đôi mắt người lính rân rấn nước trên khuân mặt xúc động. Rồi anh ta khóc, khóc một lúc một to, như chưa lần nào được khóc. Vừa khóc anh ta vừa rút từ túi áo ngực một tờ giấy đã ngả màu ố vàng được xếp vuông vắn. Anh ta đưa tờ giấy cho viên thiếu tá bằng hai tay :

- Thưa thiếu tá, trước khi thiếu tá cho em chết , em nhờ thiếu tá gởi giùm lá thơ này cho bà mẹ tội nghiệp của em. Ờ, mà thiếu tá có một bà mẹ không hả? Thôi em không nhờ thiếu tá nữa. Mẹ em có biết đọc đâu mà em gởi. Trước đây thì em gởi, con vợ sắp cưới của em đọc cho bà nghe. Nay nó đi lấy chồng rồi...

Giọng nói người lính nhỏ dần rồi im hẳn. Anh ta cúi mặt, nhìn hai bàn tay cầm lá thư của mình. Hồi lâu, vẫn không ngước mặt, anh ta nói nhỏ như chỉ để chỉ một mình mình nghe:

- Nhà chỉ có hai mẹ con, mà em thì lâm trận, mẹ ở nhà phát điên. Bà sống lang bạt ngoài chợ, ai thương tình cho gì thì ăn nấy. Nay mai, em nộp mạng lên đồi Chó Đẻ, ra vùng tam biên Việt cộng đang chờ. Còn không, ở Buôn Ma Thuột này, em nộp mạng Dốc Cùi*. Chẳng phải các ngài thường chửi dọa bọn em “Tao sẽ cho bọn mày đi Dốc Cùi” ở vùng buôn Ea Na đó sao? Nơi nào bọn em đến cũng có huyệt đào sẵn, như những cái bến đón bọn em về với nước Chúa. Mà ở trần gian, bọn em đã chém giết không gớm tay, biết Chúa có mở lòng độ lượng cho không? Thiếu tá sẽ lên cõi Niết bàn tay hay lên cõi Thiên đàng? Em sợ đến Diêm vương cũng không mở cửa địa ngục cho thiếu tá xuống.

Chiếc bì thư được gấp làm đôi, từ từ rớt khỏi tay người lính, nằm trên mặt bàn, giữa ly cà phê và gói capstan. Người lính cũng từ từ nghẻo đầu, xỉu xuống sàn nhà,ói mửa đến mật xanh, mật vàng.

Người trong bar nhốn nháo, chạy tới phía người lính. Viên thiếu tá đứng dậy chửi thề một câu “Đ.mẹ, bọn mày điên ráo rồi!”, rồi anh ta bước thẳng ra khỏi quán, để lại trên bàn tờ giấy bạc ướt nhẹm.

Hồng Ánh theo dõi không sót một chi tiết nào của diễn biến sự việc.

*Dốc Cùi: Phía nam Buôn Ma Thuột có một cơ sở chữa bệnh phong, thường gọi Trại Cùi (nay là trại phong Ea Na). Con dốc gần Trại Cùi được gọi là Dốc Cùi, nơi lính ngụy thường bị phục kích.

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc