Từ sông Krông Bông (Kỳ 10)
Người lính thiếp đi chừng mười lăm phút. Vừa mở mắt, anh ta ngồi dậy ngay và ngỡ ngàng thấy trong phòng xép nhỏ có đến ba bốn cô gái đứng quanh.
Anh ta hỏi :
- Trung tá đâu rồi ?
Hồng Ánh trong bộ quần áo dài đỏ quen thuộc, ngồi trên ghế nhựa chân cao cỡ gang tay, gần giường người lính đang ngồi. Cô hỏi lại người lính :
- Trung tá nào? Có phải ông uống cà phê...
Người lính vừa xoa tay vừa lắc đầu :
- Không phải cái ông đấy đâu. Trung tá chỉ huy bọn tôi, đơn vị thuộc liên đoàn biệt động của vùng chiến thuật hai. Đòi uống rượu xịn rồi cả bầy bỏ đi, tiền thì tôi tính.
Hồng Ánh nói :
- Giờ thì đã khuya, anh ngủ lại đây đi. Ngoài trời lạnh quá, không chừng nhiễm lạnh, dễ bị thương hàn lắm đó.
Người lính lại xua tay:
- Đâu có được. Mấy bữa rày lệnh cắm trại nghiệt lắm. Với lại, trưa hay chiều mai hành quân rồi. Tụi nó nói trước khi hành quân, uống một bữa cho say tít cung mây, rồi có chết thì chết - Ngập ngừng một đỗi, anh ta tiếp - Vô miệt Dốc Cùi không ẻo bằng đồi Chó Đẻ nhưng cũng chết bảy, còn ba.
Hồng Ánh đã cầm lá thư của người lính để trên mặt bàn lúc anh ta xỉu. Cô nói :
- Thì anh cứ hành quân. Em sẽ gởi dùm anh lá thơ này. Hồng Ánh đập đập lá thư lên lòng bàn tay trái.
Đôi mắt người lính dần sáng, cái nhìn linh hoạt hơn. Anh đưa tay về phía Hồng Ánh.
- Thôi, tôi không gởi nữa. Nhớ thì viết vậy thôi. Mẹ tôi có đọc được đâu. Em đưa nó cho tôi.
Hồng Ánh cảm thấy xúc động khi người lính gọi cô bằng em một cách tự nhiên như vậy. Lối xưng hô của người lính, người của câu chuyện mà cô vừa chứng kiến, bỗng dưng để lại trong cô một ấn tượng dễ chịu và đầu hai chân mày hơi nhíu lại, chắc những ý nghĩ mới đang xuất hiện trong cô. Giọng cô trở lại tự nhiên như thường ngày:
- Vậy mẹ anh ở đâu?
Người lính trả lời mau mắn trước sự chăm chú của Hồng Ánh:
- Ở chợ Tuy Hòa chớ ở đâu?
Hồng Ánh bỗng vui hẳn lên :
- Thế thì hay quá. Mẹ em cũng bán mắm ruốc ở chợ Tuy Hòa. Mai mốt về dưới, em gởi thơ dùm cho. Thế nào em cũng tìm được mẹ anh.
Người lính bỗng kêu lên:
- Trời đất ơi, thiệt vậy sao?
Hồng Ánh cười:
- Sao lại không thiệt. Không chừng có lần mẹ anh mua mắm ruốc của mẹ em đó. Mắm ruốc Tuy Hòa ngon nhất thiên hạ mà.
Người lính đứng dậy, mắt nhìn thẳng vào mặt Hồng Ánh. Anh nói:
- Ừ, thì cứ như vậy. Tôi nhờ em - Mọi sự ở ý Chúa. Tôi chỉ biết chắc một điều là tôi sẽ chết như một con chó.
Hồng Ánh cũng nhìn thẳng vào mắt người lính và cô lắc đầu mấy lần, tỏ ý cho anh ta biết là cô không tán đồng ý nghĩ của anh. Cô theo người lính ra ngoài sân mờ mờ ánh điện. Cô hỏi tên mẹ anh. Phía dưới bì thư, cô giấu mấy viên thuốc và khéo léo đưa thuốc cho người lính. Cô nói nhỏ:
- Trước khi hành quân một tiếng đồng hồ, anh uống ba viên thuốc màu nâu. Cơn sốt mê man sẽ đến, anh không phải đi đâu hết. Chờ lúc đơn vị đi xa, anh uống hai viên màu trắng, nhiệt độ cơ thể hạ dần; một hai giờ sau, anh sẽ khỏe lại. Nếu được, tối mai hay tối mốt, anh đến đây...
Người lính hơi sững sờ. Hồng Ánh hạ giọng:
- Có gì đâu anh. Đi bỏ mạng, thiệt là vô ích. Cứ như vậy đã, rồi mình tính tiếp…
Hồng Ánh rất mừng bởi người lính biệt động đã từng xin viên thiếu tá một viên đạn vô ngực để được chết, sau hơn tháng vắng mặt, hôm nay lại đến, lúc ba giờ chiều. Cô đợi anh ta nhiều ngày. Anh ta đến một mình, chỉ mua một chai Napôlêông đắt tiền. Anh nói tiểu đội chung tiền mua rượu, anh không có tiền, phải nhận phần đi mua.
Ba giờ chiều vắng khách. Người trong quán dọn dẹp dưới hầm rượu và xếp cho gọn số bìa gỗ, đá hộc để vương vãi ngoài vườn.
Hồng Ánh mặc bộ bà ba màu xám. Cô sắp sửa xuống hầm rượu thì vừa lúc đó người lính đến. Cô liền đổi ý định, không xuống hầm rượu, mà ra ngoài vườn và lên tiếng nhờ anh lính giúp một tay. Bước ra tới đống đá, cô vội vàng nói ngay với anh lính:
- Mình không có thời gian đâu. Em đã về Phú Yên, gặp mẹ anh ngoài chợ Tuy Hòa. Anh có thơ mẹ gửi lên. Mau đọc đi.
Hai người cúi xuống khiêng đá. Hồng Ánh dúi lá thư vào tay người lính. Cô bưng những hòn đá nhỏ, còn anh lính lom khom đọc lá thư được tảng đá che khuất. Anh không giấu nổi xúc động. Thư do người bạn gái anh viết giùm cho mẹ. Năm năm rồi cô ấy vẫn chờ anh và chăm sóc mẹ anh. Mắt anh rưng rưng. Anh không ngờ một cô gái lạ như Hồng Ánh mà lại giúp anh một việc khó như thế này. Và anh muốn nói với cô rằng cô là ân nhân của anh.
Nếu không có liều thuốc gây sốt hôm nọ thì anh phải hành quân và chắc sẽ tử trận. Lần hành quân trấn giữ đồi Chó Đẻ đó, trung đội anh chỉ có bốn người trở về.
Hồng Ánh thoải mái nói chuyện, bởi cô biết ở tình huống này, giỏi lắm bọn mật vụ chỉ chụp hình lén, còn việc cài máy ghi âm thì chúng không sao lường trước.
Anh lính kêu:
- Cô ơi, tôi trốn về dưới thôi.
Hồng Ánh vừa thở vừa nói:
- Mà anh cho em biết tên anh cái đã.
- Tôi tên Kháng. Trần Văn Kháng.
- Làm sao mà trốn được. Ở dưới đó cũng bắt anh. Không lẽ anh chui xuống hầm bí mật hết năm này sang tháng khác sao? Chạy đâu cho khỏi nắng.
- Ừ thì, nếu bức quá, tôi nhảy núi. Cứ như vầy, không nay thì mai cũng phơi xác cho quạ rỉa, bỏ lại...
- Anh nói là nhảy núi?
- Chớ sao. Mấy thằng bạn tôi trốn quân dịch, lần lượt nhảy núi hết trơn.
- Vậy là anh muốn nhảy núi lắm rồi. Nói với em, anh không sợ sao?
- Trời, với cô thì tôi đâu có sợ. Tôi nói luôn cho cô biết, có mấy ai ham cầm súng kiểu vầy...
Thấy đôi mắt Kháng đỏ ngầu, và hình như giọng anh đã trở nên giận dữ, Hồng Ánh liền nhắc:
- Anh nên nhớ, em không thấy nhưng chắc có người mắt đang theo dõi anh em mình đó nghe.
Nghe vậy, Kháng hạ giọng nhưng không nén nổi sự ấm ức:
- Mười thằng lính thì bảy, tám thằng đã trốn chui trốn nhủi bao nhiêu năm mà vẫn không thoát khỏi vòng kim cô quân địch. Rồi cầm súng như cái xác vô hồn, không biết mình bắn giết ai. Tôi không biết ai là cộng sản, ai là Việt cộng, chỉ thấy bà con mình chết như rạ mà thôi...
Mồ hôi ướt mặt Kháng. Bưng một hòn đá nhỏ mà anh cứ thở hổn hển như đuối sức.
Nghỉ một lát để thở và lau mồ hôi, Hồng Ánh bỗng dưng trở nên thư thả. Cô hạ giọng:
- Nhảy núi thì cần gì phải về dưới. Ở trên này là rừng, là núi, không có chỗ cho anh nhảy sao?
Anh lính đâm ra bối rối, chưa biết nói gì. Hồi lâu, anh buông xuôi một câu:
- Tôi có biết đường đâu mà nhảy.
Hồng Ánh cười:
- Vậy mà có người biết đó.
Anh lính ngạc nhiên:
- Ai vậy?
Hồng Ánh nheo mắt, cười:
- Đố anh.
Từ chỗ đống đá hộc này, anh lính biệt động tên Trần Văn Kháng trở thành cơ sở cách mạng.
Hồng Ánh thầm phục và cảm ơn ông Cửu. Chính ông Cửu đã cho người cầm thư của Kháng về tận Phú Yên, gặp mẹ anh... Ông dặn phải tranh thủ cho được Kháng. Và khi anh là cơ sở thì lập tức chuyển sang một đầu mối chỉ đạo khác, cách ly hẳn Hồng Ánh. Phải bảo vệ vị trí đứng chân của Hồng Ánh tại bar Sơn Cước...
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc