Từ sông Krông Bông (kỳ 12)
Hồng Ánh để ý quan sát, thấy tình hình ở quán sáng nay không có dấu hiệu khác thường nào. Đến chín giờ, khách tới ăn sáng thưa dần. Một đứa bé gái chừng mười một, mười hai tuổi đến thẳng quầy mua một bao capstan. Hồng Ánh quen mặt nó. Lâu lâu, nó theo một thiếu úy đến quán. Viên thiếu úy uống cà phê. Còn con bé, Hồng Ánh chưa bao giờ thấy nó uống một thứ gì. Hình như nó chỉ đi theo chơi.
Hồng Ánh để bao thuốc xuống mặt quầy, trước mặt con bé. Nó hình như không để ý tới bao thuốc. Trong quầy chỉ có hai người. Con bé nhìn thẳng vào mắt Hồng Ánh, tay phải đưa hai tờ bạc xếp thẳng thóm. Nó nắm bàn tay Hồng Ánh đưa ra nhận tiền và nó dùng ngón tay trỏ bấm hai lần thật mạnh vào mu bàn tay Hồng Ánh. Cùng lúc, nó nhìn như xoáy vào mắt cô, gật nhẹ đầu một cái. Rồi nó cầm bao thuốc đi, không nói một tiếng nào. Hồng Ánh hơi ngỡ ngàng trước cử chỉ của con bé. Nhìn xuống tay, cô thấy ngay một mảnh giấy trắng nằm giữa hai tờ bạc. Cô có cảm giác như có một dòng điện nhẹ chạy khắp thân thể, đầy lo âu, mặc dù trên mảnh giấy không có một chữ viết hay ký hiệu lạ. Một lúc sau, cô kêu lên với người nấu bếp: “Sao mặt em tự nhiên lại ngứa rần rần, chị vo gạo chưa, cho em xin chén nước gạo để rửa”. Đến lúc ấy, người đầu bếp mới lấy gạo đi vo.
Hồng Ánh bưng chén nước gạo vô nhà tắm sát bếp. Cô để chén nước gạo trong chậu nhựa và nhúng ngay tờ giấy vào chén. Ngay sau lưng cô là cánh cửa không khép, vắng người qua lại. Cô nhanh tay phơi tờ giấy lên một chiếc giỏ nhựa để ở góc buồng tắm, rồi cắm cúi rửa mặt trong tâm trạng chờ đợi, lo âu. Rửa xong, cô quay người lại, đứng ngay giữa cửa buồng tắm, vừa cầm chiếc gương tròn to soi mặt, vừa ca cẩm với người nấu bếp: “Không khéo mặt em nổi mụn lên mất”. Người nấu bếp lại cười: “Ừa, thì mụn cứ nổi lên để mấy cô bớt hấp dẫn một chút cho thiên hạ chờ. Còn cô nào cũng cứ đẹp phây phây thì không sớm thì muộn, mấy ông sĩ quan cũng biến cái quán bar này thành bãi chiến trường. Nhớ cái đêm ở vũ trường hồi đầu tháng, may mà trái lựu đạn đó thúi, chớ không thì không biết kiếm ở đâu đủ hòm mà chôn...”. Hồng Ánh cắt ngang: “Chiều nay vo gạo, chị nhớ đổ ít nước, lấy cho em chén nước gạo đặc biệt. Em rửa một lần nữa, chắc đỡ ngứa”. Người đầu bếp nói to lên: “Hứ, người ta rửa bằng nước gạo để da mịn màng. Chớ đứa nào bày mày rửa nước gạo trị ngứa?” Hồng Ánh cười và người đầu bếp cũng không nói gì nữa.
Hồng Ánh cầm trên tay mảnh giấy đã ráo nước. mấy dòng chữ ngắn ngủi rõ dần trên giấy khiến cô vừa sửng sốt, vừa bàng hoàng đến xây xẩm mặt mày. Nét chữ của Kỳ: “Gửi chị Sáu. Không hiểu vì sao trong hộc bàn tại nhà riêng của thiếu tá Ba Hưng lại có tấm hình chụp anh Quang đang ăn trong tiệm. Chị biết, thận trọng. Kỳ”. Tim cô thắt lại, đau buốt trong ngực. Trong chốc lát, cô thấy mình đã mất bình tĩnh. Sau khi vò nát mảnh giấy trong nước rửa mặt, cô bước ra bếp, lấy mấy cục đá trong tủ lạnh, chườm lên trán, lên mặt một hồi lâu, hy vọng cái lạnh sẽ giúp mình dần trấn tĩnh lại. Liền đó, có tiếng gọi báo khách tới. Một cô trên quầy xuống, nói: “Bốn ông sĩ quan”. Hồng Ánh vừa chải đầu xong, cô hít một hơi thật mạnh với ý tự nhủ rằng bây giờ là lúc phải có lại sắc mặt thường ngày.
Bốn sĩ quan bộ binh, cấp úy, Hồng Ánh mời họ chọn bàn ngồi. Họ bảo đã chọn ngồi trên bốn chiếc ghế cao quầy bar, đối diện với Hồng Ánh. Không ngờ, đây là những vị khách vui tính.
Cả bốn viên sĩ quan hô hoán ồn ào và ép Hồng Ánh uống mỗi ly một hớp. Rượu mạnh vào, mặt Hồng Ánh đỏ bừng bừng. Đến nỗi viên đại úy kêu lên: “Có một mặt trời mọc trong quán bar”.
Bà chủ đến quầy bar, kêu lên:
- Con Oanh đâu rồi, lên quầy đi. Cô Hồng Ánh này thì vô giường mà nằm. Mấy thầy ép làm chi để mặt nó như trái gấc.
Hồng Ánh xây xẩm mặt mày, rời khỏi quầy. Chưa hết ly rượu, hai sĩ quan gục mặt xuống quầy bar, chắc đã ngủ.
Hồng Ánh nằm trên chiếc ghế bố trong buồng xép, nghiêng mặt vào vách tường. Thực ra, cô chỉ hớp ở mỗi ly vài giọt rượu, nên vẫn tỉnh táo. Mặt cô đỏ lên, thế mà hay, bởi nó che khuất nỗi lo âu trong lòng cô được hiện lên nét mặt, đôi mắt. Vì vậy, không một ai để ý. Giờ đây, khi úp mặt vô bức tường, bao ý nghĩ xót đau dồn dập trong đầu cô. “Sao lại có tấm hình của Quang trong hộc bàn của thiếu tá Ba Hưng? Mình đã được nghe vắn tắt về con người này, chỉ chưa có lần giáp mặt. Y là một sĩ quan tình báo, phụ trách đại đội viễn thám sư hai mươi ba, chuyên dùng trực thăng đổ bộ do thám mật khu ba tỉnh cao nguyên. Quang có liên hệ gì với con người này? Còn đứa bé là ai? Nó chỉ ra hiệu, chuyển lá thơ, không nói một tiếng nào? Chắc nó là liên lạc rồi, bởi nét chữ đó chính xác là của Kỳ, không thể ai bắt chước. Bây giờ phải làm sao đây? Kỳ đang bị săn lùng, không biết đang ẩn náu ở đâu? Anh Quang ơi, em khổ lắm. Kỳ dặn phải thận trọng. Nghĩa là sao? - Đến đây, Hồng Ánh nằm vật cả người ra, hai tay, hai chân duỗi thẳng, rã rời. Cô kêu lên trong đầu “- Ai đã bóp nát trái tim của mình như thế này?”. Mồ hôi vã ra trên trán từng mảng. Rồi cô thiếp đi.
Xế chiều. Quầy vắng khách. Mấy cô bạn rủ Hồng Ánh đi ăn bún riêu ở cái quán gần đó. Cô bảo đầu óc còn xây xẩm vì rượu, nên chưa muốn ăn. Khi mấy cô bạn trở về, lúc sau Hồng Ánh lửng thửng ra khỏi quầy.
Từ cửa lớn quán bar, Hồng Ánh đi thẳng đến ngã tư kề chợ có cây gạo già cao to mút mắt. Tháng ba Buôn Ma Thuột nắng gắt, bụi bặm. Chắc vì vậy, ngã tư kề chợ rất vắng người lúc trưa. Một xe bán bánh bao đậu bên gốc cây gạo, ép sát lề đường. Trên vỉa hè, có một xe nước mía cũ mèm với năm sáu cái ghế nhựa thấp tè, không thấy chiếc bàn nào cả.
Hồng Ánh đi về phía cây gạo. Người bán bánh xếp lại bánh bao trong cái ô kính phía trên mặt xe, phía bên tay trái là chiếc nồi màu trắng. Người bán bánh mời cô mua bánh. Hồng Ánh ngẩng mặt lên và không giấu nổi sự bất ngờ, mừng rỡ, cô muốn thốt lên một tiếng kêu nhưng cô liền nén lại. Đó là người anh ruột của Kỳ. Anh mới bốn mươi tuổi mà già như người ngoài năm mươi. Mắt trái anh bị hỏng, lõm sâu vào trong. Đầu anh đội chiếc mũ vải màu đen, hình trái dưa. Không hiểu do đâu mà răng anh ta rụng gần hết, chỉ còn vài chiếc đung đưa ở hàm dưới. Nhìn nét mặt, nghe giọng nói, Hồng Ánh biết anh rất mừng khi gặp cô. Anh mời cô mua bánh bằng những lời dõng dạc, rất dẻo miệng. Hồng Ánh nhận biết ngay bây giờ không còn là chuyện bánh trái nữa. Anh mở nắp chiếc hộp nhôm nghi ngút hơi, kẹp ra một chiếc bánh bao. Anh để một miếng giấy nhỏ lên mặt chiếc dĩa nhựa đỏ rồi đặt chiếc bánh bao lên trên. Liền đó anh dẻo miệng mời cô ngồi ghế bên xe nước mía giữa vỉa hè. Anh nói rằng giữa trưa nắng đổ lửa như hôm nay, không chỗ nào mát mẻ bằng ngồi dưới bóng cây gạo này. Hồng Ánh nghe lời anh. Còn anh thì rất muốn ngồi gần để nói chuyện với cô nhưng thấy không tiện, đành kéo chiếc ghế nhựa thấp tè, ngồi sát bức tường, cách cô chừng hai mét. Bóng cái nhà ba tầng phía tây che mát khu vực cây gạo. Lâu lâu mới có người qua lại. Bà chủ xe nước mía nằm trên ghế bố phía trong cửa, nằm ngửa mặt ngủ tự lúc nào.
Tiếng họ nói chỉ vừa đủ nghe. Hồng Ánh làm ra vẻ chăm chú ăn bánh bao nhưng đầu óc cô lắng nghe từng tiếng của anh liên lạc. Cô ăn nhỏ nhẻ, để chờ nghe hết chuyện.
- Em đã nhận tin thằng Kỳ báo về chuyện tấm hình chưa?
- Dạ, nhận rồi, mới trưa nay thôi.
- Anh cũng nóng ruột lắm. Mấy lần đẩy xe bánh qua cổng quán Sơn Cước, cũng rao to ai mua bánh bao không, mà đâu có thấy em. Ừ, chắc tại tụi mình đâu đã giao hẹn liên lạc theo cách đó. Bây giờ gặp em, anh mừng lắm. Thằng Kỳ nhờ anh nói cho em biết vì sao nó lấy được tấm hình đó. Bất ngờ, khó hiểu quá. Tấm hình chụp thằng bạn nó đang công tác ở cứ, thế mà lại ngồi ăn phở, ăn bún chi đó ngoài phố này. Thằng Kỳ đâu có đưa anh coi tấm hình. Nó không tin anh nó, tệ hết chỗ nói.
Rồi anh thuật lại câu chuyện vô tình thấy tấm hình của Quang mà Kỳ đã kể anh nghe lúc hai anh em nằm dưới hầm bí mật bên kia suối Bà Hoàng.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc