Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (Kỳ 31)

11:19, 28/03/2014

Hà nằm trên võng, lan man nghĩ đủ điều. Rồi nhớ đến anh Mẹo. Để chia tay anh, mờ sáng anh Mẹo đã xách về một xâu cá lóc, rồi không biết anh xoay ở đâu một ít bánh gạo gói trong lá chuối. Bữa mì Quảng thật ngon, mặc dù một chút muối còn lại trong cái hộp của Hồng Thắm tặng không đủ để nồi cá vừa miệng ăn. Hà biết anh Mẹo đã có triệu chứng bệnh phù thũng. Còn Hồng Thắm, cô ấy đã yên nghỉ, cô ấy đã hoàn thành nhiệm vụ. Phương án bố phòng toàn xã đâu vào đấy. Hà nhớ lại cái đêm anh em đội công tác tỉnh, mấy du kích xã bị pháo nên kẹt ở dinh điền cũ, bên kia sông đến tối mịt. Đêm ấy trời mưa lớn. Chờ pháo ngớt mới lên khỏi hầm để qua sông. Hồng Thắm chần chừ, nói  để cô qua sau cùng. Lâm nói nhỏ với Hà: “Nó đang bị... chuyện con gái”. Nghe vậy, Hà rùng mình. Anh biết đàn bà, con gái lúc có kinh nguyệt, họ rất ngại tiếp xúc với nước lạnh. Vậy mà giờ đây, trước mặt họ, quất đèn pin thấy nước sông cuồn cuộn. Qua tới bên bờ kia, chắc phải năm mươi mét. Dù sao, có muốn hay không, Hồng Thắm cũng phải lấy tấm ni lông gói ba cái ba lô rồi xuống nước, xuôi dòng xéo xéo sang bờ. Mấy anh du kích ai về nhà nấy, anh em đội công tác ngủ tại nhà anh Cảnh. Võng treo bên trong, bên ngoài nhà. Hà thức giấc lúc nửa đêm, vẫn thấy Lâm và Hồng Thắm ngồi bên đống lửa bên nhà. Hai cô đang hong tóc sát lửa. Hà mới sực hiểu ra rằng, trong chiến tranh, mấy anh con trai đơn giản, gọn nhẹ, còn mấy cô con gái, có quá nhiều trắc trở, gian nan. Anh chỉ cần thay quần áo rồi ném mình lên võng ngủ. Thức dậy sau một giấc dài, vẫn thấy các cô ngồi bên lửa bởi tóc chưa khô. Thương quá là thương.

Hà nghĩ đến nhiệm vụ chính của mình. Ban giao anh đứng ra lo xây dựng trường nội trú tỉnh. Bộ phận giáo dục họp mấy lần, bàn đi tính lại, đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chủ trương thì ai cũng thông suốt, chỉ có cái cụ thể, bàn tới đâu, vướng mắc tới đó. Mục tiêu là nuôi dạy các em có một trình độ nhất định để về dạy lớp một, lớp hai ở các buôn làng. Hiện tại, các em bé vùng giải phóng chưa có lớp học. Không thể để kéo dài tình trạng này lâu hơn nữa. Đang thời chiến, dù có làm theo kiểu du kích đi nữa, trước hết trường cũng phải có bộ khung. Rồi tính toán đội ngũ giảng dạy. Tài liệu sách giáo khoa ở đâu? Tuyển đầu vào, nên lấy các em học sinh có trình độ từ lớp mấy? Không lẽ lấy các em chưa biết chữ? Nếu lấy các em từ lớp năm thì trong các buôn Êđê, M’nông, tìm đâu cho được? Càng bàn, càng thấy rối bời. Cuối cùng, đành phải tạm nhất trí làm thử mẻ đầu tiên. Gọi các em có trình độ lớp năm đến. Bước đầu, làm nhà, phát rẫy cái đã. Cùng lúc đó, bộ phận giáo dục lo bộ khung, chạy sách giáo khoa và soạn thảo chương trình.

Anh Hồ Thược, người Hải Phòng, một giáo viên toán cấp hai lâu năm, được ban phân công phụ trách bộ phận giáo dục. Anh kết luận bằng một giọng đầy cảm xúc:

- Đào tạo thầy cô giáo theo kiểu cách này thì chắc đây là trường hợp độc nhất trên thế giới. Ừ, nay chỉ có Việt Nam chơi nhau với thằng Mỹ, thì anh em thầy giáo ta chơi với thằng Mỹ bằng cách của ta. Cứ mày mò lâu, trật đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Mục tiêu của ta là phục vụ yêu cầu trước mắt của địa phương. Mấy đứa nắm thật chắc chương trình lớp năm, lên lớp sáu, lớp bảy, về dạy lớp một, lớp hai là ngon rồi. Mấy cậu chẳng nghe người ta nói cơm chấm cơm là gì. Tức là người biết chữ bày vẽ cho người mù chữ. Mong trình độ cao hơn, chờ ngày thằng Mỹ cút xéo hẵng lo. Bây giờ ta xắn tay áo lên, xáp vô làm theo kiểu của ta đi đã.

Đến đây, anh Thược quay mặt ra phía sau, hắt xì hơi mấy lần. Khi quay lại, anh hạ giọng nói tiếp, chậm rãi như vừa nghĩ vừa nói:

- Cái cụ thể thì tớ nêu ra như thế này để anh em ta bàn. Khung trường, cậu Hà phụ trách, với cậu Bá. Mới đầu chỉ có hai người thôi. Hai cậu xuống huyện, tuyển học trò. Lấy mấy đứa lớp năm. Ừ, đứa nào lớp bốn, cũng cứ vét lên đây. Hòm hòm mấy đứa, tổ chức phát rẫy, làm nhà, gây dựng cơ sở. Nghĩa là có làm trời, làm đất gì đi nữa, cũng phải có thực mới vực được đạo, có an cư mới lạc nghiệp. Đừng tưởng dễ nhé.

Thầy dạy ta không lo. Có lực lượng để dạy một lớp. Thầy Hà Ngọc Đào, sinh hóa đại học tổng hợp Hà Nội. Thầy Nguyễn Phúc Tuần, toán lý đại học Vinh. Thầy Lê Thi, lịch sử đại học Việt Bắc. Cô Nguyễn Thị Kim Quy, khoa văn đại học sư phạm Hà Nội. Một loạt giáo viên toán cấp hai. Hà Bắc gửi vô thầy Nguyễn Văn Huyên, Nghệ An gửi vô cô Nguyễn Thị Phương, Hải Phòng gửi vô thầy Hoàng Đức Hiển... Toàn các bậc anh hùng hảo hán vượt Trường Sơn vô đây, không lẽ không dìu dắt được các cháu bé. Nhé, đội ngũ như vậy là êm. Cái món hóc búa nhất là chương trình, tài liệu giáo khoa. Chương trình thì anh em ta nhớ, soạn ra được. Tớ cày mấy môn toán, lý, hóa cấp hai suốt bảy tám năm, khung chương trình do Bộ giáo dục ban hành, tớ làu làu. Cô Kim Quy phát biểu xem xử sự với bộ môn văn như thế nào? Dựa vô cái gì để dạy văn? Cô có nhớ từng câu, từng chữ của bài văn hay không? Thơ thì cô nhớ, còn các bài văn xuôi cô có nhớ không? Tôi thì xin cờ trắng đầu hàng. Mấy cụ nhà văn nói mất ăn, mất ngủ để cân nhắc từng con chữ, giờ ta nhớ sai thì coi như làm hại tác phẩm của các cụ ấy. Còn cái món ngữ pháp chết tiệt, rối rắm bỏ bố. Ngôn ngữ đã có từ thời ăn lông ở lỗ, đồng bào ta nói viết làu làu, có trắc trở gì đâu. Vậy mà khi mấy nhà ngôn ngữ học phân tích, thì trời ơi, ai nghe cũng tối tăm mặt mũi. Chỉ tại các bậc thông thái ấy, ai cũng bảo chỉ có lý thuyết trường phái mình là chân lý, cãi nhau hết giấy mực, làm cho ngôn ngữ trở nên phức tạp, rối tù mù, không biết theo ai. Cô Quy, cô phát biểu đi chớ.

Rõ ràng công việc bời bời. Bàn bạc, tranh luận lúc họp, lúc ăn cơm và cả lúc nằm trên võng tối mò mò. Rồi cuối cùng, chuyện cũng ra ngô, ra khoai. Cùng một lúc, chiêu sinh, làm nhà, làm rẫy, soạn chương trình và, nếu bí quá thì cử người sang Gia Lai, ra Ban giáo dục khu Năm xin tài liệu giảng dạy - bấy nhiêu việc thôi mà chua cay lắm lắm.

Một lần, tan cuộc họp, anh Thược càm ràm với chị Phương: 

- Hồi ở trạm làng Ho, đem đốt quyển sách tập làm văn lớp bảy, tiếc quá.

Giọng chị Phương cũng thật buồn:

- Thì biết làm như thế nào được. Chín mười giờ đêm, mưa rừng tầm tã, nhóm bếp cả tiếng đồng hồ lửa không cháy. Thì nhóm đã nhất trí hy sinh quyển tập làm văn đó, làm mồi nhóm lửa cứu đói mà. Tôi nhớ bữa đó anh em mình đến lúc nửa đêm, mới ăn cơm tối, rồi lục đục nấu cơm vắt cho ba bữa ngày hôm sau. Chưa kịp đặt lưng xuống, giao liên đã réo phải hành quân gấp. Mình hỏi thì hắn nói, ở thời buổi chiến tranh, không có ranh giới giữa ngày và đêm. Có muốn sống thì nhanh chân rời khỏi tọa độ này. Cục tình báo mới điện khẩn vô, bọn B52 sắp đổ “ mưa rào” xuống trạm làng  Ho. Lúc đó, không có chén cơm lót dạ thì anh em mình sức đâu mà vượt qua tọa độ “mưa rào”. Sự hy sinh của quyển tập làm văn cũng thật đáng giá.

Anh Thược gãi tai, nói một điều ai cũng bất ngờ :

- Bên tỉnh ủy đã có chỉ thị cánh ta lo mở lớp, mở trường dạy bổ túc văn hóa cho anh em cán bộ. Nhiều cán bộ xã buôn, cả ở đội công tác nữa, còn mù chữ. Cán bộ mù chữ thì làm sao tuyên truyền đến nơi đến chốn các chủ trương chính sách của Đảng xuống tận thôn buôn. Rồi lại dạy mấy người tóc bạc tập đánh vần đây.

Chị Phương cười lớn :

- Mấy cha đó ngồi chưa nóng chỗ đã xin về địa bàn công tác. Cha nào cũng rên, học cái chữ khó hơn đánh thằng Mỹ, cho mình về ớ.

Hà cùng anh cán bộ huyện có mật danh là H5, lặn lội suốt tuần mới lấy được danh sách ba em người Kinh và hai em người Êđê có trình độ lớp bốn. Chỉ ngại một nỗi, không biết hai gia đình Êđê có chịu để con gái mình đi học xa nhà không ? Đợi chắc cả tháng may lắm mới có học sinh các huyện về.

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài 


Ý kiến bạn đọc