Từ sông Krông Bông (Kỳ 32)
Nhóm khai trương tay lưới ba về cơ quan khi mặt trời đã lên cao. Tuy vậy, nhà cơ quan ở dưới tán rừng già nên còn mờ tối. Chỉ mỗi mình ông Tâm dậy sớm pha trà, ngồi uống một mình với vẻ mặt trầm ngâm. Lâu lâu, ông rút chiếc khăn lông màu cháo lòng đang vắt trên vai, giơ lên đập đập phía sau lưng để đuổi muỗi.
Nguyệt bước vô bếp. Cô vừa tới sau lưng ông Tâm, ông hỏi:
- Có được cá mắm gì không?
Nguyệt để cái bao cát đựng cá xuống bên ông Tâm:
- Dạ, chắc cũng đến chục kí. Có hai ba con cá phá ngon lắm.
Ông Tâm tặc lưỡi hỏi:
- Ừ, thứ cá bơi dưới suối như tàu bay phản lực. Ở đây đồng bào gọi là cá phá, không biết ở ngoài Bắc, ở đồng bằng, người ta gọi là cá gì?
Nguyệt cười:
- Dạ cháu cũng không biết nữa. Nhưng thấy nó bơi dưới suối ngó bộ hùng dũng quá, đẹp quá. Nguyệt đặt chiếc ga men sát bếp lửa đang luộc lại nồi bắp tươi, nói: Cháo cá đây chú, để cháu hâm lại cho nóng.
Ông Tâm ngồi trầm ngâm, không hề nhúc nhích. Hồi lâu ông mới nói:
- Ừ, múc để đấy cho chú một chén, còn bao nhiêu, xách hết cho mẹ con con Hơ Nhai. Hai mẹ con nó sốt trùm mền từ xẩm tối hôm qua đến giờ. Chút nữa, cháu tính sao đó với con Hơ Drai, làm mấy món cá cho ngon, ăn một bữa đậm miệng rồi mỗi người đi một nẻo. Không bày chỉ cho nó, cứ chặt to kho mặn miết, mất ngon.
Nguyệt hỏi đầy vẻ ngạc nhiên:
- Mỗi người đi một nẻo là sao, chú?
- Thì đi công tác chớ đi đâu.
Giọng Nguyệt vồn vã:
- Có lệnh đi tiền phương hả chú?
Ông Tâm Không trả lời câu hỏi của Nguyệt. Một lần nữa ông tặc lưỡi, thở ra:
- Kiểu này thì chết đói cả xóm.
Nguyệt đoán biết chắc có chủ trương công tác mới - Cô không hỏi tiếp, có ý chờ ông Tâm và cô tin chắc thế nào ông Tâm cũng nói. Nguyệt ngồi bên bếp than đỏ rực bởi mấy súc gỗ to bằng bắp chân cháy rất đượm. Nguyệt không phải đợi lâu, ông Tâm đưa một tay đấm đấm sau lưng mấy lần, rồi chậm rãi nói:
- Thường vụ điều quân kiểu nớ thì chết đói nhăn răng - Ông Tâm nói - Tháng tư, tháng năm, phải tập trung trồng lúa, lại bảo tổng động viên cán bộ đi công tác. Đi xuống tất cả các địa bàn huyện. Tiền phương, hậu phương đều phải có mặt cán bộ. Thì để lo phong trào, để phát động quần chúng. Cấp tụi mình chỉ biết đại khái đến đó. Còn tỉ mỉ ra sao, ai phổ biến cho mình. Nghe nói trên quy định mức độ phổ biến nội dung nghị quyết nông, sâu tới đâu cho mỗi đối tượng khác nhau. Mấy ổng sợ tụi mình để lộ nên mới phổ biến chung chung năm câu ba sợi như vậy. Không nghe, tao cũng biết, cuối cùng, thế nào mấy ổng cũng nói :“ Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Uống một hớp trà, ông nói tiếp:
- Tối hôm qua, lãnh đạo cơ quan họp tới gà gáy. Cơ quan chỉ để lại người già, người bệnh, trẻ con. Còn bao nhiêu, bất kể đàn ông đàn bà, đều mang ba lô trên vai. Ban tuyên huấn mình moi đâu đủ người để rải các huyện. Cháu đi sau, chừng nào có lệnh. Đi với bộ phận cơ bản, ra phía trước. Chú cũng không rõ bộ phận cơ bản nó như thế nào, chỉ nghe phổ biến vậy. Đi xa nhất là anh phó ban, ban Tuyên huấn Khu triệu tập. Học trò trường nội trú đã tập trung sáu bảy đứa. Lấy thằng con trai lớn nhất, mười bảy tuổi, đi cùng anh phó ban. Nó đi theo ảnh, nếu xin được tài liệu, sách giáo khoa cho trường thì nó cõng về. Chua thấy mụ nội. Trời đất phù hộ, đi xuôi, về thuận, sau một tháng mà mang cái mạng về lại được cơ quan là mừng rồi. Còn nếu có trắc trở, thì dẹp ba cái chuyện sách giáo khoa lại, cầu nghe tin tức người ta còn sống thì làm mâm cơm cúng tạ trời đất.
Ông Tâm đứng dậy, quay lưng để bước ra phía trước nhà. Trước khi đi, ông càm ràm:
- Đi hết, ai giữ năm sáu cái rẫy? Không lẽ một người cùng một lúc giữ hai cái. Đâu có được. Một người một rẫy còn mửa mật với lũ heo rừng, lũ khỉ. Cầm chắc cái đói trong tay. Ông bỗng quay lại nói với Nguyệt: Nắm dây võng, gọi con Hơ Drai dậy. Chị em xúm lo bếp núc đi. Tình hình này dễ có nhiều lệnh bất tử lắm. Mấy cô biết quá còn gì. Nửa đêm, lôi đầu dậy, nói hành quân khẩn cấp. Mới đầu tháng chạp đã hạ lệnh ăn tết nguyên đán. Một năm, ăn không biết mấy lần tết nguyên đán. Ăn sớm ở cơ quan. Dọc đường, ăn với trạm giao liên. Tới tiền phương, lại ăn tết với ban này, ngành nọ. Cuối tháng giêng năm ngoái, tui ghé ban dân vận thăm ông bạn già. Thấy mâm cỗ linh đình, tui hỏi sự kiện gì, thì ông bạn già cười bảo ăn tết nguyên đán. Lão còn hăng hái giải thích: “Người bên tui có mấy mống, đang ăn tết chia nhau bám ấp, bám đồn điền, may mà quay về, anh nào cũng còn cái chỗ đội nón. Vậy thì tội gì mà không ăn tết. Ăn tết vào lúc nào đều do con người thỏa thuận quy định với nhau, rồi thành lệ. Ông cứ quan trọng hóa vấn đề”. Úi trời, cái lão quỷ đó, càng về già, càng lắm lý sự.
Nguyệt bước tới, định kéo ông Tâm trở lại, vì ông chưa ăn tô cháo. Cùng lúc đó, tới năm bảy người từ các cụm nhà tranh nhỏ đến hỏi ông Tâm quanh chuyện lương thực mang theo cho chuyến công tác ngày mai. Rộn ràng giọng nam, giọng nữ.
- Chú ơi, mang gạo hay bắp giã?
- Khoai lang khô à?
- Chớ ai nói ra phía trước có ban kinh tế cấp gạo?
- Đứa nào nói bá láp. Mình hỏi gạo, mấy cha kinh tài chỉ gạo ở trong ấp vùng ven, vô đó mà xúc. Hỏi xin chi viện súng đạn, mấy cha tỉnh đội mở bản đồ ra, bảo vô cái đồn này mà tước súng của bọn bảo an. Như rứa, gạo nước, súng ống lúc mô cũng có sẵn, lo gì.
Nắng đã xuyên xuống cánh rừng. Có ai đó nói nhỏ: “Hình như có tiếng máy bay?”. Chưa một ai kịp trả lời thì đã nghe hàng loạt tiếng kêu của mấy anh em đứng lưng chừng dốc phía trước cơ quan.
- Một thằng L.19.
- Mẹ ơi, tới hai chiếc phản lực.
- Rồi, nó thả bom. Bom bi. Bom con từ bụng bom mẹ túa ra đầy trời.
- Nằm xuống!
Trong chốc lát, cánh rừng rung chuyển bởi tiếng máy bay, tiếng bom. Rồi liền đó, từ bụng chiếc C130 bay rất thấp theo sau hai chiếc phản lực, chất độc hóa học màu trắng đục phun kín khắp trời.
Một người nói to:
- Lần này nó rải thuốc nước.
Nét mặt ông Tâm sững sờ, tô cháo rớt xuống chân. Ông vừa khóc mếu máo vừa nói:
- Vậy là trắng tay. Đói to rồi.
Nguyệt đứng bên cạnh ông, rươm rướm nước mắt. Cô biết đây là tai họa lớn cho cơ quan, cho cả vùng hậu cứ. Biết bao gian khổ trần ai, biết bao công sức đổ ra bao ngày tháng, chỉ cần trong tích tắc đã trôi xuống sông, xuống biển, mùa màng trắng tay và cái đói đã ập tới ngay tự phút giây này.
Nước chất độc đáp xuống cánh rừng cơ quan, rơi xuống đất xuyên qua kẽ lá. Mùi tanh ói nồng. Một chị trong cơ quan đang có bầu, không dám ra khỏi nhà. Nhưng chất độc đã tràn ngấm đến mọi ngõ ngách, kể cả trong huyết quản mỗi người. Bầu trời hậu cứ vốn tươi mát, trong xanh, giờ đây là một bầu chất độc.
Hà bịt mũi bằng chiếc khăn mặt nhúng nước. Anh biết đó chỉ là phản ứng theo thói quen tự nhiên của mỗi người trước tình cảnh đang diễn ra, chứ không có lợi ích gì cả. Chất độc đã ứ trong phổi, chất độc phủ trên đầu, ngấm lên từ dưới bàn chân và không ai biết đến năm tháng nào nắng mưa mới xóa đi được dấu tích của nó. Chất độc ở dạng bột trắng, tùy theo gió yếu mạnh sẽ đưa nó đi gần hay xa. Còn chất độc dạng nước trắng đục như sương mù thì rớt xuống ở đâu, cứ nằm nguyên chỗ đó. Miếng rẫy bị chất độc dạng nước rải xuống, sau năm sáu tháng, khi đi ngang qua, mùi tanh ói vẫn còn bốc lên nồng nặc.
Một bầu không khí nặng nề, đầy lo âu trùm xuống cơ quan. Đói. Đói. Cái đó thì chắc chắn rồi. Bây giờ, dẫu có muốn hay không, tất cả mọi người, kể cả các cháu bé đang tượng hình trong bào thai hay người bệnh cao tuổi đang hấp hối trong bệnh xá dân y, đều thở bằng chất độc, ăn bằng chất độc và uống bằng chất độc. Đói kém đến mấy, rồi cũng qua. Nhưng cái gì sẽ còn lại? Nghĩ mà lạnh cả người.
Trong đầu Hà, mặc dầu đang ở tại cơ quan, nhưng tâm trí anh hình dung rất rõ cảnh tang thương ngoài nương rẫy. Chất độc xuống, chỉ trong vài giây thôi, nhất định không tới năm giây, là khoai lang, các loại đậu, các loại rau héo trước, rồi đến lá sắn, lá lúa, lá bắp. Chất độc ngấm toàn thân mỗi loại cây. Sáng mai, rừng sẽ trút lá, mặt sông Krông Bông nghẹt thở dưới lớp lá vàng. Cây chuối lần lượt ngã. Chỉ một thứ duy nhất mà Hà ngạc nhiên trông thấy khi chúng rải chất độc lần trước, là chất độc làm cho dây bí đao càng thêm xanh mướt.
Mấy anh em theo ông Tâm ra rẫy Cây Sung. Từ sông lên, đứng bìa rẫy mắt nhìn khắp lượt. Mặt ai cũng buồn bã như đứng giữa đám tang. Lúa đang đòng đòng, rồi bị cháy khô. Bắp sắp trổ cờ, ngọn bị cháy sém. Bắp đang ngậm sữa, sữa sẽ khô nay mai, trái lép, đành chặt bỏ. Bắp đã khô trên cây, củ khoai, củ sắn dưới đất, lá bép, trái sung trên rừng, tất tất đều ngấm chất độc. Rồi cả trăm, cả ngàn người ở đây phải ăn, phải nhai các thứ đó, chất độc xông nồng lên tận óc. Phải ăn, bởi loài người từ thời ăn lông ở lỗ cho tới nay, chưa có ở đâu, vào thời kỳ lịch sử nào, có những người không ăn mà vẫn sống. Các thứ lương thực đó, còn phải xay, phải giã để mang ra tiền phương, nghe đồn chiến dịch năm nay mở sớm.
Hà đứng nhìn đám rẫy, nước mắt chảy dưới vành mũ tai bèo. Anh thấy thương anh em đồng đội, thương ông Tâm quá đỗi.
Nguyệt và Hơ Drai từ sông bước lên, đến sau lưng Hà. Cô nào cũng mang gùi. Anh biết họ ra rẫy hái rau. Ông Tâm đã dặn trưa nay ăn sớm để anh em nghỉ một chút. Một giờ chiều, lên đường, mỗi người một hướng.
Kế hoạch năm bảy ngày trước, Hà ở nhà, cùng với mấy đứa nhỏ trường nội trú, lợp xong cái nhà đủ cho năm bảy đứa ở, sau đó dọn miếng nà bên sông, ném hạt bắp ngắn ngày xuống lỗ trước cái đã, rồi mới tính phát rẫy lớn hơn. Giờ thì đã thay đổi, Hà cũng lên đường công tác - Tất cả đều cuốn ra tiền phương, mọi người quen gọi là đi phía trước.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc