Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (Kỳ 35)

08:54, 25/04/2014

Theo yêu cầu của tỉnh đội, thị ủy cử Quang đi công tác vài ba ngày. Thực ra, đây chính là yêu cầu của quân khu. Họ cần một người thông thạo địa hình và tình hình hoạt động của địch trong phạm vi dọc đường hai mươi mốt từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang, đoạn từ cây số mười lăm đến cây số năm mươi. Thị ủy cử Quang đi với họ, bởi anh đáp ứng được các yêu cầu họ nêu ra.

Dò dẫm cho hết vạt rừng dọc đường hai mươi mốt từ cây số mười lăm đến cây số năm mươi, tốn mất ba ngày. Ở cây số bốn mươi lăm, nhóm công tác thấy giao liên trạm T5 dẫn khách qua đường để sang trạm T45 bên phía cánh Bắc. Bốn giờ chiều ngày thứ ba, Quang dẫn nhóm về trú tại vị trí đội công tác của anh, vạt rừng phía nam đường, cách Buôn Ma Thuột tám cây số. Các chỗ ở khác của đội, bọn thám báo đã dò dẫm gần tới nơi, nên anh em đã thống nhất cần chuyển sang vị trí thứ ba. Anh em tổ trinh sát quân khu đã yêu cầu không gặp mặt anh em đội công tác và trước đó cũng đã yêu cầu không gặp mặt một ai trong cơ quan thị. Vì vậy tối nay, tổ trinh sát ngủ cách anh em đội công tác chừng năm sáu chục mét, rừng già mù mịt nên cả hai bên không hề thấy mặt nhau, cũng không hề nghe tiếng nói hay một tiếng động nào khác. Quang liên lạc với anh em đội công tác bằng ám hiệu ba tiếng nai bép. Hôm nay đội có bốn người. Đội phó và một người nữa vào địa bàn, đến mười hai  giờ đêm vẫn chưa về. Quang ngủ lại với hai anh còn lại. Mờ sáng, Quang quay lại với tổ trinh sát. Anh trinh sát tỉnh đội vui tính kêu đau bụng, xách quần đi đâu đó khá lâu. Mấy anh trinh sát quân khu vừa xếp xong tăng võng, đang đánh răng, rửa mặt tại con suối cạn, rộng chưa đến hai mét. Rồi bỗng nghe súng nổ ran. Bọn thám báo áp sát, tập kích bất ngờ. Đội công tác và tổ trinh sát nằm xuống tại chỗ, đánh trả. Họ bị một đại đội địch bao vây. Nhưng do rừng già, cây cối dày đặc trên mặt đất, bọn lính bảo an rải ra nhiều lúc cũng không thấy mặt nhau. Quang chỉ có thể chờ anh trinh sát tỉnh đội chừng vài giây, không thấy anh ta trở lại, đành xách bao đồ đạc khá nặng của anh ta, bò theo tổ trinh sát quân khu. Tiếng súng AK, AR15 nổ giòn. Tiếng đạn M79 nổ đùng như trái phá. Có khi lựu đạn bọn thám báo ném vướng nổ trên cây, mảnh phạt nhánh cây rớt xuống ào ào. Cánh rừng náo động trong sương mù. Chừng mười lăm phút sau, ngưng tiếng súng, và cánh rừng lại âm u như mọi buổi sáng lâu nay.

Nhóm trinh sát quân khu và Quang chạy ngược dòng suối rồi tạt qua phía nam. Họ chưa trấn tĩnh để đón xem đã vận động cách nơi bị đánh úp bao xa - họ ngồi thở dưới chân một ngọn đồi nhỏ. May sao không ai bị thương. Chỉ có một nỗi lo: Không biết anh trinh sát tỉnh đội trưởng có gặp rủi ro gì không? Anh ta có mang súng theo mà. Phán đoán đủ mọi tình huống, nhưng không tin chắc một kết luận nào. Họ thống nhất, chờ nắng to, sẽ quay lại dò tìm người bị lạc. Không dám nấu cơm, bởi bọn thám báo lẩn đâu đây rất dễ bắt mùi. Đành ăn lương khô, uống nước nguội. Việc quay lại nơi vừa mới đó là trận địa, bao giờ cũng rất căng thẳng với biết bao tình huống phải đề phòng. Bọn thám báo phục kích chờ. Không thì chúng gài mìn. Thậm chí chúng có thể lót lại một vài tên, xem xét tình hình rồi báo về bằng bộ đàm. Bọn chỉ huy ở quận Phước An quyết định xin máy bay oanh tạc hoặc cho pháo binh dập tơi bời.

Quang không hề biết được người khách trong  thị ra địa bàn cánh đông đêm nay là Thanh Xuân. Thường thường, nếu tối nào không có chương trình làm việc với cơ sở thì anh em đưa khách về tới nơi lúc tám, chín giờ tối. Lúc gần tối, cơ sở trong địa bàn mhận tin từ Phước An cho biết đại đội bảo an đã xuất quân theo hướng cánh rừng phía nam đồn cầu Mười Tám. Chờ đợi, nghe ngóng, đến ba giờ sáng, hai người đội công tác và Thanh Xuân mới rời khỏi nhà bà Tần. Đây là hai thành viên được bổ sung xuống địa bàn cánh Đông, họ chưa hề quen biết Thanh Xuân và cô giới thiệu để họ gọi cô là chị Sáu.

Không chờ khi bà Tần kêu lên, ngạc nhiên trước sự thay đổi của Thanh Xuân mà chính bản thân Thanh Xuân lần ra địa bàn hôm nay, cô cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mình so với hai năm trước. Giờ đây, Thanh Xuân thấy tự tin lạ. Cô phải bật ra khỏi nội thị do có một cơ sở phản bội. Không phải cơ sở trực tiếp của Thanh Xuân, mà là một cơ sở nào đó cô không rõ lắm. Nguy hiểm bủa vây tứ bề, nhưng Thanh Xuân nhiều lần đề bạt lên cấp chỉ huy, xin ở lại nội thị. Cô nói cô biết cách hoạt động trong tình huống đã bị lộ. Xa bà Mười, xa chị chủ quán có cái tên Thanh Lan rất đẹp, cô buồn lắm, thương lắm. Và cô cảm thấy có sự gắn bó máu thịt với họ. Cả Trần Văn Kháng nữa. Cô coi Kháng như một người anh. Không biết giờ đây anh ấy chèo chống như thế nào khi đã lọt vô bộ tổng tham mưu ngụy tại Sài Gòn? Làm sao hình dung hết được những tình huống ở phía trước. Dù sao, khi nhớ tới Kháng, Thanh Xuân cảm thấy vui vui trong lòng - Cô nghĩ như tự hỏi: “Có phải mình đã làm một việc có ích?”. Cô vừa đi vừa nghĩ tiếp: “Chờ tình hình lắng xuống một thời gian, rồi mình trở lại nội thị. Mình có cách mà. Với lại, chú Cửu bảo bây giờ phải lánh mặt cái đã, chờ xem tình hình diễn biến tới đâu, rồi sẽ tính tiếp. Không được phiêu lưu, mạo hiểm. Bà Mười ơi, con sẽ trở lại tìm cách cứu bà... Anh Quang ơi, em sắp về với anh đây. Sao anh không đi đón em? Em nhớ anh vô cùng. Hôm nay, chỉ một mình anh gác cho em tắm thôi”.

Nhóm ba người từ địa bàn về, khi bước vô bìa rừng, không hề biết mình đã lọt vô khu vực phục kích của bọn thám báo. Súng nổ. Một viên đạn xuyên qua ngực Thanh Xuân. Anh đội phó liền cõng Thanh Xuân, tìm đường thoát nạn. Bởi phía trước súng nổ dữ dội, nên họ đành chấp nhận quay lại phía sau, mặc dù họ rất biết vùng phía sau vừa mới đi qua, chỉ có rẫy trồng nối tiếp nhau. Quay lại chừng chục thước, qua con đường mòn nhỏ bọc bìa rừng, ba người ngập trong vạn cây con cao quá đầu.

Ngồi trong đám cây, đội phó Y Ví nói lưu loát không kém người Kinh:

-  Đội mình bị tập kích - Nhưng mình không thể về chi viện được bởi có cán bộ bị thương nặng. Bây giờ phải tìm chỗ núp...

Lúc ngớt tiếng súng, Y Ví chui ra ngoài cây, ngóng nhìn tình hình bên ngoài một đỗi. Khi quay lại, anh nói:

- Mình núp trong bụi này không xong rồi - Nó gần đường đi quá. Không biết bọn bảo an đến lúc nào mới thu quân, mình chưa biết chắc, không dám về. Ông trời thương mình, thả sương mù đục như gạo, mình phải nhanh đi tìm chỗ an toàn hơn. Để chậm, trời sáng, dân vệ đi tuần, rồi đồng bào đi làm rẫy, biết xoay xở sao được.

Nương rẫy đầu năm, lúa bắp mới lên cao nửa ống chân, thấy trống trải mênh mông, lạnh cả người. Đây đó, ngay trên các đám rẫy, nhô lên vạt cây non cao không quá đầu người.

Y Ví cõng Thanh Xuân chạy lúp xúp, khẩu AK quàng phía trước bụng. Anh dừng lại, nói với người đội viên đi sau:

- Anh trải tấm ni lông, tôi để cô cán bộ xuống, đề phòng máu dính xuống đường, sáng ra, bọn nó phát hiện. Rồi sau đó tôi cởi đôi dép... À, mà thôi, để cán bộ xuống. Anh chịu khó cúi xuống cởi dép tôi. Anh cũng cởi dép luôn. Mình đi chân đất như đồng bào, chớ để lại dấu dép thì nguy hiểm lắm. Mình tạt vô trốn trong đám cây giữa rừng, phía bên tay trái kia kìa. À, anh nhớ bẻ một nhành lá, quay lại xóa dấu chân mình đi trên đất rẫy. Như vậy mình bớt lo. Giàng ơi, hãy che chở anh em...

Tiếng súng trong rừng lúc rộ lên, lúc im bặt, rồi nghe lẻ tẻ từng phát, Y Ví phân biệt rõ đâu là tiếng AK, đâu là những tràng AR15, còn tiếng nổ của những quả M79 thì không lẫn với tiếng gì được. Hai anh em dùng dao găm dọn trong bụng vạt cây con, trải tấm ni lông cho Thanh Xuân nằm. Y Ví lấy chiếc bọc võng của mình, đắp cho cô. Từ trong thị ra, Thanh Xuân chỉ đội một chiếc mũ vải giống như nhiều nữ công nhân làm cỏ cà phê và tay xách chiếc giỏ nhựa đựng vài ba thứ lặt vặt, mua thêm mấy bánh gói bột gạo nói là cho sắp nhỏ.

Đến tận bây giờ, khi Thanh Xuân nằm ngay ngắn trên tấm ni lông màu xanh lá cây, hai anh em mới xem cô bị thương chỗ nào, bởi trước đó trong tình huống khẩn cấp, không ai còn tâm trí nào để làm chuyện đó. Y Ví cõng Thanh Xuân, thấy thân thể cô còn nóng rực, anh tin là cô còn sống, phải thoát khỏi vòng vây cái đã. Anh lấy hai cái võng nhét vô cái bao vải anh vẫn mua hàng ngày, cuộn lại làm gối cho Thanh Xuân. Anh cúi xuống gọi nhỏ: “Chị Sáu, chị Sáu” - Thanh Xuân hoàn toàn im lặng. Y Ví để ngón tay trái ngang qua mũi Thanh Xuân và anh biết cô vẫn thở đều, tuy nhịp thở có yếu đi. Và anh cảm thấy bất lực, bởi không biết chạy chữa vết thương của cô như thế nào. Không thuốc sát trùng, không bông, không băng gạc. Đạn trúng bên phải ngực Thanh Xuân, xuyên qua lưng. Phía trước, phía sau đẫm máu. Trong giây lát, Y Ví cảm thấy như có một dòng điện chạy khắp cơ thể anh, bởi đây là lần đầu tiên anh đưa tay cởi áo một cô gái lớn hơn anh chắc một hai tuổi. Đến giờ anh mới bàng hoàng nhận thấy đây là một cô gái đẹp, rất đẹp nữa là khác. Nắng lên cao. Hai thanh niên lần đầu tiên nhìn thấy hai mảnh coóc-xê màu trắng đục che bộ ngực căng đầy của người con gái, nó đang nâng lên, hạ xuống theo nhịp thở. Đạn xuyên qua dưới mép coóc-xê phía bên phải. Như vậy, phổi bị thương. Không trúng tim, đã may quá rồi. Y Ví nhìn người bạn trai, lắc đầu, ý muốn hỏi một câu tuyệt vọng: “Làm sao bây giờ?”. Anh kéo áo kín ngực Thanh Xuân. Chợt anh chụp cánh tay người bạn và kêu lên như reo: “Được rồi, được rồi”. Người bạn ngạc nhiên nhìn vào đôi mắt sáng của Y Ví. Y Ví rút từ túi áo ngực ra một túi ni lông rộng bằng hai ngón tay, màu trắng. Anh nói: “Có muối đây rồi”. Bây giờ, anh mới cởi thắt lưng để xuống đất. Anh rút chiếc bi đông nhựa màu xanh, rồi lấy tiếp chiếc ca i-nốc trắng lóa. Anh nói: “Hòa nước muối, lau vết thương. Tốt lắm. Tốt lắm”. Liền đó, anh rút tấm vải dù hoa đang quàng trên cổ bạn. Muối chỉ chừng mươi hạt nhỏ như hạt đậu xanh. Họ đổ nước hòa muối. Dùng dao găm cắt vải dù, một mảnh dài làm băng và hai mẩu nhỏ làm gạc. Y Ví cẩn thận đổ từng giọt nước để rửa tay trước khi cầm miếng gạc chấm nước muối dưới đáy ca. Họ đỡ Thanh Xuân dậy, dịt hai miếng gạc đã bóp khô vô hai vết thương, dùng băng quấn hai vòng qua ngực, qua lưng cô, rồi cột chặt lại. Khi Thanh Xuân nằm xuống, Y Ví lấy bi đông đổ cho cô vài ngụm nước. Gần trưa, Thanh Xuân mở mắt và cô vẫn chưa nói được tiếng nào, bởi cô còn quá đau đớn.

Y Ví không để ý vạt áo sau lưng anh máu đã khô. Anh ngồi nghĩ trầm ngâm, mệt mỏi. Bỗng nghe tiếng người nói đâu đây. Họ chú ý quan sát ra bên ngoài, mới giật mình nhận ra rằng vạt cây họ ẩn nấp lại nằm sát con đường ngăn cách đám rẫy phía đông, lúc còn sương mù họ không tài nào để ý đến. Quan sát kỹ, họ ước lượng chỗ họ trú chỉ cách đường đi chừng năm sáu mét. Dân đi trên đường. Rồi thấy dân làm cỏ lúa. Họ lo nơm nớp nhưng ra hiệu cho nhau đừng để Thanh Xuân biết họ đang trú tại ốc đảo mà ba bên bốn bề vừa trống trải, vừa rộng bát ngát, lại vừa lô nhô bóng người. Y Ví và anh bạn thấy căng thẳng đầu óc, trán toát mồ hôi, mắt dõi ra phía đường đi và nằm xuống. Họ từ từ mở khóa an toàn hai khẩu AK, bởi từ ngoài đường, có mình người mang khẩu AR15 đang tiến đến vạt cây họ đang nấp. Nhìn kỹ, họ nhận ra năm dân vệ đang đi tuần. Tên mang súng đến sát vạt cây. Y Ví nhìn không sót một cử chỉ nào của nó. Anh vừa thấy, vừa nghe tiếng nó đái xè xè xuống mặt lá cây - Rồi nó đi. Chợt nó quay phắt lại và giương súng ngắm trong giây lát. Một tiếng súng nổ vang. Y Ví chụp vai người bạn, ra hiệu không nổ súng. Chính anh cũng giật thót cả người, không kịp hiểu thằng lính bắn cái gì. Rồi nó lại đi ra, lặng lẽ nhập bọn. Phút kinh hoàng trôi qua chóng vánh, như cơn ác mộng.

Thanh Xuân giật mình, ngẩng đầu để cố ngồi dậy. Y Ví chặn vai cô. Hồi lâu, anh mới gượng nói được:

- Ở giữa vạt cây, có một cây cao, ngoi lên trời. Chắc có con chim bay đến đậu trên đó, nên thằng lính nổ súng.

Mãi cho tới lúc hoàn toàn trấn tĩnh, Y Ví nói tiếp có phần tinh nghịch:

- May mà nó không bắn trúng con chim. Nếu nó bắn trúng, con chim rớt xuống, chắc cán bộ lượm dùm để thằng lính khỏi chui vô.

Thanh Xuân gắng nở nụ cười méo mó. Rồi tất cả im lặng hồi lâu. Ai cũng suy nghĩ, căng thẳng.

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc