Đến với bài thơ hay
Ám ảnh mây trắng giữa trời Điện Biên
Trời Điện Biên mây trắng
Trời Điện Biên mây trắng
Trắng như màu hoa ban
Màu áo cô gái Thái
Khuy bạc sáng hai hàng
Trời Điện Biên mây trắng
Trắng như màu cơm lam
Màu lững lờ khói bếp
Bay trên mái nhà sàn
Trời Điện Biên mây trắng
Trắng màu khói na pan
Màu khói bom, khói đạn
Đọng đến giờ chưa tan
Trời Điện Biên mây trắng
Màu những lá cờ hàng
Màu bạc đầu bạn cũ
Tìm nhau trong nghĩa trang
Trời Điện Biên mây trắng
Màu xương trắng đồi hoang
Trời Điện Biên mây trắng
Trắng hoa lau bạt ngàn...
Trời Điện Biên mây trắng
Trời Điện Biên mây trắng
Trời Điện Biên mây trắng...
Anh Ngọc
LỜI BÌNH
Thơ là sự thảng thốt của điệu hồn ám ảnh. Thơ hay lại càng đúng thế. Sức sống lâu bền của một tác phẩm thường bắt nguồn từ nỗi niềm đau đáu của thi nhân trước những sự kiện lớn lao của dân tộc và thời đại, trước những bể dâu của cuộc sống con người. Hình ảnh những đám mây trắng trên bầu trời Điện Biên đã ám ảnh hồn thơ Anh Ngọc khi ông có dịp về thăm mảnh đất " lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", từ đó bật ra một "Trời Điện Biên mây trắng" nhỏ nhắn mà bi hùng, thổn thức bao trái tim người đọc.
Theo tác giả tâm sự, cách đây mười năm, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có về Điện Biên thăm lại mảnh đất anh hùng này. Ngồi trên máy bay lúc lượn vòng trên thung lũng, Anh Ngọc đã không kìm nỗi cảm xúc khi bật lên: "Ồ, sao màu mây Điện Biên lại trắng đến thế nhỉ!". Từ đó, những ngày ở Điện Biên nhà thơ cứ vẩn vơ nghĩ mãi về điều đó.
Trước hết, cái hay của bài thơ là khả năng liên tưởng dồi dào thông qua rất nhiều thi ảnh xuất hiện sau hình tượng mây trắng trên bầu trời Điện Biên. Mây trắng - bản thân nó không nói lên một biểu tượng nào cả, chỉ là một ám ảnh có thực khi nhà thơ đến với mảnh đất lịch sử này.
Thanh bình và hủy diệt, hạnh phúc và đau thương, cái còn và cái mất... cứ sóng nhau chạy dọc suốt bài thơ trên cái nền của hình tượng "Trời Điện Biên mây trắng". Bài thơ có sáu khổ, mỗi khổ thơ có 4 câu, chỉ có khổ thơ cuối bài là ba câu được lặp lại nguyên vẹn nhan đề tác phẩm như một nỗi niềm ám ảnh. Hai khổ thơ đầu gợi vẻ đẹp yên bình trong khung cảnh hài hòa tuyệt đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc. Vẻ đẹp ấy một thời đã được khắc họa rất hay trong thi phẩm “Việt Bắc” nổi tiếng của Tố Hữu sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nỗi nhớ dào lên trong lòng người về xuôi: "Ta về mình có nhớ ta? Ta về, ta nhớ những hoa cùng người".
Giờ đây, với tâm trạng được quay trở lại chiến trường xưa sau năm mươi năm chiến tranh kết thúc, nhà thơ Anh Ngọc bộc lộ niềm vui khôn xiết khi đứng trước mảnh đất Điện Biên lịch sử. Màu mây trắng gợi đến màu hoa ban bạt ngàn rừng núi, gợi màu áo trắng của người con gái Thái xinh đẹp trong điệu múa xòe tha thiết gọi mời:
Trời Điện Biên mây trắng
Trắng như màu hoa ban
Màu của cô gái Thái
Khuy bạc sáng hai hàng
Chưa hết, màu mây trắng giữa đất trời Điện Biên còn gợi màu trắng của cơm lam tinh khiết, màu khói bếp bay trên những mái nhà sàn trong bảng lảng chiều hôm. Hai khổ thơ đầu thật đẹp, thật gợi qua cách liên tưởng đầy thơ mộng, tất cả đẹp như một bức tranh hoàn hảo nơi núi rừng Việt Bắc.
Đến hai khổ thơ sau, vẫn màu mây trắng Điện Biên ám gợi, nhưng lại đưa cảm xúc của Anh Ngọc liên tưởng đến bao nỗi đau thương của chiến tranh ly loạn, bao cảnh tang thương trên chính mảnh đất đầy thơ mộng này. Mây trắng hay đó là màu khói na pan, khói của đạn bom đến giờ còn đọng lại trên đất đai và trú ngụ trong cả ký ức con người. Rồi nữa, sự thất bại ê chề lũ lượt ra hàng của giặc Pháp với màu cờ trắng như vẫn còn phả vào màu mây trắng hôm nay. Những màu khăn tang trên đầu người chinh phụ khóc chồng, người mẹ khóc con, mái đầu bạc của người đồng đội cũ giữa nghĩa trang dằng dặc mộ phần như vẫn còn ám ảnh nhà thơ không nguôi:
Trời Điện Biên mây trắng
Trắng màu khói na pan
Màu khói bom, khói đạn
Đọng đến giờ chưa tan
Trời Điện Biên mây trắng
Màu những lá cờ hàng
Màu bạc đầu bạn cũ
Tìm nhau trong nghĩa trang
Ba dòng thơ cuối bài lặp lại nguyên nhan đề tác phẩm như một dụng ý nghệ thuật đặc sắc. Nói như Anh Ngọc, bạn đọc cứ thả sức tưởng tượng để đồng sáng tạo với mình, tiếp tục gợi mở cho mọi người những trường liên tưởng mới để hoàn thiện hơn bức tranh mây trắng Điện Biên bay qua muôn nỗi phận người. Chính bằng nghệ thuật điệp tu từ cú pháp này, tác giả đã đánh động được trái tim người đọc và chuyển tải được tư tưởng của mình thông qua những ám ảnh mây trắng giữa đất trời Điện Biên muôn thuở.
Văn Lê
Ý kiến bạn đọc