Multimedia Đọc Báo in

Con biết đêm nay thầy lại thức

15:23, 28/11/2017

Thăm thầy giáo cũ

(Kính tặng thầy Hoàng Như Mai)

Hai mươi bốn năm xa

Con ngồi lặng bên thầy

Phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa

Tóc thầy bạc phau

Mái tóc con nửa đời sương gió

 

Đứa học trò thuở mười chín đôi mươi

Lại lắng từng câu, lại nhập từng lời

Cái giọng nói một đời không quên được

Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt

Hai mươi bốn năm rồi ấm mãi trong con

Thầy giảng cho con về đất nước nhân dân

Để khi mặc lành không quên người áo vá

Ăn miếng cơm nhớ bàn tay trồng khoai, đỡ củ

Câu ca dao đau đáu một đời

 

Con ngước lên, con gặp mắt thầy

Đầm ấm quá, con thành trẻ nhỏ

Những vui buồn thầy lặng nghe con kể

Có lúc nào thầy không ở bên con

Con nghe rất nhiều trong lặng im

Thầy thấu cả những điều con chưa nói

Phút giao cảm: thầy là tia nắng dọi

Con, cây xanh đang nảy lộc trong vườn

 

Thầy tiễn con về. Phố lạnh hơi sương

Con để mãi bàn tay trong tay thầy ấm áp

Và con biết đêm nay thầy lại thức...

  Nguyễn Bùi Vợi

 

Năm câu thơ mở đầu phác họa chân dung người thầy với mái tóc "bạc phau" sau hai mươi bốn năm thầy trò xa cách. Thầy Hoàng Như Mai là một giáo sư đại học nổi tiếng, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi cũng là một thầy giáo dạy văn. Hai nhà giáo, một thầy và một trò cũ cứ thế nhẹ nhàng say chuyện. Không gian mở ra nồng nàn nơi phố Nguyễn Du với mùi hoa sữa đặc trưng của Hà Nội. Hình ảnh người học trò có mái tóc đã hơn nửa đời sương gió càng gợi sự thấm thía và xúc động khi được hội ngộ bên thầy. Lời thơ bình dị, dễ hiểu mà trữ tình, lắng đọng bởi nó được ngân lên từ cảm xúc chân thành, từ hiện thực đời sống được tác giả trải nghiệm.

Sau phút giây dạt dào xúc động gặp được thầy giáo cũ, Nguyễn Bùi Vợi đã dành những câu thơ thật hay để khắc họa chân dung người thầy qua giọng nói và ánh mắt. Phải là giọng nói mới tỏa được vẻ đẹp tâm hồn của người thầy từ góc nhìn sư phạm. Nhà thơ không viết thầy dạy hay và hấp dẫn môn văn mà chỉ trần thuật lại mình như bị thôi miên trước bài giảng của thầy thuở mười chín đôi mươi, nay "lại lắng từng câu, lại nhập từng lời" vì "giọng nói một đời không quên được". Giọng nói không quên được chắc phải đặc trưng lắm, độc đáo lắm, say người lắm. Hình ảnh ánh lửa nồng nàn cháy lên trong cặp mắt thầy lại là một phát hiện tinh tế nữa của tác giả: “Đứa học trò thuở mười chín đôi mươi/Lại lắng từng câu, lại nhập từng lời/Cái giọng nói một đời không quên được/Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt/Hai mươi bốn năm rồi ấm mãi trong con”.

Ban đầu là mái tóc "bạc phau", rồi đến giọng nói "suốt đời không quên được", nhưng đó mới chỉ là ở hình thái bên ngoài của thầy. Lắng sâu hơn chính là sự cảm nhận của Nguyễn Bùi Vợi về vẻ đẹp tâm hồn thầy thể hiện qua tính giản dị, khiêm nhường trong sinh hoạt đời sống hằng ngày bằng một tình cảm kính yêu vô hạn. Nhờ thế những câu thơ tự nhiên, giản dị mà bất chợt trào dâng cảm xúc lạ thường. Cảm phục nhất là nhân cách người thầy hiện lên qua nỗi bồi hồi xúc động khi nhà thơ hồi tưởng về những lời dạy dỗ ân tình, mang đậm tính nhân văn mỗi lần nghe thầy giáo giảng: “Thầy giảng cho con về đất nước nhân dân/Để khi mặc lành không quên người áo vá/Ăn miếng cơm nhớ bàn tay trồng khoai, đỡ củ/Câu ca dao đau đáu một đời”.

Yêu người lao động, biết trọng ơn nghĩa đối với nhân dân là vẻ đẹp của nhân cách người thầy cao cả. "Mặc lành không quên người áo vá", “ăn miếng  cơm nhớ người trồng khoai, đỡ củ” là phẩm chất đạo đức, là tình nghĩa uống nước nhớ nguồn mà suốt đời thầy đã dạy cho lớp lớp học trò sau những tháng năm khó nhọc. Hình tượng thơ nhờ thế gần gũi, thân thuộc mà rưng rưng niềm xúc động, khái quát được những tư tưởng lớn, những bài học làm người cao đẹp của dân tộc ta.

Kính trọng và đồng cảm với thầy từ tình yêu văn chương, yêu đất nước và con người, nhất là vẻ đẹp nhân văn lấp lánh qua từng câu chữ mà thầy đã dạy dỗ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi một lần nữa đã thấu hiểu lòng thầy và dường như thầy cũng hiểu lòng mình. Hai thầy trò nhờ đó có mối tương giao thật kỳ diệu: “Con nghe rất nhiều trong lặng im/Thầy thấu cả những điều con chưa nói/Phút giao cảm: thầy là tia nắng dọi/Con, cây xanh đang nảy lộc trong vườn”.

Ba câu thơ kết bài là một cảm xúc lắng đọng, thiết tha về tình nghĩa thầy trò sáng trong, cao đẹp. Vẫn phố Nguyễn Du chìm trong sương lạnh nhưng lòng người học trò lại ấm áp vô biên. Hình ảnh đêm nay thầy lại thức đã gợi mở ra rất nhiều ý tưởng. Thầy thức vì nỗi thương đời, thương đất nước và nhân dân vẫn còn nghèo khó, thương cậu học trò hơn nửa đời sương gió hay đó còn là tâm tình rộng lớn mênh mang về cõi đời, cõi nhân sinh với biết bao buồn vui mà văn chương không nói hết được. Nhờ thế, khổ thơ cuối bài khép lại, ta vẫn nghe điệu nhạc tâm hồn của nghĩa tình thẳm sâu, của tình thầy trò rộng lớn vô biên: "Thầy tiễn con về. Phố lạnh hơi sương/ Con để mãi bàn tay trong tay thầy ấm áp/ Và con biết đêm nay thầy lại thức..."

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc