Soi vào thăm thẳm nước non Tiên Rồng
Soi gương Giếng Ngọc
Tôi soi vào Nước ngàn xưa
thấy dân đi cấy với vua đi cày
núi Hùng chim Lạc rợp bay
hoang sơ xóm mạc tháng ngày hồn nhiên
Thậm Thình vọng tiếng chày đêm
lúa Giao Chỉ đã chín lên hai mùa
trời tròn đổ nắng, trắng mưa
đất xanh cây cỏ, gió lùa ba sông.
Tôi soi vào Cội nguồn trong
thấy Tiên là mẹ, thấy Rồng là cha
thấy mình là nụ, là hoa
hương thơm từ thuở xưa xa thơm về
thạp đồng rung nhịp đam mê
nghìn năm kẽo kẹt sinh quê đẻ làng
rộng dài một dải giang san
linh thiêng trời đất đa mang khởi đầu!
Tôi soi vào Cõi lắng sâu
thấy voi đánh giặc về chầu tổ tiên
ráng hồng ngựa sắt bay lên
áo bào để lại bồi đền phù sa
dẻo thơm kính mẹ, dâng cha
miếng cơm địu sắn, tương cà nuôi nhau
vôi nồng quấn quýt trầu cau
ai ru thắm thiết nỗi đau lỡ làng
Tôi soi vào Chốn dịu dàng
thấy trong cát mịn ánh vàng trái tim
mịt mù tăm cá, bóng chim
cái duyên lặn lội đi tìm cái duyên
núi che lán, sông chở thuyền
bão giông, ôm lấy lời nguyền trăm năm
lứa đôi cứ vậy nồng nàn
gái trai thành nước non ngàn dặm xanh...
Nguyễn Hữu Quý
Bài thơ có một vẻ đẹp cân đối, hài hòa về cấu trúc qua bốn khổ thơ đều nhau. Ở đây, ngoài sự dụng công về mặt nghệ thuật của tác giả, người đọc còn cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, kính cẩn của nhà thơ khi soi mình vào lòng Giếng Ngọc để lắng nghe thăm thẳm nước non Tiên Rồng tỏa ra từ bốn hướng uy linh như thể bốn ngàn năm tiếng cha ông đồng vọng. Giếng Ngọc cũng chính là Nước ngàn xưa, Cội nguồn trong, Cõi lắng sâu, Chốn dịu dàng của quá khứ hùng thiêng lắng qua thời gian, kết đọng thành mạch nguồn thẳm sâu vô tận.
Từ hình tượng Giếng Ngọc nơi Đền Hùng, Nguyễn Hữu Quý đã rất khéo léo và tài hoa khi dẫn dắt người đọc qua trùng trùng lớp lớp văn hóa ẩn hiện suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Khởi đầu là hình ảnh Vua Hùng hiện lên trang nghiêm mà thật gần gũi: "Thấy dân đi cấy với vua đi cày". Cũng từ đó, bóng dáng huyền sử chấp chới hiện về qua hình ảnh từng đàn chim Lạc bay trên núi Hùng để hình thành xóm làng thân thuộc, nên thơ. Hình tượng thơ ở khổ đầu thật đẹp, gợi nhiều cảm xúc nhờ tác giả biết chọn những thi ảnh đặc sắc và tiêu biểu để phát họa cội nguồn hồn nước khi tiếng chày giã gạo Thậm Thình làm nên một nền văn minh lúa nước buổi sơ đầu:
Thậm Thình vọng tiếng chày đêm
lúa Giao Chỉ đã chín lên hai mùa
trời tròn đổ nắng, trắng mưa
đất xanh cây cỏ, gió lùa ba sông.
Nhìn Giếng Ngọc để soi vào "Nước ngàn xưa" thiêng liêng và đẫm màu huyền thoại, từ đó nhà thơ khơi dậy trong tâm hồn mỗi người dân nước Việt niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên khi tiếp tục soi vào "Cội nguồn trong" để nhận ra nguồn cội sinh thành thật cao dày ân đức. Ý thơ nối tiếp tự nhiên, liền mạch với thể thơ lục bát thật đẹp mà không thấy có sự gượng ép điệu vần, như thể trong vô tận tâm hồn tác giả, tự bao giờ đã "thấy mình là nụ là hoa", hồn nhiên được sinh ra từ cha mẹ Rồng Tiên của bốn ngàn năm trước. Hạnh phúc hơn, sâu xa hơn, từ cội nguồn thiêng liêng ấy hình thành một dải giang sơn bao la, rộng lớn:
thạp đồng rung nhịp đam mê
nghìn năm kẽo kẹt sinh quê đẻ làng
rộng dài một dải giang san
linh thiêng trời đất đa mang khởi đầu!
Nước non vừa mới hình thành đã bể dâu tan tác, trăm họ điêu linh khi ngoại bang bốn phía tràn sang. Không phải ngẫu nhiên mà đến khổ thơ thứ ba này, nhà thơ vẫn từ một điểm nhìn là Giếng Ngọc nhưng đã thấy lòng mình soi vào "Cõi lắng sâu". Phải là "Cõi lắng sâu" mới thấy hết công đức của tiền nhân, những gian khổ, hy sinh trong công cuộc chống ngoại xâm giữ gìn đất nước. Bằng sự hiểu biết thật sâu rộng các chất liệu văn hóa lịch sử, khả năng vận dụng nhuần nhuyễn các huyền tích, truyền thuyết, nhà thơ đã chọn lọc một thi ảnh khá tiêu biểu qua hình tượng Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân sau đó bay về trời. Hình tượng "ráng hồng ngựa sắt bay lên" thật đẹp đẽ và hùng tráng, giàu chất sử thi được truyền tải bằng một câu lục khá mềm mại. Thánh Gióng bay về trời nhưng nghĩa nhân đắp bồi vững bền muôn thuở. Đó vừa là hào khí đánh giặc, vừa là vẻ đẹp nhân văn lấp lánh hồn dân tộc, là tình nghĩa thủy chung mãi mãi vững bền. Đọc khổ thơ này, người đọc nhận ra ở tâm hồn tác giả một tình cảm biết ơn sâu sắc với tiền nhân:
Tôi soi vào Cõi lắng sâu
thấy voi đánh giặc về chầu tổ tiên
ráng hồng ngựa sắt bay lên
áo bào để lại bồi đền phù sa
dẻo thơm kính mẹ, dâng cha
miếng cơm địu sắn, tương cà nuôi nhau
Khép lại thi phẩm, rất có lý khi đến khổ thơ kết, nhà thơ lại thấy hồn mình lắng sâu qua "Chốn dịu dàng" từ mạch nước nơi thành Giếng Ngọc. Quả vậy, trải qua bao đời, từ cội nguồn hình thành đất nước, qua gian nan dựng xây và bảo vệ giống nòi, điều cốt yếu và cuối cùng của dân tộc ta là vẫn hướng về tình yêu thủy chung, son sắt. Mượn một câu chuyện có tính truyền thuyết về mối lương duyên giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung, nhà thơ đã có những câu thơ thật hay để khơi gợi vẻ đẹp tình yêu bất tử. Vẻ đẹp nhân bản ấy là kết tinh của điệu hồn dân tộc, của tình nghĩa thiết tha sau trước mặn nồng. Cao xa hơn, tình yêu đó còn ánh vàng lên từ trái tim của mối lương duyên bất tuyệt đã kết đọng lại thành nước non vạn thuở vững bền:
"Tôi soi vào Chốn dịu dàng
Thấy trong cát mịn ánh vàng trái tim
Mịt mù tăm cá, bóng chim
Cái duyên lặn lội đi tìm cái duyên
Núi che lán, sông chở thuyền
Bão giông, ôm lấy lời nguyền trăm năm
Lứa đôi cứ vậy nồng nàn
Gái trai thành nước non ngàn dặm xanh...
Thể thơ lục bát tài tình, cộng hưởng với một tâm hồn cung kính và nhạy cảm trước đề tài mang tính sử thi hướng về cội nguồn đất nước, tác giả đã chạm được vào trái tim người đọc nhờ cảm xúc chân thành, tình yêu Tổ quốc thiết tha, sâu lắng thông qua hình tượng Giếng Ngọc - Đền Hùng. Từ đó, hồn thơ nở hoa và thơm hương qua cung đàn dặt dìu của thể thơ dân tộc, cất lên tiếng nói tri ân về nguồn cội sinh thành, nhất là vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc