Multimedia Đọc Báo in

Lời Người vang vọng núi sông

15:44, 25/09/2018

Theo chân Bác

         (Trích)

 

...Việt Nam, ta lại gọi tên mình

Hạnh phúc nào hơn được tái sinh

Mát dạ ông cha nghìn thuở trước

Cho đời, hai tiếng mới quang vinh!

 

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín

Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình

Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín

Bỗng vang lên tiếng hát ân tình.

 

Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!

 

Người đứng trên đài, lặng phút giây

Trông đàn con đó, vẫy hai tay

Cao cao vầng trán, ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây!

 

Người đọc Tuyên ngôn... Rồi chợt hỏi:

“Đồng bào, nghe tôi nói rõ không?”

Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi

Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!

 

Cả muôn triệu một lời đáp: “Có!”

Như Trường Sơn say gió biển Đông

Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ

Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông.

 

Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa

Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta

Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...

Tố Hữu

Trường ca “Theo chân Bác” là một tác phẩm thơ lớn của Tố Hữu cũng như của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Trong trường ca này, nhà thơ Tố Hữu đã “theo chân Bác” suốt cuộc hành trình hoạt động của Người đằng đẵng ba mươi năm để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” (Chế Lan Viên) và cho đến cuối cuộc đời khi “Bác đã lên đường nhẹ bước tiên/Mác - Lênin, thế giới người hiền”. Đoạn thơ trích trên đây được nhà thơ tái hiện lại khung cảnh mùa thu nơi Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945, thời khắc Người đứng trên đài cao đọc Tuyên ngôn Độc lập và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoạn thơ làm xúc động tâm hồn người đọc nhờ khả năng trữ tình hóa một sự kiện chính trị to lớn của dân tộc bằng một nghệ thuật thơ điêu luyện, tài hoa. Qua đó, nhà thơ giúp cho mỗi người Việt Nam biết yêu quý, nâng niu cuộc sống hòa bình hiện tại, quyết tâm dựng xây đất nước ngày càng to đẹp và đàng hoàng hơn.

Sau đoạn thơ tái hiện lại cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc trong Cách mạng Tháng Tám 1945 với hào khí ngất trời: “Tổng khởi nghĩa lệnh truyền đêm trước/Sáng quân ra giải phóng Thái Nguyên/Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước/Đứng lên ta giành lấy chính quyền”, nhà thơ Tố Hữu xúc động nhắc lại tên Tổ quốc mình qua hai tiếng “Việt Nam” đầy cảm động. Đó là cuộc tái sinh vĩ đại làm mát lòng mát dạ cha ông bao thế hệ trước đây và khơi dậy niềm tự hào, quang vinh cho nòi giống Rồng Tiên trong hiện tại:

Việt Nam, ta lại gọi tên mình

Hạnh phúc nào hơn được tái sinh

Mát dạ ông cha nghìn thuở trước

Cho đời, hai tiếng mới quang vinh!

Sau giây phút vui sướng ngỡ ngàng, nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa không khí ngày Tết Độc lập thật trang nghiêm và ngập tràn cảm xúc. Thủ đô Ba Đình dâng đầy hoa thơm và nắng đẹp, muôn triệu con tim của nhân dân đang hồi hộp, đợi chờ thời khắc thiêng liêng khi Bác Hồ xuất hiện và đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam mới. Tất cả lặng yên, bồi hồi, mong đợi buổi sáng mồng hai tháng chín mở ra với mùa thu Ba Đình lịch sử:

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín

Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình

Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín

Bỗng vang lên tiếng hát ân tình.

Đâu chỉ lòng người lắng vọng ngóng trông, cả tiếng chim trời cũng như nín thở khi Bác Hồ bước ra đài cao trong sắc áo ka ki giản dị, vầng trán cao cao và đôi mắt sáng ngời một niềm tin chiến thắng, một khát vọng lớn lao tỏa sáng ước mơ đời. Cụm từ “lặng phút giây” vừa chân thật vừa gợi mở một niềm xúc động không làm sao diễn tả hết được. Người đã hóa thân thành “tiếng hát ân tình”, tiếng hát của nước non bốn ngàn năm đợi chờ, hy vọng:

Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!

Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán, ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây!

Trong Tuyên ngôn Độc lập mà Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình mùa thu lịch sử, có một giai thoại kể lại khiến tất cả mọi người vô cùng xúc động là câu hỏi ngẫu nhiên giữa chừng của Bác: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Tố Hữu nhắc lại trong đoạn thơ này chỉ đảo cấu trúc thành: “Đồng bào, nghe tôi nói rõ không?”. Tuy không chuẩn bị trong bản Tuyên ngôn, nhưng đó là câu hỏi tự nhiên, bật thốt và sâu lắng tâm tình mà Bác muốn gửi đến với người dân.

Đó là khát vọng giao hòa, thấu hiểu, thiết tha. Câu hỏi trở thành nguồn sức mạnh của tinh thần đoàn kết giữa lãnh tụ với nhân dân. Một câu hỏi đơn sơ, giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày nhưng chứa chan hồn nước, hồn thiêng của cha ông kết tụ vọng về làm ấm bao tấm lòng con dân nước Việt:

Người đọc Tuyên ngôn rồi chợt hỏi:

“Đồng bào, nghe tôi nói rõ không?”

Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi

Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!

Sau câu hỏi đơn sơ mà “ấm bao lòng” ấy, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện cảm xúc của lòng người trong không khí ngày Độc lập không thể nào quên. Tất cả mọi người dự lễ mít tinh đều đồng thanh đáp “Có” trước câu hỏi của Người như một lời thề sắt son, mãnh liệt không thể nào lay chuyển. Sự hòa điệu giữa lòng Bác với muôn dân chẳng khác nào như “Trường Sơn say gió biển Đông”. Lúc này, giọng thơ, khí thơ cũng vang lên mạnh mẽ, hào hùng như một khúc tráng ca:

Cả muôn triệu một lời đáp: “Có!”

Như Trường Sơn say gió biển Đông

Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ

Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông.

“Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông”, chuyên chở bao khát vọng của muôn triệu con người trong ngày vui chiến thắng. Khép lại đoạn thơ tái hiện không khí náo nức ngày Độc lập, nhà thơ Tố Hữu lắng lòng mình trong cảm xúc rưng rưng:

Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa

Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta

Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...

Đoạn trích là khúc ca hào hùng mà vẫn tha thiết, sâu lắng nhờ ở khả năng trữ tình hóa của nhà thơ Tố Hữu. Chân dung Bác Hồ vĩ đại, không khí ngày Tết Độc lập 73 năm trước vẫn như hiện về chan chứa giữa lòng ta. Chúng ta vẫn như thấy một Ba Đình tràn ngập sắc nắng, màu hoa và muôn triệu con người đang hát bản hòa ca cách mạng. Cao đẹp hơn, thiêng liêng hơn, giữa nền trời mùa mùa thu năm ấy, bóng Bác hiện về tỏa sáng lung linh, bởi Người đã hóa thân vào nước non ngàn đời bất diệt.

Lê Thành Văn

 


Ý kiến bạn đọc