Multimedia Đọc Báo in

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua một trường ca

14:31, 29/12/2018

 (Đọc "Từ Điện Biên tới biển" của Nguyễn Hưng Hải, NXB Hội Nhà văn, 2018)         

Nguyễn Hưng Hải là nhà thơ trưởng thành từ vùng đất Tổ Phú Thọ; sở trường nhất của anh có lẽ là viết về những đề tài mang đậm chất sử thi, đặc biệt là hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều vị anh hùng dân tộc trong các cuộc trường chinh cứu nước.

Bộ trường ca "Từ Điện Biên tới biển" gồm có 4 trường ca: "Đường tới Điện Biên Phủ", "Thao thức trên đồng", "Trong cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn" và "Đường ra biển". Trong đó, trường ca "Đường tới Điện Biên Phủ" khắc họa rất rõ nét chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trường ca "Đường tới Điện Biên Phủ" chiếm 65 trang in trong tập sách dày gần 190 trang, gồm 12 chương được sắp xếp một cách logic về mặt cảm xúc: Chiếc khăn tay và lời dặn của Bác (chương 1), Điểm hẹn lịch sử (chương 2), Đối mặt (chương 3), Nếu không có Tướng Giáp (chương 4), Khúc ca ngày chiến thắng (chương 5), Có một Điện Biên không nói cho ai biết (chương 6), Tiếng đàn trong đêm vắng (chương 7), Điện Biên Phủ trên không (chương 8), Thần tốc, thần tốc, thần tốc... (chương 9), Trở lại Điện Biên (chương 10), Nỗi niềm sau trận mạc (chương 11), Con đường từ Điện Biên (chương 12). Không phải về độ dài mà qua trường ca này, chúng ta bắt gặp một Nguyễn Hưng Hải chắc tay trong nghệ thuật viết trường ca, đồng thời dễ nhận diện phong cách nhất quán của tác giả trong việc lựa chọn đề tài để thể hiện cảm xúc, khơi dậy trong tâm hồn người đọc tình cảm yêu nước và tôn kính những con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

    Ảnh: sachvan.vn
Ảnh: sachvan.vn

Trong "Đường tới Điện Biên Phủ", tác giả tập trung viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ mà nổi bật nhất là hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong tác phẩm của mình, nhà thơ giúp người đọc hình dung về một Tướng Giáp vĩ nhân nhưng cũng bình dị đời thường qua hình ảnh chiếc khăn tay đong đầy kỷ niệm và lời dặn của Bác Hồ rất đỗi lắng sâu: "Ta có biết vì sao Tướng Giáp/Vẫn vẹn nguyên như cuối những buổi chiều/Ngồi ăn cơm cùng Bác/Chiếc khăn tay còn đây như lời nhắc.../Để thắng được chính mình phải biết thắng nỗi đau". Như một khúc chậm trong tâm tưởng Đại tướng, Nguyễn Hưng Hải để cho Người mơ về làng An Xá năm nào thuở còn thơ đến trường, đến lớp: "Đường đến trường đi bằng chiếc thuyền nan/Đi bằng cơn gió Lào ràn rạt/ Mồ hôi đẫm cả khi đang ngồi quạt/Củ khoai lùi trong cát tỏa mùi thơm". Chính những nghĩa tình ấy, những thời khắc thiêng liêng ấy với quê hương xứ sở mới làm nên một người con vĩ đại của đất Quảng Bình "gió Lào ràn rạt".   

Trong chương "Điểm hẹn lịch sử'", hình tượng Đại tướng trằn trọc suốt đêm không ngủ để nghĩ về Bác Hồ, nghĩ về những người chiến sĩ đang chịu nhiều gian khổ mà lòng xa xót: "Tướng Giáp không làm sao chợp mắt/Tướng Giáp nhìn trăng lại thương Bác một mình/Đêm nay Tướng Giáp cũng một mình/Ông đang nghĩ về những người đồng đội". Điện Biên Phủ trở thành "điểm hẹn", điểm hẹn của tuổi trẻ, của khát vọng độc lập, tự do dưới xiềng xích bạo tàn: "Từ ngày đầu kháng chiến/ Điện Biên đã là điểm hẹn/ Nơi tuổi trẻ gặp nhau/Ý nghĩ thức trong đêm ánh sáng". Sức mạnh của lòng dân và ý chí quyết thắng đã thôi thúc Tướng Giáp đêm đêm mở từng trang sử cha ông, nghiền ngẫm cách đánh, bởi thế lực giữa ta và địch quá chênh nhau: "Một bên là lô cốt, máy bay/Một bên là mũ nan, chân đất". Vậy đó, để có một Điện Biên "chấn động địa cầu" phải có người cầm quân tài trí và Tướng Giáp đã nhân danh lịch sử: "Trong cái lán giữa rừng đâu chỉ một mình Tướng Giáp/Tướng Giáp cầm quân có lịch sử đi cùng/Lịch sử được làm nên từ những chiếc xe đạp thồ, từ câu hò điệu hát" và "Đường kéo pháo không chỉ đo bằng lòng yêu nước Mà đo bằng xương máu mấy ngàn năm!".

Đến chương 5 "Khúc ca ngày chiến thắng", trong lúc kẻ thù ra hàng lũ lượt, nhà thơ đã khắc họa hình tượng Tướng Giáp qua 9 năm vào sinh ra tử: "Tướng Giáp cũng như tất cả mọi người/Không thể khác trước mưa rừng gió núi/Không thể khác bên những người đồng đội/Cũng vào sinh ra tử 9 năm qua". Ngày về tiếp quản Thủ đô, cứ ngỡ đất nước được vẹn toàn thống nhất, giang sơn liền một mối, mọi người sẽ chung khúc khải hoàn ca nhưng rồi đất nước bị chia cắt hai miền, nỗi đau ấy không làm sao yên được. Suốt mấy mươi năm dằng dặc, Tướng Giáp vẫn thao thức qua tiếng đàn trong đêm phố vắng. Có thể xem đây là những đoạn thơ trữ tình chêm xen thật xúc động: "Tiếp quản Thủ đô/Trở lại Thủ đô cùng Bác Hồ/Cứ tưởng sau 1954/Cầu Hiền Lương sẽ nối nhịp/Hơn 20 năm sau Điện Biên Phủ/Tướng Giáp vẫn như đêm bên Bác ở giữa rừng".

Đọc trường ca "Đường tới Điện Biên", người đọc dễ nhận ra một Nguyễn Hưng Hải với phong cách sử thi hào hùng mà trữ tình tha thiết. Dù đề tài gắn với một sự kiện lịch sử, song thơ anh vẫn hấp dẫn người đọc nhờ vào cảm xúc thăng hoa cao độ. Có lẽ, là người con Phú Thọ gần gũi với mảnh đất Điện Biên nơi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, nhất là anh có nhiều người thân đã từng tham gia trong cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ này, ký ức được đào xới từ lời kể của mẹ cha, sự thấu hiểu từ muôn vàn nỗi đau của nhân dân đã làm nên một độ rung lớn, một tình cảm lớn, nhất là qua chương "Có một Điện Biên không nói cho ai biết". Ta hãy nghe Nguyễn Hưng Hải bộc bạch cảm xúc từ chính mẹ mình: "Mẹ lệch cả xương vai, những người phụ nữ làng tôi lệch cả xương vai, đến giờ còn đi lệch/Lệch cả thời con gái cho thăng bằng những cỗ pháo ngàn cân/Trở về Điện Biên, mẹ tôi cũng như tất cả những người phụ nữ của làng/Lại cày cuốc sớm khuya lo làm ra hạt gạo". Hoặc anh viết về thân phận người lính Điện Biên năm xưa khiến lòng ta rưng rưng nước mắt: "Anh vẫn trẻ và tràn trề hạnh phúc/Nhưng không thể bước ra làm một cuộc đời ?!/Trong khung kính anh cười/Ngoài khung kính vẫn một người đang khóc".

Chính khả năng am tường thể loại trường ca là biết kết hợp giữa cảm hứng "đại tự sự" và cảm xúc trữ tình giàu tính nhân bản mà nhà thơ Nguyễn Hưng Hải đã gặt hái được rất nhiều thành công qua các giải thưởng và chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc gần xa. Đặc biệt, với tường ca "Đường tới Điện Biên Phủ", anh đã khắc phục thành công hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một tượng đài mang đậm chất tráng ca về người lính Cụ Hồ.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc