Bài ca Tháng Mười - Thơ của lòng biết ơn
Nhà thơ Tố Hữu sáng tác "Bài ca Tháng Mười" năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc. Giữa núi rừng gian khổ vẫn tràn đầy niềm tin vào kháng chiến thắng lợi và lòng biết ơn Cách mạng Tháng Mười Nga soi đường cho Cách mạng Việt Nam.
Mở đầu là khẳng định sự vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã hồi sinh thay đổi vận mệnh loài người:
Thuở Anh chưa ra đời
Trái đất còn nức nở
Nhân loại chửa thành người
Đêm ngàn năm man rợ.
Đến khổ thơ sau được diễn tả chi tiết, cụ thể:
Nước mắt, máu, mồ hôi
Đong hàng bát, hàng bát
Bán đổi lấy cơm ôi
Nhặt từng hạt, từng hạt.
Những điệp từ thêm sức nặng: "Hàng bát, hàng bát"; "từng hạt, từng hạt" kết hợp với "đong", "nhặt" làm quặn lòng khi đong nước mắt, máu, mồ hôi để nhặt từng hạt cơm ôi.
Từ nhịp thơ chậm, buồn diễn tả tâm trạng nô lệ, nhà thơ như cất tiếng reo vui:
Từ khi Anh đứng dậy
Trái đất bắt đầu cười
Và loài người từ đấy
Ca bài ca Tháng Mười!
Thơ hoành tráng bởi tâm hồn hoành tráng, Cách mạng Tháng Mười biến người nô lệ thành người tự do coi như cứu rỗi nhân loại.
Hai khổ thơ kế tiếp là sự diễn giải cụ thể về sự thay đổi tâm trạng, tâm thế của người vùng lên làm chủ vận mệnh của mình:
Những mắt buồn sắp nhắm
Bừng dậy, thấy tương lai
Những bàn tay lại nắm
Cờ đỏ qua đêm dài…
Những đầu lên máy chém
Nhìn đao phủ hiên ngang
“Muôn năm Đảng Cộng sản"
Chào Xô viết Liên bang".
Đó chính là sự khẳng định giá trị Cách mạng Tháng Mười, con người được giác ngộ, quần chúng vùng lên theo chính nghĩa.
Ơi người Anh dũng cảm
Lũy thép sáng ngời ngời
Đây Việt Nam Tháng Tám
Em Liên Xô Tháng Mười!
Thể hiện sự khiêm tốn vốn có của nhà thơ, nói thay cho cả dân tộc Việt Nam. Nhận là "Em" so với "Anh" Liên Xô. Thực tế là như vậy. Vì Cách mạng Tháng Mười Nga (lịch Nga là 25 tháng 10, công lịch là ngày 7-11-1917) còn Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam diễn ra năm 1945, đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Khổ thơ đầy lòng biết ơn và kính trọng. Tình nghĩa Anh – Em gắn bó keo sơn.
Hoan hô Xtalin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió!
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công nhờ đường lối đúng đắn của Lênin nhưng trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế chiến thứ hai 1939 – 1945, thì không thể phủ nhận công lao của Xtalin đã lãnh đạo nhân dân Liên Xô giành thắng lợi, góp phần quan trọng cùng phe Đồng Minh đánh bại chủ nghĩa phát xít với sự hy sinh to lớn (Liên Xô mất gần 27 triệu người trong tổng số hơn 50 triệu người cả thế giới).
Hoan hô Hồ Chí Minh
Cây hải đăng mặt biển
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến!
Bài thơ được viết trước Chiến dịch Điện Biên Phủ bốn năm nhưng niềm tin tưởng tuyệt đối vào kháng chiến thắng lợi. Hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh ví như ngọn hải đăng để con tàu cách mạng Việt Nam kiên định mục tiêu, vững vàng tiến về phía trước dù còn bão tố, còn nhiều gian nan thử thách.
Bài thơ dài tới tám khổ thơ, thơ ngũ ngôn dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ thuộc. “Bài ca Tháng Mười” là một trong những bài thơ thành công của nhà thơ Tố Hữu - thể hiện lòng biết ơn với người Anh - Liên bang Xô viết.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc