Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngào tình yêu với mảnh đất Tây Nguyên

08:43, 19/09/2020

 (Đọc “Rét mật Tây Nguyên” của Trần Thị Uyên, NXB Hội Nhà văn, 2019)

Trần Thị Uyên là nhà thơ nữ còn khá trẻ của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Đến nay, chị đã xuất bản hai tập thơ là “Tình Sêrêpốk” (2014) và “Rét mật Tây Nguyên” (2019). Giọng điệu trữ tình, giàu nữ tính và chân chất về mặt ngôn ngữ, thơ Trần Thị Uyên đến với bạn đọc chủ yếu bằng điệu hồn đồng cảm, sẻ chia.

Dễ thấy trong hai tập thơ của Trần Thị Uyên, mạch cảm xúc chính trước sau vẫn hướng về vùng đất Tây Nguyên với nét riêng trong giọng điệu, hình ảnh và ngôn ngữ. Tây Nguyên lễ hội. Tây Nguyên nắng gió. Tây Nguyên hùng vĩ. Tây Nguyên nồng nàn, thủy chung, trong suốt. Tập thơ “Rét mật Tây Nguyên” gồm 50 bài thơ, đề tài dù khá đa dạng nhưng dòng chảy chính vẫn hướng về vùng đất Tây Nguyên chứng tỏ khả năng am tường và tâm hồn gắn bó của tác giả với mảnh đất nhiều nắng gió này thật sâu lắng. Hình ảnh sông Sêrêpốk, hoa dã quỳ, bụi đỏ trở đi trở lại; vẻ đẹp của hình tượng Hồ Lắk, Buôn Ma Thuột, trường ca Đam San, tiếng đàn Cha Pi, Tơ-rưng… luôn réo rắt ngân vang đã góp phần làm nên hồn vía quê hương xứ sở của Yàng.  Thống kê trong 50 tác phẩm của tập thơ đã có hơn 15 bài thơ chị viết về đề tài này, ví như “Mùa hội”, “Lỗi hẹn”, “Tình khúc”, “Khát”, “Rét mật Tây Nguyên”, “Bất chợt”, “Mưa đầu mùa”, “Khúc tháng Tư”, “Nỗi nhớ tháng Tư”, “Dấu chân mùa cũ”, “Trở lại vườn yêu”, “Ban Mê tình thắp lửa”… Điều đó đủ thấy Tây Nguyên sâu thẳm dường nào trong mạch nguồn cảm xúc của nhà thơ.

Bằng cảm xúc về các lễ hội ở Tây Nguyên, nhà thơ đưa người đọc tìm về nét thiêng liêng của núi rừng xưa cũ ngỡ như trong cổ tích, đồng thời thể hiện tiếng nói tâm tình cá nhân mãnh liệt trước vẻ đẹp của một vùng đất: “Đưa em về lễ hội cưỡi voi/ Cái nắng sớm cuối mùa khô hồ Lắk… Xưa cổ xưa voi có lứa có đôi/ Thêm một lạy vợ chồng voi được tuổi/ Thêm một lạy phút giây nhìn đắm đuối/ Em chạnh lòng voi áp ngực bờ vai” (Mùa hội). Từ không gian lễ hội được vây bọc bởi thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên mênh mang nắng gió, tác giả gửi vào đó cả tình yêu lứa đôi với những hẹn hò rất mực nên thơ. Đó chính là cảm xúc cá nhân hòa trong tình yêu quê hương, đất nước thông qua không gian đại ngàn hùng vĩ, đẹp tươi: “Núi trầm tư không một lời trách cứ/ Cúc quỳ vàng rực chờ mong/ Bạt ngàn gió, bạt ngàn mây bỏ ngỏ/ Váy em xòe nghiêng ánh mắt Tây Nguyên” (Lỗi hẹn).

Ngoài cảm hứng về Tây Nguyên, trong “Rét mật Tây Nguyên” còn có những bài khá chững chạc về tình cảm gia đình, về tình yêu đôi lứa. Gia đình với nhà thơ là điểm tựa, là tình yêu thương vô bờ bến. Các thi phẩm “Tình cha”, “Níu xuân”, “Nỗi đau”, “Chị tôi”, “Về phố biển”, “Níu lại chồi xuân”… đã thể hiện niềm cảm xúc ấy. Có những câu thơ viết về mẹ của Trần Thị Uyên thật xúc động, dù cách biểu đạt có chút còn "non": “Xuân cứ đến đừng lấy đi tuổi mẹ/ Xin một lần… Lưng mẹ níu chồi xuân” (Níu xuân). Dù viết nhiều về không gian Tây Nguyên với những nét văn hóa đặc sắc, song hầu như trong các bài thơ, tác giả Trần Thị Uyên không quên đan cài cảm xúc tình yêu vào đó, nhờ vậy mà chị có được những câu thơ tình khá hay gắn với không gian lễ hội: “Đêm đại ngàn tiếng Tơ-rưng vụn vỡ/ Nhịp chày đôi ai giã gió vô tình?” (Bất chợt), hoặc: “Có phải chăng Nữ thần Mặt Trời không ngủ/ Đuốc dựng đêm thương nhớ đại ngàn/ Gặp nhau rồi tim thắp lửa… Đam San!” (Đam San tình thắp lửa).

Khi đọc “Rét mật Tây Nguyên”, độc giả có cảm tưởng mình đang chiêm ngưỡng một vùng đất hùng vĩ, rộng lớn qua cái nhìn và cảm xúc đắm say của một người trong cuộc, thật gần gũi và ấm áp. Nó không đơn thuần chỉ là lễ hội, nắng gió, cồng chiêng, đàn Tơ-rưng vang vọng giữa đại ngàn. Nó có cả tình cảm yêu thương của người thân gia đình và tình yêu lứa đôi hòa chung nhịp đập. Giá như tác giả chọn lọc ngôn ngữ thơ giàu sinh khí và sáng tạo hơn, chắc chắn sẽ có thêm được những bài thơ hay. Hy vọng những tập thơ sau, Trần Thị Uyên sẽ có nhiều cách tân về ngôn ngữ, thay đổi và biến hóa hơn về giọng điệu cho phù hợp với cảm xúc của từng bài thơ để nâng cao nghệ thuật thơ chính mình, góp phần định hình phong cách của một cây bút nữ trên thi đàn Đắk Lắk.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc