Cúng bến nước – Một phong tục đẹp cần được phát huy
Trong chương trình Lễ hội văn hóa truyền thống Bản Đôn năm 2010, lễ cúng bến nước là một nội dung gây được sự quan tâm của nhiều người dân, du khách và các nhà nghiên cứu bởi nó toát lên nhiều ý nghĩa nhân văn…
Sáng ngày 24-3-2010 tại bến nước buôn Trí, xã Krông Na (Buôn Đôn) nằm bên dòng sông Sêrêpôk, Ban tổ chức lễ hội đã cho triển khai lễ cúng bến nước. Đây là lễ cúng cổ truyền, tuy vậy đã nhiều năm không được thực hiện, vì nhiều lý do… Trước khi tổ chức lễ cúng, già Ama Ghi đã huy động dân làng làm vệ sinh bến nước, phát quang bờ bụi, sửa sang lại đường xuống bến. Một số trung niên khỏe mạnh được huy động mổ 2 con heo, mỗi con dài tầm 2 gang tay. Một số phụ nữ được giao chuẩn bị gạo, muối, trầu cau… Khi lễ vật đã chuẩn bị xong, gồm 2 ché rượu cần, 2 bát huyết heo, 2 bát lòng heo, 2 thủ heo, gạo, cơm, muối…, ông thầy cúng Y Thên lấy một ít huyết heo hòa vào rượu vẩy ra xung quanh, lấy một ít lòng heo băm nhỏ trộn với cơm, huyết dắt lên 4 tai ché rượu cần, còn lại đổ lên lá chuối trải trên mặt đất, rồi bắt đầu chắp tay vái, đọc lời cúng kính dâng lên Yang, lên tổ tiên, lên các vị thần, thời gian vừa qua đã phù hộ cho dân làng sức khỏe để nhà nào cũng sống vui vẻ, trồng cái cây thì được cái cây xanh tốt, nuôi con voi, con trâu, con heo… thì to béo, lớn nhanh. Cảm ơn Yang và thần linh gần, thần linh xa đã cho bến nước của buôn ta luôn luôn đầy nước để bà con ăn uống, tắm giặt được no nê, mát gan mát ruột, con trâu, con bò căng bụng mượt lông, cái cây trồng cho nhiều hoa thơm quả ngọt, con gà con chó đầy gầm sàn, đầy sân… Dân làng rất biết ơn Yang và các thần linh và xin hứa sẽ giữ gìn bến nước luôn luôn sạch đẹp, cây cối xanh tươi, giữ cho mạch nước không bao giờ ngừng chảy… Dứt lời ông lấy rượu hòa huyết heo vẩy ra bốn phía và đổ xuống nước, dâng cho thần n ước thần sông. Sau đó thì mời chủ bến nước là bà H’Phút Kno khai ché rượu cần, tiếp đến là các bà các chị, các vị cao niên vít cần uống rượu…
Lễ cúng bến nước ở Bản Đôn. |
Ông Lopez Moreno, một du khách nước ngoài đứng xem lễ cúng bến nước từ đầu đến cuối và được người phiên dịch cho biết toàn bộ nội dung như trên. Ông tỏ ra rất thích thú: “Hay lắm. Ở đâu cũng làm được lễ như thế này hằng năm thì hay lắm…”.
Quả đúng như lời ông Lopez Moreno nói, đây là tập tục hay, vì có nhiều ý nghĩa, không chỉ là vấn đề tâm linh mà còn là vấn đề nhân văn, khoa học của người xưa nhưng rất phù hợp với ngày nay. Nó vừa có tác dụng nhắc nhở giáo dục mọi người trong cộng đồng biết ghi nhớ công ơn của tổ tiên, của tất cả những ai đã giúp đỡ cưu mang cho bản thân mình trong cuộc sống hằng ngày, vừa là sự tôn vinh, đề cao bến nước, qua đó gián tiếp giáo dục tình yêu đối với làng buôn, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nguồn nước để bảo vệ cuộc sống của chính họ.
Tập tục này ngày xưa được tổ chức hằng năm tại tất cả các buôn làng của Tây Nguyên, nhưng ngày nay đã bị “rơi rụng” ở hầu hết buôn làng. Đây là điều đáng tiếc. Rất mong ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên quan tâm phục hồi.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc