Trống da trâu trong đời sống tâm linh của đồng bào Êđê
Ghế Kpan, cồng chiêng, trống da trâu… là những vật dụng quen thuộc của đồng bào Êđê Tây Nguyên. Mỗi vật dụng mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều gắn với sinh hoạt thường nhật của người dân bản địa. Trong đó, trống da trâu được xem là vật thiêng liêng đem lại sự bình yên và sức khỏe cho người sở hữu.
Dân gian có câu “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”, sau khi trâu chết, người ta lột da để lợp trống, da tốt thì trống bền, khi đánh lên rất kêu, da xấu thì trống nhanh hỏng, tiếng không vang. Khi làm thịt trâu, người ta tách nhẹ nhàng da trâu để khỏi bị rách, róc hết thịt dính trên da, ngâm với dung dịch nước vôi, sau đó phơi nắng cho da có độ dai nhất định, không đươc phơi khô quá da sẽ bị cứng không uốn được. Nếu trước đó đã có da của con trâu đực bọc một đầu trống rồi, thì nhất định ở lễ hội sau người ta sẽ làm thịt con trâu cái để lấy da bọc đầu trống còn lại. Già Y Cơ H’wing, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) cho biết, bọc trống bằng một loại da trâu cũng được, nhưng tiếng kêu của nó không thanh, không vang bằng trống được bọc da hai con trâu khác nhau. Nếu là trâu cái thì người ta sẽ chọn con nào chưa qua sinh đẻ, vì loại trâu này da sẽ tốt hơn. Trống hai da trâu là sự kết hợp hài hòa giữa âm-dương, đất-trời, thường có đường kính từ 1 đến 1,5 mét tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình mà kích thước chiếc trống sẽ khác nhau. Gia đình nào khá giả thường sở hữu những chiếc trống có đường kính lớn, kèm theo chuông reo được gắn ở điểm đầu của trống. Trống luôn luôn gắn với nhà sàn của người Êđê, được đặt trên chiếc Jhơng (tấm phản ngắn) nằm hướng Tây, sát mép nhà. Những người được tham gia bọc da trống phải là người biết đánh trống, thường là các già làng, trưởng bản. Người đánh trống phải là nam giới, mặc trang phục truyền thống Êđê, có đạo đức, nhân cách tốt và am hiểu về các tập tục của đồng bào mình. Tùy thuộc vào từng lễ hội mà tư thế và kiểu đánh trống sẽ khác nhau, đánh từng tiếng khoan thai hoặc dồn dập liên hồi…
Người phụ nữ Êđê bên chiếc trống của gia đình mình. |
Khác với trống trường, trống ở đình làng, trống hai da trâu của đồng bào Êđê là vật bất di bất dịch. Chủ sở hữu không bao giờ cho phép ai đưa trống ra ngoài nhà sàn, vì họ cho rằng nếu làm vậy rất tội lỗi và điều xui sẽ đến với những người thân trong gia đình. Ông Ama H’Liêng (thị xã Buôn Hồ) cho hay, nếu ai đưa trống ra ngoài hoặc bán đi có nghĩa là gia đình đó đã đem sự may mắn ra khỏi nhà mình. Nếu không may có hỏa hoạn làm cháy nhà, cháy trống thì chủ nhà phải mua lễ vật về cúng trống theo nghi thức truyền thống.
Khi xã hội càng phát triển, bóng dáng của những ngôi nhà dài ngày một thưa thì số gia đình còn giữ được những vật linh thiêng như trống da trâu càng ít dần. Để tiếng trống da trâu còn mãi ngân vang ở các lễ hội của buôn làng, nhiều hộ đồng bào Êđê tỉnh ở Tây Nguyên đang nỗ lực gìn giữ chiếc trống của gia đình mình.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc