Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa các dân tộc bản địa được bảo tồn giữ gìn và phát huy trong đời sống đương đại

17:35, 01/09/2010

Trước, nguy cơ thất truyền, mai một dần của văn hóa truyền thống luôn hiện hữu trong đời sống đương đại, vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa của Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung được các cấp, ngành trung ương, địa phương quan tâm. Những lễ hội được phục dựng: ăn trâu, cúng bến nước, mừng lúa mới… đã góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết, gắn bó của các cộng đồng trong buôn làng, đồng thời tạo môi trường diễn xướng cho các nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng. Ở nhiều buôn làng, người dân đang nỗ lực để tiếng chiêng ngân mãi trong những ngôi nhà dài. Đó là lớp dạy đánh chiêng trẻ của buôn Kram, xã Ea Tiêu được tổ chức, duy trì đều đặn vào tối thứ bảy hằng tuần tại nhà sinh hoạt cộng đồng; là những người yêu chiêng ở buôn Pưk Prong (xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin). Đó còn là những nghệ nhân ở buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) đem hết lòng nhiệt huyết để dạy chiêng cho con cháu mà canh cánh nỗi lo hằn sâu theo nếp nhăn của tuổi tác về sự thất truyền nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng trong đời sống đương đại… Để trong mỗi tiếng chiêng vang lên biết bao nỗi niềm được gửi gắm. Và như những gì mà nghệ nhân Y Lon Niê của buôn Ko Siêr chia sẻ, nhắn nhủ: Mất gì thì mất chứ đồng bào mình đừng để mất chiêng. Bởi nó là tài sản quý giá, và là niềm tự hào của cả dòng họ; mỗi tiếng chiêng vang lên là tiếng đồng vọng của dân tộc. Giữ lại chiêng là một việc làm thiêng liêng gắn với truyền thống bao đời nay của người Êđê, Giarai, M’nông… Truyền dạy cho con cháu giữ tiếng cho chiêng cũng là để nhắc nhở chúng không quên giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mình; cảm nhận được những giá trị nhân văn mà ông bà đã để lại, làm phong phú thêm cho tâm hồn và đời sống tinh thần của thế hệ trẻ hôm nay.

Lễ cúng bến nước ở buôn K'mrơng Prơng A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) được chính quyền các cấp và ngành văn hóa quan tâm phục dựng.
Lễ cúng bến nước ở buôn K'mrơng Prơng A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) được chính quyền các cấp và ngành văn hóa quan tâm phục dựng.

Ông Y Wai Byă, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định: Những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, các cấp ngành trung ương, địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc của Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung với nhiều dự án và công trình nghiên cứu quan trọng nhằm khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa. Nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng và phát huy hiệu quả. lễ hội cồng chiêng và các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: lễ đâm trâu, mừng lúa mới, cúng bến nước, bỏ mả, mừng sức khỏe và cầu mưa… được ngành văn hóa từng bước khôi phục trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của buôn làng. Những lễ hội đua voi, cồng chiêng… ngày nay đã trở thành lễ hội truyền thống hằng năm của đồng bào các dân tộc ở Dak Lak. Công tác sưu tầm kho tàng sử thi, các làn điệu dân ca, múa dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là đối với cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng được các cấp, ngành quan tâm, đẩy mạnh, nhằm giữ gìn và từng bước phục hồi các sinh hoạt văn hóa, tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng cũng như các loại hình văn hóa - nghệ thuật dân gian của vùng đất này. Không những vậy, văn hóa các dân tộc bản địa còn có sự “hội nhập” trong đời sống đương đại, thể hiện qua kiến trúc đô thị,  đời sống âm nhạc, ẩm thực... Đó là sự điểm xuyết khá tinh tế của những họa tiết, hoa văn ở các công trình kiến trúc đô thị hiện đại; những ca khúc mang đậm chất dân gian của đồng bào các dân tộc: Êđê, Giarai, M’nông... Đây chính là những nỗ lực của chúng ta trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống để nó không mất đi mà còn có thể thấm sâu vào đời sống đương đại.

 

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc