Multimedia Đọc Báo in

Về Hòa Thắng, nghe tiếng chiêng Mường…

16:43, 25/11/2010

Đến xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) một lần được nghe tiết mục diễn tấu chiêng của đội chiêng Mường ngân lên với những cung bậc khác nhau trong mỗi dịp lễ, hội của bản làng, không khỏi làm xao xuyến lòng người. Hòa Thắng là một trong những địa phương còn lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường trên Cao nguyên.

Hiện, xã Hòa Thắng có 4 đội chiêng, cứ 11 người tập hợp nhau lại lập thành một đội để chơi, tự may trang phục, luyện tập thường xuyên và biểu diễn nhuần nhuyễn các tiết mục chiêng truyền thống. Nhiều bài chiêng cổ được các cụ sưu tầm, truyền dạy lại cho con cháu như: “Mừng cơm mới”, “gọi mùa”, “lễ hội hạ neo”… Bên cạnh đó, nhiều người trong đội còn dựa vào các giai điệu cổ, sáng tạo thêm các bài cồng chiêng mới, ca ngợi cuộc sống ấm no trên vùng đất mới.

Thế hệ trẻ bây giờ ở Hòa Thắng, chẳng ai còn nhớ rõ chiêng Mường có ở đây từ bao giờ, chỉ biết từ khi người Mường đến định cư và sinh sống trên vùng đất này thì cồng chiêng cũng từ đó đi vào đời sống của người dân. Những người được coi là lão làng nhất trong “dàn cồng chiêng Mường” như cụ Nguyễn Thị Danh (78 tuổi), Nguyễn Thị Bông (81 tuổi), Nguyễn Thị Mường  (77 tuổi)… biết đánh chiêng từ thời còn con gái, khi vào Dak Lak lập nghiệp, các bà vẫn không quên mang theo nét văn hóa Mường về với Tây Nguyên và quyết tâm khôi phục lại điệu chiêng cổ để con cháu sau này biết được cha ông mình xưa kia đã có một bản sắc văn hóa đẹp và quý đến như thế nào. Tuy nhiên, theo bà Danh kể thì khi bà đến đây cũng đã có một vài người Mường nữa trước bà biết nhớ đến điệu chiêng của quê hương và tập luyện rồi.  Gặp nhau, cùng chung một tâm nguyện, thế là họ họp lại, chơi chiêng cho “đỡ nhớ quê hương”.

Đội chiêng Mường xã Hòa Thắng đang biểu diễn tiết mục "Gọi mùa".
Đội chiêng Mường xã Hòa Thắng đang biểu diễn tiết mục "Gọi mùa".

Những ngày đầu mới thành lập đội, huy động khắp trong xã chỉ còn được 6 chiếc chiêng Mường do các gia đình mang từ ngoài quê vào nhưng với niềm say mê tiếng chiêng cổ nên các bà đã mượn thêm chiêng của đồng bào Êđê, góp thành một bộ để luyện tập. Đến năm 1996, xã đã tặng cho đội chiêng Mường một bộ chiêng hoàn chỉnh. Có cồng chiêng, nên mọi người càng hăng hái, tổ chức thêm nhiều đội nữa để luyện tập. Ngoài những dịp lễ, tết truyền thống thì đám cưới của người Mường nhất thiết không thể thiếu âm thanh trong trẻo của những tiếng chiêng vang lên rộn ràng. Vào những dịp như thế, tiếng chiêng còn mang một ý nghĩa linh thiêng, cầu phúc cho đôi bạn trẻ. Điều đáng quý là không chỉ có người già trong làng mới đánh được thành thạo các điệu chiêng  cổ mà niềm đam mê ấy cũng “truyền” sang cho giới trẻ. Thanh thiếu niên trong làng rủ nhau lập hẳn một đội chiêng (gồm 11 người), từ 17 tuổi trở lên, hăng say luyện tập và có tiết mục biểu diễn tại địa phương. Người già dạy cho lớp trẻ, người đi trước chỉ cho người đi sau, cứ như thế chiêng mường có người kế tục, mỗi dịp lễ tết, hội hè, tiếng chiêng lại vang lên đều đều với những âm điệu tha thiết của quê hương. Chị Bùi Thị Hạnh (thôn 3, xã Hòa Thắng) cho biết, người Mường ở đây quý và lưu giữ cồng chiêng như một báu vật trong nhà. Hễ mỗi khi huy động, ai cũng có mặt đầy đủ luyện tập và tham gia biểu diễn. Năm 2007, tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường tổ chức ở Hòa Bình, tiết mục của đội chiêng Mường xã Hòa Thắng thu hút người xem và nhận được nhiều lời động viên, khích lệ. Từ Tây Nguyên xa xôi, với chiếc váy áo truyền thống và chiếc chiêng cổ trên tay, các cô gái Mường đã làm ngân dài và đẹp thêm cho văn hóa Mường .

Không riêng gì những ngày lễ, hội mà ngay cả những ngày thường, cũng được nghe những điệu chiêng, chị Hạnh cho biết: “Hễ rảnh rỗi, chị cùng bạn bè ngồi lại với nhau đánh chiêng, nhớ quê hương và nhắc nhở con cháu không được quên truyền thống của dân tộc mình…”. Ông Trương Văn Chính, Chủ tịch UBND xã cho biết, hoạt động của đội chiêng Mường giữ một vị trí quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Bên cạnh văn hóa của đồng bào Êđê, những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mường làm phong phú và giàu bản sắc thêm cho nền văn hóa ở địa phương. Vì vậy, xã luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các đội chiêng tham gia hoạt động, biểu diễn, để nhiều người trong và ngoài tỉnh có cơ hội được biết đến tiếng chiêng Mường Hòa Thắng.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc